Thương mại điện tử xuyên biên giới của Việt Nam có thể tăng trưởng đều 20% mỗi năm

Nguyễn Hoàng Cường 09:26 | 09/06/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo báo cáo mới công bố của Amazon, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới (B2C) của Việt Nam ước tính tăng trưởng trên 20% mỗi năm, đạt 75,4 nghìn tỷ đồng (3,3 tỷ USD) trong năm 2021 và dự kiến đạt 256,1 nghìn tỷ đồng (11,1 tỷ USD) vào năm 2026.

Báo cáo này nhận định, nếu coi “Thương mại điện tử B2C” như là một ngành hàng xuất khẩu, đây sẽ là ngành xuất khẩu thế mạnh đứng thứ 5 tại Việt Nam trong vòng 5 năm tới. 

Có 88% doanh nghiệp được khảo sát tại Việt Nam nhận định TMĐT rất quan trọng trong hoạt động xuất khẩu của họ, đồng thời nhận định doanh số bán lẻ trực tuyến xuyên biên giới sẽ cao hơn doanh số bán lẻ online trong nước.

Bên cạnh những cơ hội phát triển, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu và mở rộng thị trường tiềm năng nhờ vào TMĐT xuyên biên giới, vẫn tồn tại những bất cập đối với các doanh nghiệp Việt Nam trên các vấn đề chính: Thông tin, Năng lực, Chi phí, Quy định.

Khởi động chương trình đào tạo “Thương mại điện tử Xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá”.

Cũng để thúc đẩy hơn nữa thương mại điện tử B2C tại Việt Nam, mới đây (8/6) Amazon Global Selling Việt Nam ký kết Biên bản Ghi nhớ với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (iDEA) - Bộ Công Thương, cùng hợp tác triển khai sáng kiến “Thương mại điện tử Xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá”. Sáng kiến đặt mục tiêu ​hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới tại Việt Nam trong 5 năm tới, từ đó nâng cao năng lực và mở ra cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp địa phương thông qua TMĐT.

Lễ ký kết diễn ra tại thủ đô Hà Nội với sự tham dự của ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, ông Gijae Seong - Giám Đốc Điều Hành Amazon Global Selling Việt Nam, và hơn 200 đại biểu đến từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đa ngành nghề tại Việt Nam  những người sẵn sàng nắm bắt cơ hội kinh doanh toàn cầu với TMĐT.

Ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam chia sẻ: “Với Biên bản Ghi nhớ này, Amazon Global Selling Việt Nam và Cục Thương Mại Điện Tử & Kinh Tế Số cùng chia sẻ tầm nhìn và chiến lược nhằm hỗ trợ SMEs trong nước xuất khẩu thông qua TMĐT. Sáng kiến ​​“Thương mại điện tử Xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá” dự kiến có hơn 10,000 doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam tham gia. Thông qua Sáng kiến này, các doanh nghiệp được trang bị kiến ​​thức chuyên ngành về xuất nhập khẩu, nắm bắt thông tin thị trường, từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời đây cũng là cầu nối giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam và thế giới, từng bước xây dựng thương hiệu cho hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ở quy mô nào cũng có thể sử dụng Báo cáo này để cập nhật những thông tin hữu ích về tiềm năng, quan điểm của các doanh nghiệp MSME trong nước, và giải pháp tốt nhất để khai thác cơ hội xuất khẩu qua TMĐT cho Việt Nam”.

 

Cầu nối kiến thức cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia thị trường quốc tế

“Thương mại điện tử Xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá” là một sáng kiến do Amazon khởi xướng, được Bộ Công Thương bảo trợ nội dung, dự kiến kéo dài trong 5 năm với chương trình đào tạo, tập huấn trực tiếp lẫn trực tuyến trên khắp cả nước.

Tham gia chương trình, các doanh nghiệp và nguồn nhân lực trẻ Việt Nam sẽ được đào tạo với 20+ khóa học đa dạng nội dung như: TMĐT xuyên biên giới, nghiên cứu thị trường, xây dựng danh mục sản phẩm, đăng ký và bảo vệ thương hiệu, quy trình bán hàng trên Amazon.