Thủ tướng yêu cầu xây dựng thương hiệu quốc gia cho ngành gỗ
18:09 | 22/02/2019
Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng dù là “một nước tam sơn tứ hải” nhưng Việt Nam mới chiếm 6% thị phần thế giới thì đây là mức thấp, đồng thời sản phẩm đồ gỗ còn chưa đa dạng, hấp dẫn.
Phát biểu chỉ đạo tại "Diễn đàn ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản" ngày 22/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá cao những thành quả mà ngành lâm nghiệp đạt được. Việt Nam đã đứng đầu ASEAN, thứ nhì châu Á và thứ 5 thế giới về xuất khẩu gỗ. Một số sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam có mẫu mã tốt, được thị trường kỹ tính chấp nhận. Đây là trí tuệ, giá trị gia tăng, rất quan trọng. Cùng với đó, việc chuyển giao công nghệ từ các viện, trường, các nhà nghiên cứu đến với sản xuất, thị trường xuất khẩu bước đầu đạt kết quả tốt. Đặc biệt, sản phẩm xuất khẩu, gỗ tiêu dùng ở Việt Nam phần lớn là rừng trồng, từ đó, hạn chế gỗ nhập khẩu và nghiêm cấm khai thác gỗ rừng tự nhiên. So với năm 2005, kim ngạch xuất khẩu đã tăng 900%. Đây làmức tăng mà không phải ngành nào cũng đạt được.
Bên cạnh những thành công, Thủ tướng cho rằng, Việt Nam là nước nông nghiệp nhiệt đới, “tam sơn tứ hải”, mới chiếm 6% thị phần thế giới là mức thấp; sự đa dạng, hấp dẫn của sản phẩm đồ gỗ Việt Nam còn khiêm tốn.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp phải tiếp tục chỉ đạo tốt hơn nữa về số lượng, chất lượng tăng trưởng bền vững của lĩnh vực chế biến, xuất khẩu gỗ năm 2019 và các năm tiếp theo. Đồng thời, Thủ tướng cũng gợi mở những giải pháp đầu tiên, đó là đề nghị các bộ, ngành triển khai đề xuất xây dựng chính sách hỗ trợ cho đầu tư trồng rừng, xây dựng và phát triển các công trình hạ tầng lâm sinh; ngành ngân hàng cần nghiên cứu gói tín dụng cụ thể với lãi suất ưu đãi để các doanh nghiệp mở rộng đầu tư sản xuất, đề người dân trồng rừng thuận lợi tiếp cận, vay vốn trồng rừng sản xuất, tạo vùng nguyên liệu.
Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT thảo luận với Bộ Tài chính tìm ra phương thức hỗ trợ cho các tỉnh có đất trồng rừng để trồng, có khả năng là 100.000 tấn gạo để người dân yên tâm, có điều kiện trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc.
Đồng thời Thủ tướng cũng đã đặt hàng Bộ trưởng Bộ NN&PTNT trong 10 năm tới, Việt Nam phải vào nhóm 15 quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất, phấn đấu để Việt Nam trở thành một trung tâm hàng đầu về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ, có thương hiệu uy tín trên thị trường thế giới.
Thủ tướng phân tích, Việt Nam mới đạt được 6% thị phần, còn 94% của các nước khác. Trong khi đó, nhu cầu đồ gỗ của thế giới là 430 tỷ USD, riêng giá trị thương mại nội thất và ngoại thất khoảng 150 tỷ USD. Vậy sau 10 năm nữa, 2030, chúng ta có thể chiếm bao nhiêu phần trăm thị phần toàn cầu? Có trở thành trung tâm chế biến gỗ? Chiếm 30%, 50% để thực hiện mục tiêu đề ra. Đây là câu hỏi lớn, chiến lược lớn.
Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam hiện có 4.500 doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản. Nhưng chưa có doanh nghiệp lớn, hình thành chuỗi giá trị quy mô lớn. Trong khi đó, không có doanh nghiệp thì bất thành sản xuất. Do đó, Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục củng cố nguồn nguyên liệu, làm sao nguồn nguyên liệu đủ lớn, hợp pháp từ rừng trồng, giúp doanh nghiệp liên tục xuất siêu ở mức cao.
Về vấn đề thị trường, Thủ tướng cho rằng cần có tính toán dài hơi hơn với các nước để phát triển thị trường. Không thể nhập nhoạng, không ổn định như hiện nay. “Chúng ta chưa vào được nhiều thị trường khó tính. Chúng ta phải bám vào FTA đã có và sắp tới ký để triển khai các thị trường chủ lực", Thủ tướng lưu ý.
Trong việc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và cả thương hiệu quốc gia Thủ tướng cho rằng chưa được quan tâm đúng mức, chúng ta có nhiều thương hiệu gỗ, lâm sản Việt Nam nhưng năng lực cạnh tranh và khẳng định thương hiệu thì còn phải thông qua đối tác nước ngoài nên hiệu quả giá trị được nhận còn thấp. Chúng ta còn trăn trở, khi nhiều sản phẩm hoàn toàn có thể sản xuất được, đáp ứng được mà vẫn phải nhập khẩu do không có thương hiệu nên khó cạnh tranh ngay cả thị trường trong nước.
Đặc biệt một số lâm sản kinh tế cao như sâm Ngọc Linh, quế, hồi… và nhiều sản phẩm dưới rừng chưa phát huy, chúng ta xuất khẩu được ít vì chưa xây dựng được thương hiệu với thị trường nước ngoài và khâu chế biến chưa tốt. Việc thực thi pháp luật để bảo vệ và phát triển rừng, lâm sản còn nhiều bất cập, nhất là có những điểm nóng về phá rừng, khai thác rừng trái phép. Việc sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp còn chậm, nhiều vướng mắc, tranh chấp đất rừng còn gay gắt, chưa được xử lý dứt điểm.
Với tinh thần “muốn đi xa thì phải cùng đi”, Thủ tướng cho rằng phải kêu gọi, phải hợp tác thật nhiều với các doanh nghiệp, các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp tầm trung và cả các doanh nghiệp nhỏ trên thế giới. Để biến Việt Nam trở thành một công xưởng của thật nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu đồ gỗ. Làm như vậy mới có thể thực hiện được khát vọng đưa ngành chế biến lâm sản Việt Nam tiến bước xa hơn.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp chế biến gỗ, lâm sản nâng cấp, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới thiết bị sản xuất đi liền với thiết kế mẫu mã, mỹ thuật, tận dụng tối đa nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu thụ. Bởi hiện nay công nghệ trồng rừng còn hạn chế, quy mô nhỏ, lạc hậu, trình độ quản lý chưa cao, hiệu quả thấp.
Ngoài ra, với mốc 11 tỷ USD đề ra cho kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ, lâm sản năm 2019, Thủ tướng cho rằng cần vượt qua con số này thông qua các giải pháp về cơ chế chính sách, nguồn nguyên liệu, khoa học công nghệ,…; đồng thời, cần đào tạo nguồn nhân lực lao động có trình độ đáp ứng yêu cầu của ngành trong bối cảnh kinh tế hội nhập, chú trọng đến công tác thiết kế sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu.