Thủ tướng tiếp xúc cử tri Tiên Lãng, Hải Phòng
Là người đầu tiên đặt câu hỏi với Thủ tướng, cử tri Vũ Minh Đức bày tỏ băn khoăn trước tình hình phức tạp về an ninh trật tự tại một số địa phương thời gian qua. Cử tri kiến nghị Chính phủ có biện pháp mạnh mẽ ổn định tình hình.
Cùng quan điểm, cử tri Phạm Ngọc Thành cho rằng, lợi dụng dư luận và dự án Luật về đặc khu, nhiều đối tượng đã có hành vi chống phá, gây rối, kích động người dân tham gia biểu tình, nhiều đối tượng quá khích đã đập phá, hủy hoại tài sản nhà nước, chống người thi hành công vụ.
Về vấn đề này, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần đổi mới, dân chủ, đối thoại thẳng thắn, trách nhiệm, chân tình trong hoạt động của Quốc hội, của Chính phủ, đặc biệt là tinh thần lắng nghe, tiếp thu ý kiến của cử tri, nhân dân. Và việc tạm dừng thông qua Luật về đặc khu cũng thể hiện trách nhiệm trước nhân dân, lắng nghe thêm ý kiến của nhân dân để hoàn thiện Luật.
Thủ tướng cho biết: “Chúng ta muốn tạo nên thể chế thu hút mạnh mẽ hơn trong đầu tư phát triển mà 3 đặc khu này đặt ra không phải là chỉ cho 3 địa phương Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang mà chính là tạo cực tăng trưởng, tạo điều kiện phát triển đất nước”.
Đề cập đến vấn đề thời hạn thuê đất dự kiến tối đa 99 năm ở các đặc khu mà thời gian qua dư luận quan tâm, Thủ tướng nói rõ thêm, theo dự thảo Luật thì chỉ áp dụng đối với trường hợp đặc biệt, do Thủ tướng xem xét, còn phổ biến là 70 năm hay thấp hơn như Luật Đất đai.
“99 năm là trong trường hợp đặc biệt. Đó phải là công trình vô cùng tiêu biểu, đầu tư rất lớn, đòi hỏi chi phí rất cao, thu hồi vốn rất chậm mà đất nước mình cần công trình đó”, Thủ tướng phân tích. Quy trình duyệt công trình đặc biệt như vậy phải hết sức chặt chẽ như trước khi Thủ tướng quyết định, phải trình Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Bộ Chính trị, Thường vụ Quốc hội và nhiều cơ quan khác.
Ngày 7/6, Thủ tướng đã trả lời báo chí về việc nên rút quy định 99 năm trong dự thảo Luật đặc khu mà thực hiện như Luật hiện hành và đến ngày 8/6, có thông báo chính thức, Chính phủ trình Quốc hội xem xét cho lùi việc thông qua dự thảo Luật này để tiếp tục hoàn thiện.
Tuy nhiên, một số kẻ xấu, phản động đã lợi dụng tình hình, kích động nhân dân, trong đó có việc đập phá, chống người thi hành công vụ, cản trở giao thông ở một số nơi, làm cho nhân dân hiểu nhầm nội dung luật pháp, nhất là dự thảo Luật về đặc khu và Luật An ninh mạng, một luật mà nhiều nước cũng đã ban hành từ lâu. Các hành vi trái pháp luật nêu trên đã làm ảnh hưởng đến sự bình yên của Tổ quốc, cuộc sống yên lành của nhân dân và môi trường đầu tư.
Thủ tướng cho rằng, cần tiếp tục vận động, tuyên truyền, thuyết phục nhân dân tốt hơn, “cần nói cho nhân dân rõ, tường tận về luật pháp, nhất là khi chúng ta dừng lại, lắng nghe, tiếp thu là hành động hết sức trách nhiệm của Đảng, Nhà nước”.
Bên cạnh đó, phải lập lại trật tự, bảo đảm an ninh an toàn cho xã hội, cho người dân và xử lý nghiêm hành vi vi phạm như ý kiến mà cử tri nêu. Các lực lượng chức năng cần tăng cường cảnh giác, nắm chắc tình hình để có giải pháp xử lý.
Tại cuộc tiếp xúc, các cử tri cũng nêu nhiều vấn đề về nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, giáo dục, việc làm, chính sách người có công…, nhất là về thủy sản, một lĩnh vực thế mạnh ở địa phương.
Cụ thể, về Nghị định 67, Thủ tướng khẳng định, sẽ tiếp thu vấn đề cử tri phản ánh để chỉnh sửa Nghị định này sát hơn, để làm sao khuyến khích sản xuất, bảo đảm bình đẳng. Thủ tướng cũng nhất trí với kiến nghị về việc điều thêm phà từ Vàm Cống tới bến Gót bởi đây chỉ là vấn đề cân đối tài sản chứ không phải mua bán.