"Thủ tướng luôn xuất hiện ở tuyến đầu chống dịch"

16:00 | 12/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà chia sẻ, Thủ tướng hết sức quyết liệt trong công tác chống dịch, đi đầu và luôn luôn xuất hiện ở tuyến đầu.

Sáng ngày 12/10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gặp mặt doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10). Nhiều lãnh đạo, nhà điều hành của các tập đoàn lớn, nhỏ khác nhau đã phát biểu những tâm tư, nguyện vọng về các chính sách trong suốt thời gian qua, đồng thời kiến nghị những đề xuất trong tương lai.

Cụ thể, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T Group phát biểu rằng thời gian vừa qua dù thảm họa dịch bệnh lớn nhất trong lịch sử nhưng đã chứng minh ý chí quyết tâm, sự đoàn kết, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ. Giới doanh nhân cũng luôn nhận được sự quan tâm, khích lệ của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và chính quyền các cấp. 

Các luật, về doanh nghiệp, đầu tư, các nghị quyết của Chính phủ ban hành rất kịp thời. Ông Hiển nhận xét rằng nhiều câu nói Thủ tướng Chính phủ  đã thể hiện ý chí mạnh mẽ, quyết liệt, in đậm trong tâm trí các doanh nhân, đồng thời là kim chỉ nam cho con đường phát triển doanh nghiệp. Đồng thời quan điểm là bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT FLC, Phó Chủ tịch HĐQT hãng hàng không Bamboo Airways, Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam. Lãnh đạo FLC cho rằng Thủ tướng luôn dành sự quan tâm rất lớn cho phát triển kinh tế và sự đóng góp của giới doanh nhân. Thủ tướng cũng rất quan tâm cải cách thể chế để các doanh nghiệp có cơ sở phát triển.

Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà cho biết thêm, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đã trải qua giai đoạn đầy biến động với tác động tiêu cực của đại dịch thì khó khăn chồng chất khiến nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã kiên trì tìm hướng đi mới, tìm ra các giải pháp để duy trì và phát triển kinh doanh.

Tuy nhiên, những nỗ lực tự thân của doanh nghiệp là không đủ, rất cần Chính phủ có chính sách, giải pháp, tạo cơ chế, môi trường để doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong và sau đại dịch. Ông Sơn nhận định rằng Thủ tướng hết sức quyết liệt trong công tác chống dịch, đi đầu và luôn luôn xuất hiện ở tuyến đầu. Hình ảnh của Thủ tướng đã truyền cảm hứng cho Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ban ngành liên quan tập trung vào chống dịch. Giới doanh nhân lấy hình ảnh đó làm cơ sở, động lực quyết tâm vượt qua khó khăn vừa qua. 

Ông Nguyễn Việt Quang, Tổng Giám đốc Vingroup phát biểu rằng trong thời gian vừa qua, cộng đồng doanh nghiệp dù chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng đều đồng lòng ủng hộ các chủ trương, chính sách, giải pháp phòng chống dịch và nhận định rằng các doanh nghiệp cũng góp phần trong quá trình chiến đấu, vượt qua khó khăn của đất nước. Nhân dịp này ông cũng đưa ra thông tin tiến độ Vingroup nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine tiên tiến nhất tại Mỹ, với mục tiêu đóng góp nhiều hơn nữa cho công tác phòng chống dịch.

Về những kiến nghị cho các chính sách trong thời gian sắp tới, các doanh nhân muốn tinh thần chỉ đạo, các chủ trương, quyết sách của Chính phủ, Thủ tướng sớm đi vào thực tiễn thông qua các văn bản pháp luật, hệ thống pháp luật. Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của luật đất đai, nhà ở là vô cùng quan trọng có sức ảnh hưởng lớn không chỉ riêng với doanh nghiệp bất động sản mà còn giúp địa phương phát huy tiềm năng, lợi thế, tiếp tục có những cơ sở vững chắc, tạo đà cho sự phát triển... 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng kiến nghị nới lỏng điều kiện để doanh nghiệp được hỗ trợ bằng tiền thông qua gói tín dụng, phục hồi sau đại dịch. Chính sách tài khoá cần thực hiện có trọng tâm. Hỗ trợ đầu tư trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc.

Đồng thời đề nghị Ngân hàng Nhà nước điều hành lãi suất linh hoạt, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cơ cấu lại thời hạn trả nợ, hoãn, giảm lãi suất đối với doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Đề xuất chênh lệch không quá 2,5% giữa lãi suất huy động, lượng vốn và lãi suất cho vay.

Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới, tránh phụ thuộc vào một thị trường. Cùng với đó là đào tạo lại lực lượng lao động, tăng cường kỹ năng để lực lượng lao động đáp ứng được yêu cầu trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Cộng đồng doanh nghiệp cũng tự nhận rằng điều cần thiết hiện tại là đoàn kết, hợp tác tìm hướng đi mới, liên kết, tập trung đẩy mạnh công nghệ số để thích ứng điều kiện bình thường mới.