Thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng giá: Cái kết được dự báo trước

Nhật Tân 20:00 | 14/02/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thức ăn chăn nuôi liên tục tăng giá là cái kết được dự báo trước, bởi khâu nguyên liệu của ngành chăn nuôi trong nước bộc lộ quá yếu và doanh nghiệp nước ngoài vẫn chiếm ưu thế lớn về năng lực cạnh tranh.

Giá cả phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên liệu nhập khẩu

Ngay sau kì nghỉ Tết Nhâm Dần, nhiều công ty thức ăn chăn nuôi như Công ty Cổ phần MNS Feed, Công ty TNHH De Heus, Công ty TNHH Ciji Vina Agri đều đưa ra thông báo công bố giá bán thức ăn chăn nuôi với mức điều chỉnh tăng từ 200-300 đồng/kg.

Sau Tết,  thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng giá. Nguồn: saigondautu.com.vn

Theo đó, Công ty Cổ phần MNS Feed (hệ thống nhà máy Proconco và Anco) vừa có thư thông báo gửi khách hàng về việc điều chỉnh giá bán thức ăn chăn nuôi thương mại. Theo đó, kể từ ngày 16/2/2022, giá bán các sản phẩm thức ăn chăn nuôi của MNS Feed được điều chỉnh tăng 200-300 đồng/kg.

Công ty TNHH De Heus cũng vừa thông báo điều chỉnh giá bán thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm, bò, dê và thỏ. Cụ thể, kể từ ngày 16/2/2022, giá các loại thức ăn chăn nuôi (không bao gồm thức ăn thủy sản) của De Heus được điều chỉnh tăng từ 200-300 đồng/kg.

Bắt đầu từ ngày 18/2/2022, Công ty TNHH Ciji Vina Agri cũng sẽ điều chỉnh giá bán tất cả các dòng sản phẩm thức ăn chăn nuôi với mức tăng 300 đồng/kg.

Đây được xem là cái kết được dự báo trước. Ngay từ tháng 4/2021, ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi đã nhận định ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi và ngành chăn nuôi của Việt Nam sẽ có những biến động lớn. Những công ty có nhiều vốn, dự đoán tốt thị trường để mua hàng khi giá còn thấp sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn.

Giữa năm 2021, Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã kiến nghị Chính phủ cần đưa thức ăn chăn nuôi vào mặt hàng thuộc diện bình ổn giá nhằm khống chế giá các nguyên liệu đầu vào và người chăn nuôi có thể chủ động được kế hoạch sản xuất.

Thậm chí, năm 2018, Cục Chăn nuôi Cục Chăn nuôi cũng đã từng đề xuất đưa mặt hàng thức ăn chăn nuôi vào diện bình ổn giá với lý do Việt Nam gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên liệu nhập khẩu.

Dù ngành thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam được đánh giá đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 13-15%/năm, sản lượng công nghiệp đứng đầu Đông Nam Á nhưng khâu nguyên liệu của ngành chăn nuôi trong nước bộc lộ quá yếu.

Cùng với đó là sự đứt gãy chuỗi sản xuất toàn cầu do tác động của COVID-19 khiến mặt hàng thức ăn chăn nuôi tăng hơn 10 lần tính từ cuối năm 2020 tới nay.

Phát triển liên kết chuỗi trong chăn nuôi nông hộ vẫn dừng lại ở khuyến nghị

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, trong tổng số 265 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi hiện nay, có 85 nhà máy thuộc doanh nghiệp FDI, song sản phẩm của họ chiếm tới 65% thị phần. Trong khi, 180 nhà máy thuộc doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm 35% thị phần.

Chăn nuôi nông hộ chỉ sản xuất theo chuỗi mới tiết giảm được đầu vào để hạ giá thành sản xuất. Nguồn: nhandan.vn.

Từ năm 2019 đến nay, dịch tả lợn châu Phi, tiếp đó là đại dịch COVID-19 đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi, dẫn đến sự thu hẹp của thị trường thức ăn chăn nuôi. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp sản xuất trong nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ lẻ; nhiều nhà máy buộc phải đóng cửa hoặc giảm mạnh công suất hoạt động.

Các tập đoàn lớn, trong đó có doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài cũng gặp khó khăn không nhỏ nhưng vẫn cầm cự được vì có nguồn vốn lớn, đồng thời xây dựng được chuỗi liên kết khép kín.

Kết quả khảo sát của Vietnam Report đã chỉ ra sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước và nước ngoài. Các doanh nghiệp nước ngoài mạnh về nguồn vốn nên thường dự trữ sản lượng lớn nguồn nguyên liệu trong chế biến, nhờ vậy mà kiểm soát giá nguyên liệu tốt hơn và thị trường thức ăn chăn nuôi có dấu hiệu bị chi phối bởi một số công ty lớn.

Vietnam Report khuyến nghị doanh nghiệp nội địa cần nghiên cứu đa dạng sản phẩm hữu cơ, tăng cường liên kết chặt chẽ với các trang trại, hộ chăn nuôi, mở rộng kênh phân phối và đầu tư, nâng cấp nhà máy đạt chuẩn quốc tế.

Đây cũng là khuyến nghị được Cục Chăn nuôi liên tục đưa ra, với nhận định chăn nuôi nông hộ chỉ sản xuất theo chuỗi mới tiết giảm được đầu vào để hạ giá thành sản xuất. Sản xuất theo chuỗi mới giúp chủ động kiểm soát linh hoạt cung - cầu và kế hoạch sản xuất, tiêu dùng.

Việc ngay sau kì nghỉ Tết Nhâm Dần, nhiều công ty thức ăn chăn nuôi công bố tăng giá bán đặt ra câu hỏi, khi nào, giá của thức ăn chăn nuôi mới thực sự bình ổn?