Thủ tướng: 'Không để tháng Giêng là tháng ăn chơi'
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh tinh thần quyết tâm ngay từ đầu năm, không để tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”, không để “tháng Giêng là tháng ăn chơi”.
Theo Zing News tại cuộc giao ban, Thủ tướng đề nghị tất cả cơ quan, đơn vị, địa phương trở lại làm việc bình thường, không tổ chức liên hoan, đi chúc Tết, cần tập trung xử lý công việc ngay từ ngày làm việc đầu tiên, nhất là xử lý xong công việc tồn đọng do nghỉ Tết. Các bộ, cơ quan chuẩn bị tốt cuộc họp, hoạt động của lãnh đạo Chính phủ theo lịch công tác.
Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ, những địa phương trọng điểm như Hải Dương, Hà Nội, TP.HCM bám sát tình hình dịch bệnh COVID -19 và tình hình kinh tế - xã hội của đất nước để kịp thời tham mưu cho Thủ tướng cũng như Ban Chỉ đạo quốc gia về các giải pháp ứng phó hiệu quả, phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận cuộc họp giao ban của Thường trực Chính phủ về tình hình Tết và phòng chống COVID-19. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Bên cạnh đó, tiếp tục tham mưu giải pháp để chỉ đạo điều hành, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sản xuất kinh doanh ngay sau Tết trở lại nhịp điệu bình thường trong bối cảnh có COVID -19.
“Tất cả cán bộ, công chức cần phát huy tinh thần trách nhiệm, tận tụy, gương mẫu, nhất là không đi lễ hội trong giờ hành chính. Các cơ quan truyền thông tuyên truyền động viên người dân, doanh nghiệp ra quân đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu nhưng chú ý phòng, chống dịch”, Thủ tướng quán triệt.
Báo Giáo dục & Thời đại thông tin thêm cho biết các bộ, cơ quan, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ, đề án đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao ngay từ đầu năm, nhất là các nhiệm vụ, công việc nêu trong Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ; trong đó, có một số việc như lo phục vụ sản xuất nông nghiệp, bảo đảm nước tưới ở ĐBSCL, lo chỉ đạo công tác tuyển quân, lo chỉ đạo thực hiện Tết trồng cây nhằm thực hiện chủ trương trồng 1 tỷ cây xanh mà hiện nay nhiều địa phương đang phát động.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất các biện pháp phòng, chống dịch trong bối cảnh số ca mắc mới trên toàn cầu có xu hướng giảm và có vắc xin phòng bệnh; chỉ đạo giải mã gen các chủng vi rút mới nhanh hơn để kịp thời có biện pháp phòng, chống phù hợp; chỉ đạo thường xuyên việc khoanh vùng, dập dịch nhanh chóng; rà soát, hoàn thiện các quy trình phòng dịch bảo đảm chặt chẽ, rõ ràng; có quy trình chuẩn xử lý những ca nghi ngờ nhiễm bệnh; thực hiện khai báo y tế đối với người và tự đánh giá các tiêu chí an toàn đối với tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp...
Bộ Y tế xem xét khả năng thực hiện dịch vụ xét nghiệm theo yêu cầu, nhà nước và người được xét nghiệm đồng chi trả chi phí; phối hợp với Bộ Công Thương chỉ đạo bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời các sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế cho phòng, chống dịch; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục hoàn thiện ứng dụng công nghệ về khai báo y tế bảo đảm phù hợp, hiệu quả, thuận tiện cho người dân thực hiện.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc vận động người dân cài đặt phần mềm Bluezone, thực hiện Thông điệp 5K của ngành y tế, bảo đảm an toàn, không để lây nhiễm dịch bệnh ở các khu vực như trường học, khu chợ, siêu thị, bệnh viện… Các cơ sở kinh doanh, nhất là cơ sở có đông người, đều phải có phương án cụ thể phòng chống dịch bệnh.
Nguyễn Triệu