Thủ tướng: Cần đề phòng những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro
Đề phòng chu kỳ 10 năm khủng hoảng
Dẫn lại lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở hội nghị Chính phủ với các địa phương cuối năm ngoái, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành địa phương không ngủ quên trên “vòng nguyệt quế” bởi thành tích của 2017.
“Cần tăng trưởng cao, liên tục chứ không thể lẹt đẹt mãi. Ta tăng trưởng nhiều mặt nhưng bình quân GDP đầu người thấp như vậy vẫn là bài toán lớn”, người đứng đầu Chính phủ nói.
Thủ tướng cũng cho biết vẫn còn nhiều thách thức đối với nền kinh tế như vốn đầu tư công còn chậm giải ngân. Biện pháp là "anh nào không sử dụng thì chuyển cho địa phương khác, công trình khác" cần hơn.
Đặc biệt Thủ tướng nhắc tới chu kỳ 10 năm khủng hoảng ở Việt Nam mà chúng ta biết để chủ động "tránh lặp lại bài học đau đớn".
“Sau khi xem xét các yếu tố thì có thể khẳng định không có dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng theo chu kỳ 10 năm lặp lại. Nhưng để đề phòng, cần kiểm soát tốt những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản, xây dựng, ngân hàng không để xảy ra khủng hoảng”, Thủ tướng nói.
Kiểm soát lạm phát
Tại hội nghị, Thủ tướng cũng nêu ra 4 vấn đề lớn về kinh tế để các bộ, ngành, địa phương tập trung thảo luận, tìm giải pháp.
Đó là, sức ép lạm phát 6 tháng cuối năm, CPI trong tháng 6 tăng 0,61% cao nhất trong 7 năm qua. Nguyên nhân là do giá các mặt hàng xăng dầu, ăn uống, giao thông vận tải, vật liệu xây dựng tăng mạnh.
Vì vậy, vấn đề sức ép lạm phát những tháng còn lại cần được thảo luận kỹ tại hội nghị lần này. Cần đưa ra giải pháp cụ thể để kiểm soát CPI tăng không quá 4% trong năm nay, tạo nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững.
Để kiểm soát lạm phát những tháng còn lại năm 2018, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành không tăng giá điện trong năm nay, giá dịch vụ y tế, giáo dục đủ điều kiện mới tăng, bảo đảm mục tiêu lạm phát tăng dưới 4%.
Thứ hai là phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công chậm, có nhiều yếu kém, mới giải ngân 6 tháng mới đạt khoảng 33%, các bộ, ngành địa phương cần thảo luận kỹ vấn đề này để làm rõ nguyên nhân giải ngân chậm.
Thứ ba là vấn đề phát triển ngành, lĩnh vực, phải cố gắng hoàn thành vượt mức kế hoạch năm nay. Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP đã đề ra, trong quý III phải đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 6,23%, quý IV đạt 6,31%, trong khi bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều phức tạp, chiến tranh thương mại có nguy cơ xảy ra.
Thủ tướng nhấn mạnh, nếu chúng ta giảm tăng trưởng bất cứ năm nào trong kế hoạch 5 năm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nợ công. Cho nên, từng bộ, từng ngành cần chủ động tháo gỡ khó khăn.
Thứ tư ,Thủ tướng gợi ý các bộ, ngành, địa phương thảo luận cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đất là vấn đề lớn, dù đã có tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều rào cản trong phát triển, những nghiên cứu gần đây của các thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng thì đang có sự chững lại trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, mục tiêu cắt 50% thủ tục hành chính còn nhiều khó khăn.
Sức ỳ của cải cách đã xuất hiện và ngày càng lớn
Bên cạnh đánh giá cao những kết quả tích cực về kinh tế-xã hội 6 tháng qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, mặc dù đạt tăng trưởng cao nhất trong 8 năm qua, nhưng quán tính, động năng tăng trưởng đang giảm đi (từ 7,45% của quý I đã giảm xuống còn 6,79% của quý II và 7,08% của 6 tháng).
Thủ tướng chỉ ra 4 nguyên nhân dẫn tới sự trì trệ của đất nước. Đó là chưa tuân thủ đúng tinh thần kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; kỷ cương phép nước chưa nghiêm; tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm còn xảy ra trầm trọng, kéo dài; bệnh quan liêu, xa dân.
“Tôi nói vấn đề này để các nhà hoạch định chính sách suy nghĩ, làm sao khắc phục được những nguyên nhân này để đất nước phát triển nhanh hơn, tốt hơn”.
