Thương hiệu nông sản Việt: Khi doanh nghiệp là hạt nhân khối liên kết

07:06 | 11/03/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Doanh nghiệp một lần nữa lại được nhấn mạnh tại Diễn đàn “Thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản Việt Nam năm 2019” vừa diễn ra tại Hà Nội trong vai trò là hạt nhân khối liên kết để tạo thương hiệu cho nông sản Việt. Hơn lúc nào hết, doanh nghiệp phải thực hiện các giải pháp phù hợp để không chỉ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm mà còn cần tập trung phát triển thương hiệu tập thể.
Thương hiệu nông sản Việt: Khi doanh nghiệp là hạt nhân khối liên kết - ảnh 1
Nguồn: Internet. 
Gỡ 3 nút thắt

Trả lời phỏng vấn bên lề Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng Việt Nam đã đạt được bước tiến rất lớn trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên trong năm 2019 và giai đoạn tới đây, Việt Nam xác định để hàng nông sản Việt Nam tiếp tục tham gia sâu hơn chuỗi nông sản giá trị toàn cầu là thách thức rất lớn.

3 nút thắt tạo thách thức là Việt Nam tiếp tục phải tổ chức lại nền sản xuất dựa trên hộ nhỏ lẻ với 8,6 triệu hộ thành một nền nông nghiệp tập trung hướng đến hàng hóa và có quản trị.

Phải tổ chức nền nông nghiệp thích ứng với khí hậu, một tác nhân đang gây hậu họa rất lớn cho các nước trên thế giới, trong đó Việt Nam là một trong 5 nước chịu tổn thương lớn nhất. Điều này đòi hỏi phải có giải pháp tổng thể cho đối tượng, quy trình, các bước khác để biến bất lợi thành lợi thế.

Cuối cùng là nút thắt về tính cạnh tranh trên thị trường khi Việt Nam hội nhập sâu rộng. Với xuất phát điểm của Việt Nam hiện nay, khi các nước đang tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp sau khủng hoảng kinh tế, Việt Nam sẽ chịu áp lực cạnh tranh rất quyết liệt.

Để vượt qua những nút thắt này, các giải pháp không phải là chuyện riêng của Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương, mà đòi hỏi tái cơ cấu một ngành hàng kinh tế, với sự vào cuộc của ba trục khu vực - Chính phủ, doanh nghiệp, người dân trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế.

Trong đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, phải tiếp tục hoàn thiện thể chế để người dân tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi nhất, cải cách hành chính thông thoáng nhất tiện lợi nhất và doanh nghiệp phải là hạt nhân trong khối liên kết.

“Hiện có 1 vạn doanh nghiệp trực tiếp sản xuất trên lĩnh vực nông nghiệp, 49.000 doanh nghiệp chế biến tham gia ở các phân khúc khác nhau tạo sản phẩm phụ trợ cho khu vực doanh nghiệp. Phải coi đây là thành tố tốt nhất để phát triển HTX theo chương trình 5 vạn HTX tới đây từ nay đến 2020 làm sao 86 triệu nông dân liên kết chặt chẽ với 5 vạn HTX của mình. Tới đây sẽ có những chính sách để liên kết chặt chẽ hơn khu vực sản xuất, chế biến và tổ chức thị trường, có như vậy mới thành công. Người dân không thể hoạt động đơn lẻ. Họ phải tuân thủ bằng sự liên kết của chính mình bằng cách vào HTX, khởi nghiệp. Rất hoan nghênh các em đã tốt nghiệp đại học quay trở lại chính quê hương mình với tâm thế mới-tâm thế khởi nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Xây dựng được ấn tượng và lòng tin

Câu chuyện doanh nghiệp tạo thương hiệu, mà cụ thể hơn là xây dựng cho được ấn tượng và lòng tin đã được PGS.TS. Nguyễn Quốc Thịnh, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI) nhấn mạnh về những điểm yếu và đưa ra một số giải pháp khắc phục.

