Thủ tướng đề nghị tăng mạnh kim ngạch thương mại song phương Việt Nam, Myanmar
Chúc mừng các thành tựu kinh tế-xã hội của Myanmar thời gian qua, Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn ủng hộ nỗ lực của Myanmar trong việc thúc đấy tiến trình hòa bình và hòa giải dân tộc.
Bộ trưởng Hợp tác quốc tế Myanmar U Kyaw Tin cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giành thời gian tiếp.
Bộ trưởng U Kyaw Tin nêu rõ, quan hệ hai nước Việt Nam-Myanmar đang phát triển hết sức tốt đẹp và vui mừng thông báo với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về kết quả tốt đẹp của kỳ họp Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương hai nước.
Bộ trưởng U Kyaw Tin cho biết, quan hệ hai nước được thiết lập từ năm 1975 và không ngừng được tăng cường từ đó đến nay thông qua các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai bên.
Cùng với đó, quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư hai nước phát triển mạnh mẽ, còn nhiều dư địa phát triển. Lãnh đạo hai nước đã đặt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 1 tỷ USD vào năm 2020.
Cảm ơn những ý kiến của Bộ trưởng U Kyaw Tin, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai nước cần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư. Trước mắt là tăng mạnh kim ngạch thương mại song phương vì hai nước còn nhiều tiềm năng, cơ hội hợp tác, cần có cơ chế tốt hơn để phối hợp phát triển.
Cùng ngày, Kỳ họp lần 9 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương Việt Nam-Myanmar đã diễn ra với sự tham dự của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Hợp tác Quốc tế Myanmar Kyaw cùng nhiều quan chức cao cấp và đại diện của các bộ, ngành hai nước.
Trong đó, hai bên hài lòng trước những phát triển đột phá trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, đồng thời cho rằng, hợp tác trong các lĩnh vực giao thông vận tải, nông nghiệp, văn hóa thể thao, du lịch, tài chính, ngân hàng, thông tin- truyền thông, giáo dục-đào tạo… đã có nhiều thành tựu khả quan song vẫn còn nhiều tiềm năng và thế mạnh cần khai thác trong thời gian tới.
Phát biểu tại Kỳ họp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã đề nghị Myanmar xem xét rút ngắn thời gian xét duyệt giấy phép, hồ sơ đầu tư đối với các doanh nghiệp Việt Nam; thu hẹp danh mục các mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam cần xin giấy phép, trước mắt đưa thanh long ra khỏi danh mục này; có hướng dẫn cụ thể về các luật của Myanmar cho doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Việt Nam, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và hỗ trợ giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình đầu tư vào Myanmar.
Phía Myanmar ghi nhận và cam kết xem xét giải quyết nhiều quan tâm cụ thể của doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVOIL), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Hoàng Anh Gia Lai (HAGL)…
Kết thúc Kỳ họp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Bộ Hợp tác Quốc tế Myanmar U Kyaw Tin đã ký Biên bản Thỏa thuận và nhất trí sẽ tổ chức Kỳ họp lần thứ 10 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương tại Myanmar trong năm 2021.
Việt Nam và Myanmar đã ký Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ lên "Đối tác hợp tác toàn diện" vào tháng 8/2017 nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Myanmar của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Hiện Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ chín của Myanmar. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2018 đạt 873,9 triệu USD, tăng 5,5% so với năm 2017. Với đà này, hai bên bày tỏ tin tưởng sẽ đạt được mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên một tỷ USD vào thời gian sớm nhất. Việt Nam cũng là nhà đầu tư lớn 7 của Myanmar với 18 dự án, tổng vốn đăng ký đạt hơn 2,1 tỷ USD.
Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Myanmar được thành lập và hoạt động tích cực. Một số dự án có hiệu quả, tiêu biểu như: Trung tâm Phức hợp Hoàng Anh Gia Lai tại Yangon, đường bay thẳng Việt Nam-Myanmar của Vietnam Airlines và Vietjet Air, Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), mạng viễn thông của Viettel tại Myanmar (Mytel)... Đến nay, Việt Nam đã có hơn 200 doanh nghiệp hiện diện tại Myanmar dưới nhiều hình thức: văn phòng đại diện, chi nhánh công ty, liên doanh và công ty 100% vốn Việt Nam.