Thủ tướng giao 7 Bộ thực hiện năm học mới an toàn trong đại dịch
Theo đó, Chỉ thị nêu ra cụ thể những khó khăn mà dịch bệnh COVID-19 bùng phát suốt từ đầu năm 2021 đối với ngành giáo dục. Nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục như việc quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục ở một số địa phương chưa phù hợp. Vẫn còn tình trạng thiếu trường, lớp ở một số khu đô thị, khu công nghiệp, chế xuất, vùng sâu, vùng xa. Đội ngũ giáo viên còn chưa hợp lý...
Trước tình hình dịch bệnh còn khó lường, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, địa phương chủ động xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch năm học linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên học tập, vừa bảo đảm sức khoẻ, vừa hoàn thành chương trình giáo dục theo kế hoạch và bảo đảm chất lượng giáo dục của từng cấp học, chương trình đào tạo. Những nơi an toàn trong phòng, chống dịch vẫn khai giảng bình thường như mọi năm.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục xác định nội dung chương trình đào tạo, hoàn thiện việc dạy học từ xa, phối hợp với Bộ Y tế và UBND các địa phương tổ chức tiêm chủng cho học sinh các cấp; xây dựng bộ đề thi phù hợp với đánh giá kiểm tra trực tuyến...
Những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện ngay
Chỉ thị của Thủ tướng cũng nêu rõ các nhiệm vụ quan trọng cần các Bộ, ngành liên quan vào cuộc thực hiện sớm.
Theo đó, đối với Bộ Giáo dục và đào tạo: Tập trung thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc làm việc của Thủ tướng với Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 6/5/2021 (Thông báo kết luận số 104/TB-VPCP ngày 13/5/2021), khắc phục những tồn tại, hạn chế đã chỉ ra tại cuộc làm việc.
Trong đó, cần nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng giáo viên, có chính sách khuyến khích học sinh giỏi vào ngành sư phạm, tạo môi trường, hệ sinh thái giáo dục phát triển lành mạnh, bình đẳng, sáng tạo, khuyến khích đổi mới sáng tạo phù hợp với đặc điểm từng địa phương, từng vùng miền. Bộ nghiên cứu đề xuất chính sách ưu tiên cho giáo viên vùng sâu vùng xa, những khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, bảo đảm hợp lý, không dàn trải.
Thủ tướng cũng yêu cầu ngành giáo dục có giải pháp tổng thể, thiết kế chính sách từ đào tạo - tuyển dụng - sử dụng nguồn nhân lực bảo đảm thực chất, đào tạo gắn với nhu cầu tuyển dụng xã hội, kiên quyết chống bệnh thành tích trong giáo dục góp phần đạt được mục tiêu “học thật, thi thật, nhân tài thật”, thu hút nhân tài, “học đi đôi với hành”, nhanh chóng khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”.
Thiết kế chương trình học bảo đảm tăng cường kiến thức, kỹ năng sống; giảm tình trạng dạy thêm học thêm; biên soạn, phân phối, hướng dẫn sử dụng sách giáo khoa và tài liệu tham khảo bảo đảm khoa học, công khai, minh bạch, tránh dư luận không tốt, bảo đảm không để học sinh nào thiếu sách học. Với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 phải sớm công bố phương án phù hợp với tình hình dịch bệnh phức tạp và phương án các năm tiếp theo để giáo viên và học sinh có thời gian chuẩn bị.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giáo dục đưa ra giải pháp nâng cao chất lượng dạy học môn Lịch sử, truyền thống đoàn kết, văn hóa, các giá trị tốt đẹp của dân tộc, của cha ông ta; tăng cường việc dạy và học ngoại ngữ, tin học gắn với việc đổi mới và sáng tạo, hội nhập quốc tế.Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu kỹ, thấu đáo, khoa học, xuất phát từ thực tiễn về vấn đề tự chủ trong giáo dục. Chính phủ ủng hộ làm thí điểm tự chủ về chuyên môn, tổ chức, nhân sự, kinh phí nhưng bảo đảm sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng và quản lý của Nhà nước.