Thương hiệu nông sản Việt: Khi doanh nghiệp là hạt nhân khối liên kết - ảnh 2
Nguồn: Internet.  
Theo ông Thịnh, các doanh nghiệp nông sản Việt mới chỉ xây dựng được hệ thống dấu hiệu của thương hiệu gạo miền Nam và đây là một nỗ lực rất lớn bởi vì câu chuyện xây dựng thương hiệu cho cá tra từ 10 năm trước đến nay vẫn chưa thực hiện thành công.

Ông Thịnh đưa ra con số: Khoảng 70-80% nông sản Việt Nam xuất khẩu không được mang thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó, tỉ lệ nông sản xuất khẩu dạng thô hoặc sơ chế chiếm chủ yếu, bởi vậy, vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường chưa cao. Doanh nghiệp chưa tiếp cận được với hệ thống phân phối nước ngoài và thực chất, doanh nghiệp chưa quyết tâm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, chưa tập trung phát triển thương hiệu tập thể.

Đây cũng chính là lý do khiến Việt Nam không khẳng định được vị thế trên thị trường, thậm chí, luôn tiềm ẩn rủi ro cao về uy tín của sản phẩm, năng lực cạnh tranh sản phẩm quốc gia bị suy giảm, giá trị xuất khẩu từ sản xuất nông sản không cao.

Muốn phát triển thương hiệu nông sản xuất khẩu, theo ông Nguyễn Quốc Thịnh, doanh nghiệp cần phát triển nhận thức thương hiệu thông qua việc phát triển truyền thông thương hiệu, cam kết chất lượng sản phẩm và phát triển dịch vụ hỗ trợ gia tăng.

Phát triển các giá trị cảm nhận thương hiệu, đó là tạo ra những khác biệt hóa nhờ chỉ dẫn địa lý, phát triển năng lực cung ứng và cam kết bảo vệ uy tín thương hiệu.

Cuối cùng là phát triển lòng trung thành của thương hiệu. Đây là hoạt động phát triển các điểm tiếp xúc thương hiệu và xử lý khủng hoảng.

Muốn phát triển thương hiệu, doanh nghiệp phải kiểm soát được thị trường bằng việc lựa chọn đối tượng đăng ký bảo hộ, lựa chọn thị trường đăng ký bảo hộ, kiểm soát quá trình cung ứng hậu cần và kiểm soát quá trình sản xuất.

Quá trình kiểm soát thị trường theo một vòng tròn khép kín: Xử lý tốt các tình huống tranh chấp, xâm phạm thương hiệu - chống sa sút thương hiệu ngay từ bên trong-bảo vệ thương hiệu-xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho các đối tượng của thương hiệu.

Thương hiệu nông sản Việt: Khi doanh nghiệp là hạt nhân khối liên kết - ảnh 3
Nguồn: Internet.  
Bổ sung giải pháp cho phát triển thương hiệu nông sản, đại diện Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, Bộ Công Thương cho rằng, doanh nghiệp phải tổ chức lại sản xuất các mặt hàng nông sản, thủy sản có trọng tâm trọng điểm, có quy mô và theo hướng nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu kiểm nghiệm, kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, bao bì nhãn mác hàng hóa của thị trường nhập khẩu cụ thể.

Tập trung đẩy nhanh công tác mở cửa thị trường đối với các mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu theo hướng xác định rõ mặt hàng ưu tiên, thị trường ưu tiên và căn cứ trên năng lực sản xuất, xuất khẩu thực tế,.

Tổ chức nhiều hơn các Hội nghị, hội thảo chuyên đề phổ biến về quy định về thị trường nhập khẩu, trong đó, có thể xem xét ban hành các ấn phẩm hướng dẫn về xuất khẩu nông sản, thủy sản sang một số thị trường trọng điểm.

Các doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động nghiên cứu thị trường, thay đổi tư duy tiếp cận thị trường, thay đổi phương thức giao dịch từ tiểu ngạch sang thương mại chính quy, đặc biệt là đối với thị trường Trung Quốc.