Thủ tướng: Nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế
Thông điệp này được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra khi phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, ngày 6/9.
Theo Thủ tướng, đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát trong 4 tháng qua đã ảnh hưởng nặng nề tới sức khoẻ người dân, gây thiệt hại về con người, tác động tới kinh tế – xã hội 8 tháng. Khu vực sản xuất kinh doanh, nhất là công nghiệp, dịch vụ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tuy nhiên, tình hình 8 tháng cơ bản ổn định. Chúng ta tiếp tục duy trì các nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Các nhiệm vụ về văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại tăng lên, phức tạp hơn nhưng các lĩnh vực này vẫn được giữ vững, đạt kết quả tích cực, đặc biệt ngoại giao vaccine được đẩy mạnh.
Công tác phòng chống dịch Covid-19 tiếp tục được tập trung. Trong đó, tại 23 địa phương thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội, ưu tiên phòng, chống dịch là nhiệm vụ hàng đầu. 40 địa phương còn lại tùy tình hình ưu tiên linh hoạt giữa phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch.
Đặc biệt, Chính phủ chỉ đạo chuyển hướng trong phòng, chống dịch theo hướng kết hợp hài hòa giữa tập trung và phân cấp. Trong đó, tập trung chỉ đạo chuyên sâu và phân cấp thực hiện, với phương châm “mỗi xã, phường, thị trấn là một pháo đài; mỗi người dân là một chiến sĩ; người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch”.
Theo đó, khi thực hiện giãn cách xã hội, các xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm ngặt các quy định về giãn cách, cách ly, “ai ở đâu ở đó”; bảo đảm an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc; bảo đảm mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế từ sớm, từ xa, ngay tại xã, phường, thị trấn, khi người dân có yêu cầu, phải đáp ứng kịp thời; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, an dân trên địa bàn; tuyên truyền, vận động để “dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo và dân làm”, cùng với hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch tích cực, hiệu quả.
Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương các Bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp đã chung sức, đồng lòng trong phòng, chống dịch, nhất là các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tổng hợp các đề xuất của các ngành, địa phương về kinh phí phục vụ phòng, chống dịch. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu bổ sung chính sách cho lực lượng trên tuyến đầu chống dịch. Bộ Giao thông Vận tải xem xét quy định thống nhất, đảm bảo lưu thông hàng hóa, di chuyển con người cần có chỉ đạo thống nhất. Bộ Ngoại giao tiếp tục thúc đẩy chiến dịch ngoại giao vaccine để có vaccine nhiều nhất, sớm nhất tiêm phòng cho người dân...
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các cấp, các ngành nỗ lực nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, nghiên cứu giải pháp thích ứng an toàn trong điều kiện mới; xây dựng kịch bản khôi phục, phát triển kinh tế trong tình hình mới.
Cùng đó, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phụ trách việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch; Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phụ trách việc thúc đẩy ngoại giao vắc xin và thuốc, vật tư y tế… phục vụ phòng chống dịch.
"Phải nhanh chóng kiểm soát tình hình để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng kế hoạch kịch bản để phục hồi và thúc đẩy kinh tế trong điều kiện mới" - Thủ tướng yêu cầu.
Tại phiên họp, Thủ tướng yêu cầu tập trung đánh giá đúng tình hình, phân tích các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, đưa ra các mục tiêu và giải pháp khả thi để thực hiện các nhiệm vụ trong tháng 9 đạt hiệu quả cao hơn, làm tiền đề phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Đảng và Quốc hội đã đề ra.
Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 8 tăng 0,25% so với tháng trước và tăng 1,79% so với cùng kỳ năm trước. Tình hình kinh tế vĩ mô cơ bản ổn đinh, lạm phát được kiểm soát. Thị trường tiền tệ, tín dụng tương đối ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm. Hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn được duy trì trong bối cảnh chịu tác động mạnh từ dịch bệnh, an ninh lương thực được bảo đảm. Dịch vụ công nghệ, dịch vụ trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử có bước phát triển tích cực. Hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là trong phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh được đẩy mạnh.
Trong 8 tháng qua, công tác an sinh xã hội đặc biệt được quan tâm trong bối cảnh đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Hợp tác quốc tế trong tiếp cận vaccine và thúc đẩy chuyển giao công nghệ vaccine Covid-19 được tăng cường.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế- xã hội tháng 8 tiếp tục cho thấy những khó khăn, thách thức không nhỏ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng bị ảnh hưởng nặng nề, giảm 33,7% so với cùng kỳ. Nhiều địa phương, đặc biệt là các địa phương có khu công nghiệp lớn, phải thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt để phòng chống dịch Covid-19 nên không có đủ lực lượng lao động, hoặc phải chịu chi phí sản xuất cao để thực hiện các công đoạn cung ứng nguyên vật liệu, sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm.