Tích cực mở rộng hệ thống phân phối giữa lúc thị trường khó, lợi nhuận quý I của Gỗ An Cường (ACG) 'bốc hơi' 70%
Theo đó, ACG ghi nhận doanh thu quý I/2023 đạt 680 tỷ đồng, giảm 20,6% so với cùng kỳ, chủ yếu do doanh thu bán thành phẩm giảm. Lợi nhuận gộp theo đó cũng giảm hơn 24% xuống còn 191 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính của ACG đạt 40,6 tỷ đồng, giảm nhẹ so với thực hiện của quý I/2022. Trong khi đó, chi phí tài chính tăng gần gấp đôi lên 16,3 tỷ đồng (chủ yếu là chi phí lãi vay với hơn 13 tỷ); Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng lần lượt 27,6% và 15,8% lên 136,2 và 36,5 tỷ đồng. Khoản tăng mạnh nhất là chi phí tiếp thị, quảng cáo khi tăng gần 3 lần lên 41 tỷ đồng.
Khấu trừ thuế phí, ACG ghi nhận lợi nhuận sau thuế 36,3 tỷ đồng, giảm gần 70% so với quý I/2022. Trong văn bản giải trình, doanh nghiệp cho biết lợi nhuận giảm mạnh chủ yếu do tình hình kinh tế trong nước và thế giới diễn biến phức tạp, người tiêu dùng thận trọng trong chi tiêu và chi phí bán hàng tăng do công ty chủ động mở rộng hệ thống phân phối.
Trước đó, trong những tháng cuối năm 2022, ACG đã thoát khỏi bức tranh "xám" của ngành gỗ và sản phẩm gỗ bởi chiến lược giảm phụ thuộc vào nhóm khách hàng là đơn vị phát triển bất động sản. Đồng thời, đẩy mạnh mở rộng chuỗi phân phối, hướng đến nhu cầu của người tiêu dùng.
Theo tờ trình ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, ACG dự báo vẫn sẽ còn nhiều khó khăn do tâm lý thận trọng chi tiêu của người dân ảnh hưởng đến sức mua của khách hàng. Ngoài ra thị trường bất động sản vẫn chưa có tín hiệu khả quan, cảnh báo khó khăn kéo dài, nên doanh nghiệp cũng sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Dù vậy, ACG vẫn đặt kế hoạch doanh thu 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 668 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 11,7% và 8,6% so với thực hiện năm 2022. Như vậy, sau 3 tháng đầu năm, ACG mới chỉ hoàn thành 13,6% kế hoạch doanh thu và 5,4% chỉ tiêu lợi nhuận.
Trong báo cáo cập nhật về ACG cuối năm 2022, Chứng khoán Bản Việt (nay là Vietcap - VCSC) cho biết, dù doanh nghiệp đạt kết quả khởi sắc trong năm ngoái, thế nhưng dự báo doanh thu sẽ giảm trong năm nay.
VCBS cho rằng, có 3 nguyên nhân cho sự sụt giảm. Đầu tiên là việc khách hàng nước ngoài giảm hàng trong bối cảnh nhu cầu yếu, do đó hoạt động xuất khẩu trực tiếp và bán hàng của công ty cho các nhà xuất khẩu đồ nội thất đang phải đối mặt với lượng đơn đặt hàng thấp.
Ngoài ra, số lượng nhà mới trong nước bị ảnh hưởng do nguồn cung nhà ở giảm trong vài năm qua, cùng với vấn đề thanh khoản mà các chủ đầu tư bất động sản phải đối mặt.
Cuối cùng, chi tiêu cho việc cải tạo những ngôi nhà hiện hữu có thể giảm do tỷ lệ thất nghiệp/thiếu việc làm có thể gia tăng và xu hướng giảm gần đây của nhiều loại tài sản tài chính đã gây tổn hại cho tầng lớp trung lưu và thượng lưu (khách hàng cuối cùng của An Cường).
Tuy vậy, VCSC cho rằng ACG sẽ tiếp tục dẫn đầu thị trường của mình và hưởng lợi khi thị trường bất động sản phục hồi nhờ vào các lợi thế cạnh tranh như hệ thống sản phẩm đa dạng trọn gói, thương hiệu và mạng lưới phân phối.
VCSC ước tính rằng ít nhất 35% doanh thu của ACG đến từ nhà mới. Theo doanh nghiệp, công ty không có dữ liệu cho khoản đóng góp này vì chủ yếu bán cho các đối tác B2B. VCSC cho rằng nhà mới sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất trong 3 mảng nhu cầu nêu trên vào năm 2023.
Bên cạnh đó, VCSC cho biết An Cường vẫn đang nghiên cứu kế hoạch cho nhà máy ván sợi mật độ trung bình (MDF). MDF là một nguyên liệu đầu vào chính cho hoạt động sản xuất của công ty. Ngành công nghiệp MDF đang thừa cung và thường có tỷ suất sinh lời trên vốn đầu tư (ROIC) thấp. Tuy nhiên, nhu cầu yếu hiện tại đối với đồ gỗ nội thất và giá máy móc thấp có thể giúp cải thiện ROIC của dự án sau khi nhà máy đi vào hoạt động vài năm sau.