Thủ tục nhận hỗ trợ từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp như thế nào?
Theo đó, đối với việc hỗ trợ bằng tiền cho người lao động, căn cứ tính mức hỗ trợ là trên cơ sở thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động tại thời điểm ngày 30/9/2021 nhưng chưa được tính hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trường hợp người lao động đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng đến ngày 30/9 chưa có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, thì tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng làm căn cứ để xác định mức hỗ trợ của người lao động là tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng tại thời điểm ngày 30/9/2021.
Mức hỗ trợ một lần bằng tiền. Cụ thể, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp dưới 12 tháng, hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người; từ đủ 12 tháng đến dưới 60 tháng, hỗ trợ 2,1 triệu đồng/người; từ đủ 60 tháng đến dưới 84 tháng, mức 2,4 triệu đồng/người; từ đủ 84 tháng đến dưới 108 tháng, mức 2,65 triệu đồng/người.
Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 108 tháng đến dưới 132 tháng, mức 2,9 triệu đồng/người và từ đủ 132 tháng trở lên, mức 3,3 triệu đồng/người.
Về thủ tục, đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp, cơ quan bảo hiểm xã hội lập danh sách người lao động đang tham gia theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Quyết định này, gửi người sử dụng lao động.
Trong 5 ngày từ khi nhận được danh sách, người sử dụng lao động công khai danh sách người lao động thuộc đối tượng hỗ trợ để người lao động biết, đối chiếu, bổ sung thông tin; lập và gửi danh sách người lao động có thông tin đúng, đủ và người tự nguyện không nhận hỗ trợ theo Mẫu số 02 đến cơ quan bảo hiểm xã hội.
Sau đó, người sử dụng lao động lập danh sách thông tin của người lao động cần điều chỉnh theo Mẫu số 03 (nếu có), gửi đến cơ quan bảo hiểm xã hội, kèm theo hồ sơ chứng minh thông tin điều chỉnh theo quy định pháp luật, chậm nhất đến hết ngày 10/11/2021.
Trong 10 ngày từ ngày nhận được danh sách người lao động đúng, đủ thông tin và trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được danh sách người lao động điều chỉnh thông tin do người sử dụng lao động gửi đến, cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động. Khuyến khích chi trả thông qua tài khoản ngân hàng của người lao động.
Đối với người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, người lao động đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh hoặc cấp huyện nơi người lao động có nhu cầu nhận hỗ trợ theo Mẫu số 04. Thời hạn tiếp nhận đề nghị hỗ trợ chậm nhất đến hết ngày 20/12/2021.
Trong 10 ngày, cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động, thời gian hoàn thành chậm nhất vào ngày 31/12/2021.
Việc hỗ trợ sẽ được thực hiện trực tuyến thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cổng Dịch vụ công của Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoặc các tổ chức cung cấp dịch vụ I-VAN hoặc ứng dụng Bảo hiểm xã hội số (VssID). Ngoài ra, có thể thông qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tiếp tại cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh hoặc cấp huyện.
Đối với việc giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp, đối tượng thụ hưởng là người sử dụng lao động quy định tại Điều 43 của Luật Việc làm đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp trước ngày 1/10/2021.
Theo đó, người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Thời gian thực hiện giảm mức đóng trong 12 tháng, kể từ ngày 1/10/ 2021 đến hết 30/9/2022.
Về thủ tục, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đối tượng được giảm đóng gửi cơ quan bảo hiểm xã hội nơi đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp 1 bản sao văn bản của cơ quan có thẩm quyền, về việc đơn vị sự nghiệp công được phân loại tự chủ tài chính theo quy định tại Nghị định số 60 quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và các quy định pháp luật hiện hành về tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.