Thủ tướng đề nghị tiếp tục hủy bỏ những điều kiện kinh doanh vô lý, không cần thiết với tiến độ nhanh hơn, phát hiện và ngăn chặn nguy cơ xuất hiện những điều kiện kinh doanh mới, núp bóng ở những thể chế, chính sách pháp luật mới ban hành, nhất là từ cấp bộ. Nền kinh tế cần lấy mục tiêu hiệu quả làm đầu, cả doanh nghiệp Nhà nước và dân doanh cần chú ý điều này.
Môi trường kinh doanh cần được cải thiện mạnh hơn với nguyên tắc bình đẳng, an toàn, minh bạch và giảm chi phí. Cần cải thiện mạnh mẽ hơn nữa hiệu quả và hiệu lực quản lý Nhà nước nhờ sự trợ giúp của công nghệ thông tin và công tác đánh giá cán bộ. Tránh tình trạng “cán bộ mà cứ ôm vào mình quyền lợi không chính đáng”.
Hai năm gần đây, môi trường kinh doanh liên tục được cải thiện nhưng mức độ quyết liệt, cải cách thực chất chưa đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương. Sức ỳ của cải cách đã xuất hiện và ngày càng lớn.
Thủ tướng nêu rõ, không thể để tình trạng không làm cũng không sao hoặc làm không tốt cũng không sao. Chúng ta không thể dung túng cho sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm, không cần nỗ lực của cán bộ. Cần cơ chế đánh giá cán bộ tốt hơn, công bằng hơn.
Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh nhưng đến hết quý II/2018, có 378 điều kiện kinh doanh trên hơn 5.700 điều kiện kinh doanh được thực sự bãi bỏ, sửa đổi, đơn giản hóa, chỉ bằng khoảng trên 13%. Mặc dù ngày 31/10/2018 là thời hạn Chính phủ yêu cầu ban hành đủ các nghị định về cắt giảm 50% số điều kiện kinh doanh hiện có nhưng đến nay mới có Bộ Công Thương có nghị định và Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình dự thảo nghị định. Còn các bộ, ngành khác đang xây dựng hoặc chưa xây dựng. Yêu cầu cắt giảm 50% danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành trong năm 2018 nhưng các bộ chưa quyết liệt triển khai, kết quả còn rất hạn chế. “Vẫn còn thời gian để các đồng chí khắc phục”, Thủ tướng nêu rõ. Các bộ cần khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị định trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ trước ngày 15/8/2018 để bảo đảm thời hạn. Nội dung sửa đổi phải bảo đảm cắt bỏ thực chất quy định về điều kiện kinh doanh, phải rõ ràng, tránh tình trạng có thể hiểu và thực thi theo nhiều cách mà phần đúng luôn thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước, còn phần sai do doanh nghiệp, người dân.
Nhắc việc từ ngày 1/7, có 9 luật bắt đầu có hiệu lực, Thủ tướng yêu cầu các địa phương, các bộ, ngành áp dụng pháp luật đúng đắn, nhất là rà soát lại các luật quy định về điều kiện kinh doanh, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải pháp xử lý cụ thể.
Thủ tướng cũng lưu ý một số vấn đề. Trước hết về công tác truyền thông, phải tập trung tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; đấu tranh, phản bác thông tin sai sự thật, tin đồn, bịa đặt, vu khống; xử lý nghiêm các vi phạm.
Phải tăng cường bảo đảm an ninh trật tự. Cần đặc biệt quan tâm đến các vấn đề xã hội. Có phương án bảo đảm cung ứng điện khu vực phía nam vào năm 2020, không để “nước đến chân mới nhảy”. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chủ tịch của 28 tỉnh có biển cần có biện pháp hiệu quả chống đánh bắt cá trái phép và chịu trách nhiệm về vấn đề này trước Thủ tướng, đừng để “thẻ vàng thành thẻ đỏ”.
“Đã hai năm rưỡi trôi qua, tức một nửa nhiệm kỳ, nhân Hội nghị 6 tháng đầu năm này, tôi đề nghị từng thành viên Chính phủ nên đánh giá lại ngành mình, từng Chủ tịch tỉnh, Bí thư tỉnh ủy nên đánh giá lại địa phương mình và cá nhân mình đã làm được gì, đã cố gắng như thế nào để vươn lên hơn nữa, đáp ứng yêu cầu của đất nước, của nhân dân, của nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao. Từng cơ quan, từng cá nhân phải suy nghĩ đổi mới sáng tạo để phát triển, trong đó có việc thực hiện tốt chủ trương phòng chống tham nhũng và lợi ích nhóm”, Thủ tướng nói.