Thủ tướng tăng đầu tư công trung hạn thêm 120 nghìn tỷ, nhưng tập trung cho dự án trọng điểm

14:20 | 25/05/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 có tổng vốn ngân sách là 2,87 triệu tỷ đồng, tăng 120 nghìn tỷ so với dự kiến trước đó. Nhưng những dự án được rà soát, cắt giảm từ con số 6.447 xuống còn khoảng 5.397 dự án.

Ngày 24/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với các bộ, cơ quan để cập nhật, bổ sung đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, chuẩn bị kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để cáo cáo các cấp có thẩm quyền.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, trong hai ngày cuối tuần vừa qua các bộ, cơ quan, địa phương đã rà soát, cắt giảm 1.050 dự án trong dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, từ 6.447 xuống còn 5.397 dự án. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan khác để có thể giảm số dự án xuống còn khoảng 5.000. Con số này giảm mạnh so với mốc 11.000 dự án của giai đoạn 5 năm từ 2016 đến 2020.

Bên cạnh việc giảm các dự án chưa thực sự cần thiết và kém hiệu quả, kế hoạch đầu tư công trung hạn dự kiến của 5 năm tới còn thay đổi tổng mức vốn ngân sách là 2,87 triệu tỷ đồng, tăng 120 nghìn tỷ so với dự kiến trước đó. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương thì phần tăng thêm này được lấy từ nguồn tiết kiệm chi thường xuyên chuyển sang đầu tư công, không làm tăng tổng chi ngân sách.

Thủ tướng tăng đầu tư công trung hạn thêm 120 nghìn tỷ, nhưng tập trung cho dự án trọng điểm - ảnh 1

Thủ tướng nhấn mạnh: "Vì dân, vì nước, cứ mạnh dạn mà làm, sẽ cắt giảm được số dự án để tập trung vốn cho các dự án trọng tâm trọng điểm". Ảnh: VGP.

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, so với giai đoạn 2016-2020, cơ cấu ngân sách dự kiến phân bổ cho các vùng giai đoạn 5 năm tới có sự thay đổi rõ nét. Vốn đầu tư công trung hạn không chỉ ưu tiên hỗ trợ các vùng khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng thường xuyên bị thiên tai mà còn đảm bảo phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng. Trong đó, mức vốn bố trí bình quân theo nhân khẩu tại Tây Nguyên là cao nhất với khoảng 5,839 triệu đồng/người.

Qua các cuộc làm việc gần đây với các địa phương, Thủ tướng nhận thấy "có lẽ nguyên nhân quan trọng nhất là đầu tư dàn trải, manh mún, chia cắt, cộng với thủ tục rườm ra, không phân cấp mạnh, kỷ luật chưa nghiêm, cho nên giải ngân chậm, hiệu quả đầu tư chưa cao... Do đó, phải dứt khoát khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, chia cắt cũng như tâm lý trông chờ, ỷ lại ở Trung ương, đồng thời chống tiêu cực, nghiêm cấm 'chạy' dự án. Đây là lợi ích của quốc gia, dân tộc".

Thủ tướng cũng yêu cầu dựa trên tổng ngân sách được phân bổ, các địa phương, cơ quan bộ ngành phải suy nghĩ, tính toán, tiết kiệm chi phí thường xuyên để dành cho đầu tư phát triển, đồng thời điều chỉnh lại các dự án đầu tư theo hướng trọng tâm, trọng điểm tập trung vào 3 khẩu đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, cơ quan lập các đoàn kiểm tra, giám sát; các bộ, cơ quan, địa phương nào không thực hiện đúng chủ trương đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho 3 đột phá chiến lược thì kiên quyết dừng dự án, nếu có vi phạm thì xử lý, kỷ luật theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Thủ tướng nhấn mạnh: "Vì dân, vì nước, cứ mạnh dạn mà làm, sẽ cắt giảm được số dự án để tập trung vốn cho các dự án trọng tâm trọng điểm".