Thủ tướng "cơ bản đồng ý" tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách, nhưng Tp.HCM "cần tự chủ nhiều hơn"

11:26 | 27/05/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo Tp.HCM vào ngày 13.5, trong đó có những nội dung liên quan tới tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố.

Cụ thể, Thủ tướng cơ bản đồng ý với đề xuất "Điều chỉnh tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách giai đoạn 2022 - 2025 cho thành phố Hồ Chí Minh. Việc này giúp thành phố có nguồn lực phát triển nhanh và bền vững. 

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý rằng việc điều chỉnh ngân sách cần theo hướng khoa học, hợp lý, hài hòa và công bằng trong tổng thể. 

Sau khi được tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách thì Tp.HCM cần tăng cường tự chủ trong vấn đề kinh phí thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội trên địa bàn. Bên cạnh đó, thành phố cần sử dụng, điều tiết nguồn thu để lại tập trung phát triển hạ tầng, nhất là các dự án trọng điểm và có thể liên kết nhiều vùng kinh tế. 

Thủ tướng cũng yêu cầu thành phố đánh giá và báo cáo lại tình hình thực hiện thí điểm cơ chế chính sách phát triển đặc thù. Chỉ ra rõ kết quả, yếu điểm, nguyên nhân những tồn tại, hạn chế và cách khắc phục nhằm tìm ra giải pháp tăng nguồn thu ngân sách. 

Thủ tướng cơ bản đồng ý tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách, nhưng Tp.HCM cần tự chủ nhiều hơn - ảnh 1

Thủ tướng trong buổi làm việc với Tp.HCM, Ảnh: Báo Thanh niên

Trong kết luận cũng nói tới việc bố trí vốn ODA cho vay lại, thì Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ KH&ĐT phụ trách phối hợp đơn vị liên quan dựa vào số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp, mức bội chi hằng năm để trình Quốc hội xem xét, bổ sung.

Thủ tướng cũng yêu cầu phải thực tế trong vấn đề tăng mức vốn dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn hằng năm, không làm tăng mức bội chi ngân sách địa phương. 

Các dự án giao thông trọng điểm như đường Vành đại 3, 4 Thủ tướng chỉ đạo sẽ triển khai theo phương thức đối tác công tư PPP.

Về vấn đề cổ phần hóa một số doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu. Người đứng đầu Chính phủ giao Bộ KH&ĐT hoàn thành các tiêu chí phân loại để Tp.HCM dựa vào làm kế hoạch sắp xếp lại. 

Bổ sung thêm quy định về vấn đề chưa cổ phần hóa, thoái vốn tại danh sách những doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, có lợi nhuận, quản trị tốt. Những đơn vị thuộc nhóm ngành nghề đặc thù, thương hiệu quốc gia, ảnh hưởng lớn với an ninh quốc phòng, an sinh, điều hành kinh tế vĩ mô. Tạo ra cơ chế kiểm tra, giám sát, làm rõ trách nhiệm và phân cấp mạnh, xác định rõ thẩm quyền.

Còn với trường hợp cổ phần hóa Tổng công ty Du lịch Sài Gòn sở hữu 4 khách sạn có giá trị lịch sử, kiến trúc, vị trí đảm bảo quốc phòng - an ninh thì Thủ tướng đồng ý chưa cổ phần hóa theo đề nghị của Tp.HCM. Chính quyền thành phố dựa vào tình hình thực tế, căn cứ vào quy định pháp luật để ra quyết định, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo với Thủ tướng. 

Với Thành phố Thủ Đức, Thủ tướng Phạm Minh Chính muốn lãnh đạo thành phố cùng các bộ, ngành nghiên cứu, tìm ra cơ chế cụ thể. Đồng thời định hình chính sách đặc thù để xây dựng đề án cơ chế, chính sách riêng phát triển TP.Thủ Đức theo con đường tăng thẩm quyền phân cấp, phân quyền, quyền giám sát, kiểm tra, tinh gọn và linh hoạt bộ máy theo báo cáo Chính phủ trong quý 2/2021. 

Một số vấn đề khác như trình tự rút gọn thủ tục hay chuyển đổi nhà tái định cư thì chủ trương giao các bộ, ngành liên quan làm việc cùng UBND thành phố để đưa ra những phương án hiệu quả nhất. 

H.S

Xem thêm: Dự án vành đai 3,4: Nếu không huy động được phương thức PPP mới tính đến dùng ngân sách