Thừa Thiên - Huế: Hỗ trợ 67,5 tỷ cho người lao động, chi viện 52 cán bộ y tế cho TP.HCM
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 kéo dài, đã tác động lớn đến đời sống của người dân, người lao động. Bên cạnh các giải pháp phòng chống dịch, việc đảm bảo an sinh xã hội cho người dân được các địa phương đặc biệt quan tâm.
Hỗ trợ 67,5 tỷ đồng cho người dân khó khăn
Ngày 26/8, tại Kỳ họp HĐND tỉnh khóa VIII, tỉnh Thừa Thiên Huế đã thông qua Nghị quyết quy định phân cấp nguồn kinh phí thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ và chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Dự kiến tổng kinh phí hỗ trợ của tỉnh Thừa Thiên - Huế khoảng 67,5 tỷ đồng. Thời gian thực hiện hỗ trợ đến hết ngày 31/12.
Đối với lao động tự do là 1,5 triệu đồng mỗi người một lần. Riêng lao động làm việc tại các nhà hàng, quán ăn, điểm bán hàng đặc sản, lưu niệm dọc tuyến Quốc lộ 1A phải tạm nghỉ theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng mỗi người.
Lao động tự do gặp khó khăn do COVID-19 tại Thừa Thiên - Huế được hỗ trợ mức 1,5 triệu đồng/người/lần
Ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở Lao động và Thương binh xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết đơn vị đã thống kê toàn tỉnh có hơn 30.000 lao động tự do và một số trường hợp khác trong diện nhận hỗ trợ.
Sở Lao động và Thương binh xã hội Thừa Thiên Huế đã phân loại lao động tự do thành các nhóm, như: Người bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, thu mua phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa bằng xe ba gác, xe thô sơ; lái xe ôm truyền thống (không tính grab, shipper), xe xích lô chở khách; bán lẻ xổ số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực lưu trú, du lịch.
Các trường hợp bị ảnh hưởng theo quy định để phòng chống dịch từ 1/5 đến nay cũng sẽ được nhận hỗ trợ, trong đó có lao động không có giao kết hợp đồng thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp ở các vùng bị phong tỏa, giãn cách xã hội.
Tiếp tục chi viện cho TP. HCM
Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã ghi nhận 542 trường hợp mắc COVID-19, trong đó riêng ngày 26/8 tỉnh này ghi nhận 70 ca mắc COVID-19 với 5 ca trong cộng đồng.
Mặc dù với ca mắc COVID-19 đang ngày một tăng, tuy nhiên với tinh thần vì miền Nam ruột thịt, Bệnh viện TW Huế (Thừa Thiên – Huế) đã huy động các án bộ y tế khẩn trương lên đường để tiếp sức và hỗ trợ miền Nam chống dịch.
Theo đó, vào ngày 27/8, Bệnh viện TW Huế (Thừa Thiên – Huế) đã tổ chức lễ tiễn đoàn công tác gồm 52 cán bộ Y tế của bệnh viện lên đường vào làm nhiệm vụ tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 trực thuộc đơn vị tại TP HCM.
Theo BV TW Huế, Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 hiện đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch và số lượng bệnh nhân ngày một tăng.
Để đáp ứng nhu cầu cấp cứu và điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch Ban giám đốc bệnh viện đã quyết định tiếp tục điều động 52 y, bác sĩ trong lĩnh vực hồi sức tích cực đến công tác tại Trung tâm.
Đoàn cán bộ Y tế Bệnh viện Trung ương Huế vào TP HCM hỗ trợ dập dịch
Đây là những nhân viên y tế có trình độ chuyên môn tốt, chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm được đơn vị đào tạo các kỹ thuật chuyên sâu về Hồi sức cấp cứu như thở máy, liệu pháp thay thế thận, oxy hóa máu qua màng (ECMO).
Trước khi di chuyển vào TP HCM, đoàn cán bộ Y tế cũng được tập huấn bài bản các kiến thức về kiểm soát nhiễm khuẩn, cách chăm sóc người bệnh nhiễm COVID-19 nặng, chăm sóc người bệnh thở máy; hướng dẫn tập vận động, dinh dưỡng, phục hồi chức năng cho người nhiễm COVID-19.
Đoàn cán bộ y tế khởi hành tại Sân bay Quốc tế Đà Nẵng vào lúc 12h cùng ngày trên chuyến bay VN129 do Hãng hàng không Vietnam Airlines tài trợ và sẽ hạ cánh đến Sân bay Tân Sơn Nhất vào 13h30.
Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 thuộc Bệnh viện dã chiến số 14 do Bệnh viện Trung ương Huế quản lý tại TP.HCM
Được biết, Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 thuộc Bệnh viện dã chiến số 14 do Bệnh viện Trung ương Huế quản lý nằm ở số 2 đường Trường Chinh (Tân Phú) đã vận hành và đi vào hoạt động. Trung tâm này có quy mô 12.300 m2, chia làm 4 phân khu, gồm: bệnh nặng nguy kịch, bệnh nặng, thoát hồi sức và chuẩn bị ra viện. Với quy mô 600 giường bệnh có chức năng tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch và hỗ trợ chuyên môn cho các cơ sở thu dung, điều trị, chăm sóc người bệnh COVID-19 trong khu vực.
Hơn 300 y bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Việt Nam - Cuba Đồng Hới, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, Bệnh viện Phong-Da liễu Trung ương Quy Hòa đã có mặt tại TP.HCM để thực hiện công tác tại Trung tâm hồi sức. Trong đó, có hơn 100 bác sĩ công tác trong lĩnh vực hồi sức, nội khoa, truyền nhiễm, còn lại là điều dưỡng và kỹ thuật viên dày dặn kinh nghiệm trong việc điều trị bệnh nhân COVID-19. Trung tâm là tuyến điều trị ở tầng cao nhất, mục tiêu hàng đầu được xác định là giảm nhẹ tình trạng của các bệnh nhân nặng, giảm tỉ lệ tử vong.
Trong chiều 18/8, Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh viện dã chiến số 14 sẽ nhận đợt bệnh nhân đầu tiên
Đây là lần thứ 5 Bệnh viện TW Huế hỗ trợ, điều động, chi viện nhân viên y tế cho hoạt động của Trung tâm để "chia lửa" với TP HCM, góp sức, chung tay đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.
Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Thừa Thiên - Huế, tính đến nay toàn tỉnh có 542 ca mắc COVID-19 (trong đó từ các tỉnh/thành phố khác chuyển đến 7 ca). Hiện số ca đang điều trị là 346; 194 ca được điều trị khỏi bệnh và 2 ca tử vong.
Hoàng Thông
Xem thêm: Quân đội triển khai trạm sản xuất oxy lưu động hỗ trợ tâm dịch TP.HCM