Thủ tướng phát lệnh khởi công xây dựng Sân bay Long Thành trị giá 16 tỷ USD
Sáng nay 5/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát lệnh khởi công Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, với tổng mức đầu tư 109 nghìn tỷ đồng
Sáng nay 5/1 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ khởi công xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 với chỉ đạo “Kết cấu hạ tầng giao thông là mạch máu quốc gia. Giao thông hiện đại, đồng bộ là tiền đề để đón các nhà đầu tư “sếu” đầu đàn đến đầu tư tại Việt Nam”, Thủ tướng đánh giá và cho biết cùng với sự phát triển về kinh tế - xã hội của đất nước, thị trường hàng không Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh. Năm 2019, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không của Việt Nam đạt trên 116 triệu hành khách, tăng 12% so với năm 2018.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại DN cùng nhiều quan chức và lãnh đạo ACV bấm nút khởi công dự án Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1. Ảnh: Phan Công
Báo Giao Thông cho biết Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đã đánh giá, từ nay đến năm 2030, Việt Nam là một trong 10 quốc gia có tốc độ phát triển hàng không cao nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Dự báo đến năm 2025 nhu cầu hàng không của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đạt hơn 65 triệu hành khách, năm 2030 đạt khoảng 85 triệu hành khách.
Điều này cũng tạo ra nhiều sức ép tới các cảng hàng không lớn tại Việt Nam vốn cơ bản đã bị tiệm cận công suất thiết kế, trong đó, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đang bị quá tải về hoạt động khai thác do điều kiện hạn chế về cơ sở hạ tầng, không lưu vùng tiếp cận cảng hàng không thường xuyên bị tắc nghẽn, ô nhiễm tiếng ồn và ô nhiễm không khí có nguy cơ vượt ngưỡng môi trường cho phép.
Theo Thủ tướng, Dự án sân bay Long Thành năm trong số 16 dự án sân bay được mong chờ nhất giới. Việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành là cần thiết và cấp bách nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường hàng không, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tăng cường khả năng bảo đảm quốc phòng an ninh. Đây cũng là dự án hạ tầng có quy mô vốn lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ khởi công dự án CHKQT Long Thành
Thủ tướng cũng nhấn mạnh “Thay mặt Chính phủ, tôi đánh giá cao nỗ lực của Hội đồng thẩm định Nhà nước mà đứng đầu là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ GTVT, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các Bộ, ngành liên quan đã chỉ đạo quyết liệt và thực hiện hiệu quả các biện pháp đẩy nhanh công tác chuẩn bị khởi công dự án; lãnh đạo và nhân dân tỉnh Đồng Nai đã tích cực thực hiện công tác GPMB hơn 2.000 ha đất để triển khai Dự án giai đoạn 1 và ACV khi chỉ trong thời gian ngắn đã hoàn thành các thủ tục, huy động nguồn vốn rất lớn để khởi công dự án đúng kế hoạch.
Do Cảng hàng không quốc tế Long Thành có vị trí địa lý và khí hậu thuận lợi, được đầu tư trang thiết bị hiện đại, công nghệ hàng không tiên tiến, có khả năng tiếp thu các loại máy bay dân dụng lớn nhất, hệ thống giao thông kết nối đồng bộ nên khi hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ phát triển mạnh các đường bay trong nước và quốc tế. Vì vậy, Thủ tướng chỉ đạo các đơn vị liên quan cần khai thác tốt tiềm năng của sân bay Long Thành sớm trở thành cảng hàng không cửa ngõ, trung chuyển quốc tế với việc chỉ cách 3 giờ bay đến các trung tâm kinh tế, tài chính lớn của thế giới.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương vùng sân bay Long Thành cần cập nhật các quy hoạch phát triển để khai thác những lợi thế mà sân bay Long Thành trong việc kêu gọi, thu hút vốn đầu tư, phát triển kinh tế địa phương.
“Các cơ quan quản lý nhà nước phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các Chủ đầu tư triển khai các dự án thành phần theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiến độ, đảm bảo hiệu quả đầu tư và không vượt tổng mức đầu tư của các dự án; bảo đảm tuyệt đối an ninh an toàn, bảo đảm chất lượng công trình theo thiết kế, đưa Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 vào khai trong năm 2025 theo đúng kế hoạch”, Thủ tướng nhắc nhở.
Theo tạp chí Doanh Nhân đưa tin trước đó dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư hơn 109 nghìn tỷ đồng, tương đương 4,664 tỷ USD với mục tiêu xây dựng 1 cảng hàng không quốc tế cấp 4F tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai gồm 1 đường cất hạ cánh, 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm trên diện tích sàn 373.000 m2; 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Thời gian thực hiện Dự án từ 2020 đến 2025.
Dự án được chia thành 4 dự án thành phần. Trong đó, Dự án thành phần 1 - các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước được Thủ tướng giao các cơ quan quản lý nhà nước liên quan (Hải quan, Công an, Công an cửa khẩu, Cảng vụ, Kiểm dịch y tế) bố trí nguồn vốn thực hiện.
Trường hợp không có khả năng bố trí vốn, các cơ quan quản lý nhà nước lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BTL hoặc BLT.
Dự án thành phần 2 - các công trình phục vụ quản lý bay, chủ đầu tư được Thủ tướng giao cho TCT Quản lý bay VN làm chủ đầu tư.
Dự án thành phần 3 - các công trình thiết yếu trong cảng, bao gồm: nhà ga hành khách, hạ tầng hàng không, hệ thống cấp nước, xử lý nước thải; nhà ga hàng hóa số 1, nhà để xe; hệ thống giao thông kết nối tuyến số 1 và số 2… sẽ do TCT Cảng hàng không VN (ACV) làm chủ đầu tư.
Dự án thành phần 4 - các công trình khác sẽ thực hiện bởi các nhà đầu tư, chủ đầu tư do Bộ GTVT chủ trì lựa chọn.
Mô hình dự án CHK quốc tế Long Thành
Trao đổi với Báo Giao thông, Chủ tịch ACV Lại Xuân Thanh cho biết: Theo Quyết định được Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ký phê duyệt, ACV được giao nhiệm vụ là chủ đầu tư đối với Dự án thành phần 3 với tổng mức đầu tư lên tới hơn 99 nghìn tỷ đồng bằng nguồn vốn của ACV, không sử dụng bảo lãnh Chính phủ.
Ngay khi Chính phủ trình Quốc hội thông qua Báo cáo NCKT của Dự án vào tháng 9/2019, ACV đã bắt đầu triển khai xây dựng Phương án thực hiện.
Trong đó trọng tâm là kế hoạch, tiến độ thực hiện; cân đối nguồn vốn, kế hoạch giải ngân.
Riêng về nguồn vốn, ông Thanh cho biết: Vốn tự có của ACV đến từ 2 nguồn. Thứ nhất là 29.225 tỷ đồng tiền mặt hiện có và dòng tiền tích lũy trong giai đoạn 2020 - 2025 dành riêng cho Dự án là 6.877 tỷ đồng.
Số còn lại dự kiến được ACV huy động dưới nhiều hình thức như vay thương mại, phát hành trái phiếu doanh nghiệp cho thị trường trong nước và quốc tế...
Hiện nay, 22 tổ chức đã ký thỏa thuận bảo mật thông tin để trao đổi về dự án, trong đó 12 tổ chức đã ký biên bản ghi nhớ về mong muốn tài trợ cho dự án với tổng giá trị đề xuất hơn 143.000 tỷ đồng, nhiều hơn nhu cầu vốn cần huy động
Nguyễn Triệu