Gói hỗ trợ trả lương thất nghiệp do dịch Covid-19 triển khai rất chậm

20:41 | 15/06/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong thời gian vừa qua, gói hỗ trợ cho người bị mất việc do dịch Covid-19 có quy mô 16.000 tỷ đồng mới chỉ giải ngân cho 245 chủ sử dụng lao động vay để trả lương. Tỷ lệ đạt được tương đương với 0,26% giá trị.

Ngày 15/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa ra đánh giá về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2021 và thảo luận về những giải pháp cho những tháng cuối năm. 

Trong đó có nội dung về tiến độ thực hiện những chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 chưa đạt yêu cầu.

Cụ thể, theo ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - tính đến thời điểm ngày 27/5, gói hỗ trợ tiền mặt mới chỉ thực hiện được khoảng 13.100 tỷ đồng trên tổng giá trị 35.880 tỷ đồng, tỷ lệ tương ứng là 36,5%. 

Gói hỗ trợ vay trả lương ngừng việc bằng chính sách cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội với quy mô 16.000 tỷ đồng mới chỉ giải ngân cho 245 người sử dụng lao động trả 41,8 tỷ đồng cho 11.276 người lao động. Quy đổi từ con số trên thì mới đạt được 0,26% quy mô gói hỗ trợ, một con số quá thấp. 

Gói hỗ trợ trả lương thất nghiệp do dịch Covid-19 triển khai rất chậm - ảnh 1

Quốc hội không hài lòng với tiến độ giải ngân các gói cứu trợ hiện tại

Tiếp theo, gói hỗ trợ thông qua chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trị giá 6.500 tỷ đồng đã nhận và giải quyết cho cho 192.503 lao động của 1.846 đơn vị, doanh nghiệp tương đương với tiền mặt là hơn 786 tỷ đồng, chỉ đạt 12,1% quy mô gói hỗ trợ.

Theo ông Thanh, các nhóm hỗ trợ trên chưa tiếp cận hiệu quả đến những đối tượng dễ bị tổn thương và khó khăn nhất chứ không chỉ đơn thuần là viên chức tại các cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp. Đặc biệt là đối với người lao động trong khu vực phi chính thức, công nhân và các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. 

Các con số thống kê cùng thực tế giải ngân và các vấn đề liên quan sẽ được đánh giá kỹ hơn trong báo cáo Chính phủ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đánh giá thêm, gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng là quan trọng, là nguồn lực lớn nhưng tiến độ triển khai như vậy là chưa đạt mục tiêu, có nội dung chỉ đạt 0,26% quy mô hỗ trợ nên ông đặt vấn đề: "...Cần đánh giá rõ thêm về nguyên nhân khách quan, chủ quan và hướng tới sẽ xử lý như thế nào?". 

Còn đối với ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc nhận định: Thống kê trên giấy tờ thì lên tới 98% doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhưng chỉ có 2% doanh nghiệp bị ảnh hưởng thì chắc chắn cần phải xem lại hiệu quả của các gói chống dịch này. 

Cũng trong buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo Quốc hội về hiện trạng tới 23% các doanh nghiệp "rời bỏ cuộc chơi" trong 5 tháng đầu năm. Đáng chú ý khi con số doanh nghiệp quy mô lớn rút lui khỏi thị trường lại tăng dần. Chứng tỏ, sức chống chịu của các đơn vị sản xuất, kinh doanh đã suy giảm khá nhiều bởi dịch bệnh. 

Dự đoán trong thời gian sắp tới, nếu dịch Covid-19 còn kéo dài chắc chắn tình hình hoạt động của doanh nghiệp sẽ còn nhiều khó khăn. 

H.S

Xem thêm: Bản tin kinh tế ngày 20/04/2021: Tháo gỡ `nút thắt` ở gói hỗ trợ lần 2 cho doanh nghiệp