Tiền mã hóa đứng trước cơ hội lớn được 'công nhận'

09:51 | 22/03/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trước những căng thẳng chính trị đang bị 'hâm nóng', hàng loạt quốc gia đang lên kế hoạch công nhận những đồng tiền mã hóa trong hệ thống thanh toán của mình.

Theo hãng tin địa phương Harian Metro (Malaysia), Thứ trưởng truyền thông và đa phương tiện (KKMM) ông Datuk Zahidi Zainul Abidin đã thúc giục các cơ quan quản lý của quốc gia này hợp pháp hóa một số trường hợp sử dụng crypto (tiền mã hóa) và NFT (tài sản mã hóa).

Ông Zahidi chỉ ra rằng những biện pháp kể trên sẽ hỗ trợ đáng kể cho những người trẻ tuổi, vì ngành tiền mã hóa đang phát triển ngày càng phổ biến trong thế hệ mới. Ông cũng cho biết KKMM đang tìm cách tăng cường sự tham gia của những cá nhân này trên thị trường.

Mặt khác, đề xuất của Zahidi không chỉ hợp pháp hóa một số giao dịch tiền mã hóa nhất định ở Malaysia mà còn chấp nhận Bitcoin như một hình thức tiền tệ hợp pháp trong nước. Thứ trưởng KKMM lưu ý quyết định về quy định crypto là hoàn toàn tùy thuộc vào Ngân hàng trung ương và Ủy ban chứng khoán Malaysia.

Hiện tại, Ngân hàng trung ương Malaysia vẫn chưa công bố bất kỳ quan điểm chính thức nào về việc áp dụng Bitcoin như tiền tệ chính thức cũng như không trả lời các yêu cầu bình luận về nhận xét của ông Zahidi. 

Ấn Độ sẽ đánh thuế 30% với tiền mã hóa ngay trong đầu tháng 4/2022.

Trái ngược lại với nhiều quốc gia khác, sau nhiều dự đoán về thời gian triển khai áp dụng mức thuế 30% từ thu nhập từ tiền mã hóa và tài sản ảo tại Ấn Độ, Chủ tịch Ủy ban Thuế Trung ương (CBDT) JB Mohapatra đã khẳng định mọi thứ sẽ bắt đầu từ ngày 1/4 tới đây.

Ông JB Mohapatra cho biết đề xuất mức thuế 30% đối với doanh thu từ crypto vừa được chính phủ phê duyệt và sẽ được thực hiện ngay trong tháng tới. Tuy nhiên, việc thực hiện thuế 1% khấu trừ tại nguồn (TDS) – một phương pháp thu thuế trên đánh giá thu nhập tại Ấn Độ, sẽ lùi sang ngày 1/7.

Bên cạnh đó, ông còn đưa ra nhận định rằng điều này sẽ giúp tổng giá trị thu thuế ròng của chính phủ tăng lên mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

 

Ấn Độ là một trong số ít các quốc gia có chủ quyền áp thuế đối với tiền mã hóa và tài sản kỹ thuật số, bao gồm cả NFT sau khi Bộ trưởng Tài chính Nirmala Sitharman lần đầu tiên công bố chế độ áp thuế 30% đối với tiền mã hóa và chiến dịch triển khai CBDC hồi tháng 1.