Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải lý giải nguyên nhân lần đầu tiên giá dầu cao hơn giá xăng

Thảo Nguyên 09:11 | 07/09/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 diễn ra chiều 6/9, trả lời về nguyên nhân lần đầu tiên giá dầu cao hơn giá xăng trong kỳ điều hành vừa qua và tác động của việc tước giấy phép 5 doanh nghiệp vi phạm trong kinh doanh xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, giá hai mặt hàng này đều cao, các cơ quan chức năng mong muốn giảm thấp nữa để giúp doanh nghiệp sử dụng xăng dầu làm đầu vào và người tiêu dùng.

 

Nguyên nhân giá dầu cao hơn giá xăng là thị trường thế giới từ đầu năm 2022 đến nay, ngay sau cuộc xung đột giữa Nga -    Ukraine, nguồn cung cấp dầu cho thị trường châu Âu và Mỹ giảm nên nhu cầu đối với dầu diezen và dầu hỏa tăng cao cung cấp cho thị trường khí đốt dẫn đến giá hai loại dầu này đều tăng cao hơn giá xăng. Đồng thời, để chuẩn bị cho nhu cầu mùa Đông, người dân đang dần chuyển sang sử dụng dầu nên giá dầu tăng cao hơn giá xăng. Hiện nay, giá xăng trung bình trên thế giới là 105 USD/thùng, trong khi đó giá dầu là 143 USD/thùng.

Tại thị trường trong nước, thuế nhập khẩu dầu bình quân chỉ ở mức 0 - 0,12%, thuế nhập khẩu xăng ở mức 9,7%, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu là 0%, còn xăng là 8 - 9%. Bình thường thì giá bán lẻ xăng trong nước luôn cao hơn so với giá dầu, nhưng vì những nguyên nhân nêu trên nên trong kỳ điều hành vừa qua giá xăng thấp hơn giá dầu.

Về việc hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng do giá xăng dầu tăng cao, nhất là những đối tượng làm trong ngành vận tải và ngư dân, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, chúng ta đang điều hành giá xăng dầu theo thị trường, nhưng có sự quản lý của nhà nước và Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Gần đây nhất ngày 12/8/2022, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu các chính sách an sinh xã hội hỗ trợ các đối tượng thu nhập thấp, trong đó có hỗ trợ giá xăng dầu.

Trả lời về việc bỏ hay giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong dự thảo Luật Giá mà Bộ Tài chính đang soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Quỹ bình ổn giá là công cụ để "giảm chấn" trong trường hợp giá xăng dầu tăng sốc và giảm mạnh trên thị trường thế giới. Quỹ này điều hòa giá xăng dầu trong nước khi có biến động mạnh trên thế giới nhằm đảm bảo hỗ trợ người tiêu dùng trong nước và Quỹ này chỉ phục vụ cho việc điều hành giá xăng dầu.

Khi soạn thảo Bộ Tài chính đưa ra nhiều phương án khác nhau để cùng đánh giá. Còn việc bỏ hay giữ Quỹ bình ổn thì các chuyên gia, người tiêu dùng và doanh nghiệp có thể phân tích điểm mạnh và điểm yếu của từng phương án khác nhau. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính lựa chọn phương án tối ưu có lợi nhất cho kinh tế đất nước.

Đề cập đến việc Bộ Công Thương vừa tước giấy phép đối với 5 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, đây là giải pháp Bộ Công Thương thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm xử lý nghiêm các doanh nghiệp sai phạm trong kinh doanh xăng dầu. Thanh tra Bộ Công Thương vừa có văn bản số 752/TTB-P5 về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xăng dầu. Theo đó, đơn vị này quyết định xử phạt 5 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu gồm: Công ty cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Tháp; Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Xăng dầu Tín Nghĩa; Công ty TNHH MTV Dầu khí Thành phố Hồ Chí Minh; Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu và Công ty cổ phần Dầu khí Đông Phương.

Công văn nêu rõ, ngày 15/2, Bộ Công Thương ban hành Quyết định thanh tra số 192/QĐ-BCT về thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của một số thương nhân kinh doanh xăng dầu. Trên cơ sở các Biên bản vi phạm hành chính, giải trình của các đơn vị, ngày 31/8, Chánh Thanh tra Bộ Công Thương ký ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tại các đơn vị và được gửi đến các công ty thông qua đường bưu điện.

Thanh tra Bộ Công Thương đề nghị các đơn vị khi nhận được Quyết định xử phạt vi phạm hành chính thực hiện đầy đủ các quy định của Quyết định và các thủ tục sau: ký xác nhận ngày, giờ nhận được Quyết định.

Đồng thời, ban hành văn bản thông báo gửi đến các cơ quan chức năng: Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước, Thanh tra Bộ, Tổng cục Quản lý thị trường); Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan để giám sát, xử lý việc thực hiện Quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Các doanh nghiệp thực hiện bàn giao giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu cho Thanh tra Bộ Công Thương tại trụ sở các cơ quan đại diện của Bộ Công Thương tại Tp. Hồ Chí Minh.