Thương mại điện tử tăng trưởng mở ra nhiều cơ hội cho dịch vụ Logistics

13:28 | 04/09/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nền kinh tế Việt Nam chứng kiến sự tăng trưởng thần tốc của thị trường thương mại điện tử. Đi cùng với đó là sự phát triển của dịch vụ Logistics - Chuyển phát nhanh.

Nền kinh tế Việt Nam trong 5 năm trở lại đây đang chứng kiến sự tăng trưởng thần tốc của thị trường thương mại điện tử (TMĐT).

Với tốc độ tăng trưởng ước đến 81% trong năm 2020, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường TMĐT phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, chỉ xếp sau Indonesia. Cùng với sự thống trị của nhóm Big4 đầu ngành TMĐT, lượng hàng hóa giao dịch trên các sàn TMĐT cũng như các kênh kinh doanh trực tuyến đã có sự tăng trưởng đáng kể theo từng giai đoạn.

Đi cùng với sự phát triển TMĐT là sự chú trọng phát triển kênh chuyển phát hoặc ưu tiên kết nối với các doanh nghiệp logistics đầu ngành để đảm bảo mang đến trải nghiệm mua sắm trọn vẹn, đa dạng và tối ưu dành cho người dùng.

Thương mại điện tử tăng trưởng mở ra nhiều cơ hội cho dịch vụ Logistics - ảnh 1

Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử 2020 của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), tốc độ phát triển của ngành logistics Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14%-16%, với sự tham gia của khoảng 3.000 doanh nghiệp trong nước và khoảng 25 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới.

Cũng theo báo cáo này, tiềm năng phát triển dịch vụ logistics Việt Nam là rất lớn. Trong tương lai không xa, dịch vụ cung cấp logistics sẽ trở thành ngành kinh tế quan trọng, có thể đóng góp tới 15% GDP của cả nước.

Có thể thấy, song hành cùng xu hướng phát triển thần tốc của TMĐT đã mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ cho lĩnh vực logistics tại Việt Nam.

Ngành logistics ở Việt Nam hiện nay được đánh giá là một ngành mới mẻ, còn gặp không ít khó khăn như hạ tầng giao thông còn khá nhiều bất cập với sự đông đúc, tắc nghẽn ở những thành phố lớn và huyện xã, nông thôn, vùng cao.

Mặt khác, phương tiện giao nhận tại Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế, chủ yếu là xe máy với yếu điểm là chỉ giao nhận được các đơn hàng nhỏ, đường chuyển phát ngắn.

Với các phương tiện khác như xe tải thì lại khiến cho giá thành vận chuyển tăng cao, thời gian chuyển phát kéo dài. Và còn rất nhiều hạng mục khác mà các doanh nghiệp logistics luôn phải cẩn trọng trước khi quyết định đầu tư để hoàn thiện hệ thống.

Trao đổi với Thời báo kinh tế Việt Nam về ngành logistics, ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta cho biết,  các FTA như EVFTA và CPTPP, Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới, kim ngạch xuất khẩu cao gấp 2 lần GDP. Đây chính là một thuận lợi cho ngành logistics phát triển.

Theo thống kê, ngành logistics có mức tăng trưởng cao 15-16%. Số lượng các doanh nghiệp vận tải và logistics hiện nay là khoảng 3.000 doanh nghiệp, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không... Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp này là doanh nghiệp nhỏ, vốn điều lệ dưới 10 tỷ đồng với quy mô lao động dưới 50 người.

Theo ông Nghĩa, để logistics Việt thực sự bứt phá, tăng sức mạnh cạnh tranh cho toàn nền kinh tế, Việt Nam cần hơn nữa những công ty lớn mạnh như Sotrans, Vinatrans, Transimex... 

Vị này cũng đưa ra nhiều giải pháp cởi trói về vốn, công nghệ cho doanh nghiệp logistics. Ông Nghĩa dẫn dụ, tại một số quốc gia, hệ số đòn bẩy tài chính cho doanh nghiệp là 1:6 hoặc 1:7 khi doanh nghiệp logistics đi vay, mua hoặc thuê mua tài chính phương tiện vận tải để phát triển dịch vụ. 

Tại Việt Nam, tỷ lệ này thường là 1:2. Đây chính là rào cản lớn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển nhanh trong ngành này.  Vì vậy, cần có giải pháp giúp doanh nghiệp logistics tiếp cận vốn tốt hơn.

Khó khăn trong tiếp cận đất đai cũng được doanh nghiệp đặt ra khi không gian dành cho logistics không đáng kể, dẫn đến ngành này phát triển thiếu tính bền vững, không được đầu tư sâu dẫn đến chi phí cao, làm giảm tính cạnh tranh. Giải quyết được vấn đề này là sẽ tạo ra quỹ đất để doanh nghiệp logistics đầu tư sâu vào cơ sở hạ tầng, hạ giá thành vận chuyển.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng dự báo rằng, thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ có quy mô 1.000 tỷ USD vào năm 2020; khoảng 1 tỷ người trên giới sẽ trở thành "người tiêu dùng quốc tế" nhờ mua hàng nước ngoài qua Internet. Tất yếu của xu thế này sẽ đem đến cơ hội cho logistics điện tử xuyên biên giới (CBEL) và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. 

Lệ Vỹ (T/h)