Thượng viện Mỹ đề xuất gói cứu trợ khẩn cấp ngăn bất ổn kinh tế
Trình bày trước Thượng viện, ông McConnell cho biết dự luật cứu trợ khẩn cấp sẽ đưa ra "hành động quyết liệt đối với 4 ưu tiên chính vô cùng cấp bách và cần thiết."
Ông nêu rõ 4 ưu tiên bao gồm trực tiếp hỗ trợ tài chính cho người dân Mỹ, nhanh chóng cứu trợ các doanh nghiệp nhỏ và người lao động, thực hiện các bước đi quan trọng để ổn định nền kinh tế và bảo vệ việc làm, tăng cường hỗ trợ dành cho các nhân viên y tế ở tuyến đầu và các bệnh nhân mắc COVID-19.
Dự luật do Đảng Cộng hòa đề xuất sẽ được các Thượng nghị sĩ của đảng Dân chủ xem xét trước khi Thượng viện ấn định thời điểm đưa ra bỏ phiếu.
Nếu được Thượng viện thông qua, văn kiện này sau đó sẽ phải qua "ải" Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát và Tổng thống Donald Trump ký ban hành luật.
Đây là dự luật hỗ trợ thứ 3 và là dự luật có số tiền lớn nhất của Chính phủ Mỹ nhằm đối phó với dịch COVID-19.
Dự luật đầu tiên trị giá 8,3 tỷ USD tập trung vào các quan cơ y tế và những người phải ứng phó đầu tiên với dịch, trong khi dự luật thứ 2 trị giá 104 tỷ USD được Tổng thống Trump ký ngày 18/3 nhằm hỗ trợ người lao động nghỉ phép khẩn cấp, xét nghiệm virus SARS-CoV-2 miễn phí và bảo hiểm thất nghiệp mở rộng.
Liên quan đến việc sử dụng gói hỗ trợ trên, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin khẳng định chính phủ sẽ hỗ trợ mỗi người dân Mỹ 1.000 USD trong vòng 9 tuần tới, trong khi trẻ em nhận được 500 USD, nhằm đối phó với ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Số tiền hỗ trợ trực tiếp cho người dân chiếm một nửa tổng số tiền của gói hỗ trợ mới của chính phủ. Ngoài ra, một khoản ngân sách 300 tỷ USD sẽ được đưa ra nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì người lao động trong biên chế, hỗ trợ những người lao động sau khi cuộc khủng hoảng kết thúc.
200 tỷ USD còn lại sẽ được dành cho việc hỗ trợ các hãng hàng không và những ngành công nghiệp quan trọng khác bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.
Mỹ hiện đang phải đối mặt với sự lây lan nhanh chóng của dịch COVID-19 trên 50 bang và các vùng lãnh thổ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế. Ngân hàng Bank of America (BOA) đã chính thức coi nền kinh tế Mỹ rơi vào tình trạng suy thoái.
Các chuyên gia kinh tế Mỹ mới đây cảnh báo, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại nước này có thể lên tới con số kỷ lục 1,5 triệu hoặc thậm chí nhiều hơn, trong bối cảnh các nhà hàng, quán bar và khách sạn tại nhiều bang trên toàn quốc đã dừng hoạt động do dịch bệnh.