Bộ Nội vụ phối hợp với các địa phương trên cơ sở đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về số lượng thừa, thiếu giáo viên của từng trường, cấp học, môn học và toàn ngành thực hiện rà soát kỹ cơ chế, chính sách phân bổ biên chế giáo viên phù hợp, hiệu quả và triển khai các chương trình đào tạo, tuyển dụng theo lộ trình sát thực tiễn, trong đó ưu tiên những khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Bộ Xây dựng phối hợp các cơ quan liên quan và các địa phương rà soát, tăng cường kiểm tra, giám sát quy hoạch xây dựng gắn với không
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tổ chức tiêm chủng cho học sinh khi cơ quan chuyên môn có hướng dẫn về tiêm chủng vaccine cho người dưới 18 tuổi.
Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành hướng dẫn về sử dụng an toàn các phần mềm dạy học trực tuyến.
Bộ Công an phối hợp với các cơ quan liên quan chủ động đấu tranh phòng chống tội phạm, ngăn ngừa các nội dung xấu độc trên không gian mạng, đảm bảo trật tự an toàn trong các cơ sở giáo dục.
Bộ Lao động, Thương binh và xã hội nghiên cứu xem xét các chính sách hỗ trợ giáo viên, học sinh một cách phù hợp trong các trường hợp đặc thù.
Trong khi đó, các bộ, cơ quan ngang bộ có nhiệm vụ căn cứ phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao xây dựng cơ chế, chính sách, phương án giải quyết, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền để giải quyết các khó khăn trong giáo dục theo đúng quan điểm “giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Quán triệt đầy đủ, sâu sắc, tổng thể, toàn diện tới từng cơ sở, từng cán bộ, giáo viên, từng người dân và học sinh, sinh viên về quan điểm của Đảng, Nhà nước về giáo dục.
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở đánh giá thực trạng hệ thống các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông tại địa phương, thực hiện rà soát quy hoạch, cơ cấu lại trường, lớp học, điểm trường, đội ngũ giáo viên theo tinh thần “ở đâu có học sinh, ở đó có giáo viên” nhưng phải bảo đảm sắp xếp một cách khoa học, hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả.
Khung thời gian năm học mới ra sao?
Vào đầu tháng 8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành Quyết định số 2551/QĐ-BGDĐT với nội dung ấn định chính thức khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên như sau:
Căn cứ theo quy định, thời gian tựu trường sớm nhất vào ngày 1/9/2021. Riêng đối với lớp 1, tựu trường sớm nhất từ ngày 23/8/2021.
Tổ chức khai giảng vào ngày 5/9/2021.
Kết thúc học kỳ I trước ngày 16/1/2022, hoàn thành kế hoạch giáo dục học kỳ II trước ngày 25/5/2022 và kết thúc năm học trước ngày 31/5/2022.
Xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở trước ngày 30/6/2022.
Hoàn thành tuyển sinh các lớp đầu cấp học trước ngày 31/7/2022.
Thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi học sinh giỏi quốc gia và thi khoa học kĩ thuật cấp quốc gia theo hướng dẫn của Bộ GDĐT.
Nhiều địa phương miễn giảm học phí cho học sinh
Với mục đích chia sẻ hỗ trợ với phụ huynh và học sinh trong giai đoạn khó khăn vì đại dịch bùng phát, một số tỉnh thành đã quyết định miễn, giảm học phí cho học sinh các cấp trong năm học 2021-2022 với mức dao động từ 50 - 100%.
Thường trực Thành ủy Hà Nội đã thống nhất chủ trương về việc giảm 50% học phí cả năm học mới cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông công lập, dân lập, tư thục (không bao gồm các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài). Thành phố dự kiến sẽ chi từ nguồn ngân sách gần 900 tỷ đồng để khoảng 1,3 triệu trẻ em mầm non và học sinh các cấp học được hưởng chính sách này.
Tại TP.HCM, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay, UBND thành phố đã đồng ý với đề xuất miễn học phí học kỳ I năm học 2021-2022.
Ở Đà Nẵng, các bậc phụ huynh cũng không phải đóng học phí cho các bậc mầm non, học sinh THCS, THPT trường công lập và ngoài công lập trong 9 tháng của năm học 2021-2022.
Quảng Ninh và Hải Phòng cũng thi hành các chính sách tương tự trong năm học mới. Riêng Hải Phòng đã là năm thứ hai thực hiện miễn học phí cho học sinh các cấp.
Thành Văn (T/H)