Tiến tới RCEP có hiệu lực: Khuyến nghị cho doanh nghiệp

09:14 | 26/03/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Doanh nghiệp cần rèn luyện trong các cuộc chơi đơn giản, tiến đến RCEP, rồi tiến dần khai thác các sân chơi phức tạp hơn như CPTPP, EVFTA là khuyến nghị dành cho doanh nghiệp để đón đầu thời điểm RCEP có hiệu lực.
Theo vnexpress, được ký kết ngày 15/11, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là hiệp định thương mại tự do có quy mô lớn nhất hiện nay mà Việt Nam tham gia. RCEP bao phủ 30% dân số thế giới, chiếm 32% GDP toàn cầu. Đến nay, hiệp định này chưa có hiệu lực, do cần có ít nhất 6 nước ASEAN và 3 nước ngoài khối phê chuẩn. Gần đây nhất, Trung Quốc đã phê chuẩn RCEP vào ngày 8/3.
 
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây chính là thời gian doanh nghiệp cần có sự tìm hiểu, chuẩn bị kỹ về chiến lược để sẵn sàng tận dụng cơ hội và thích ứng các thách thức khi hiệp định có hiệu lực.
 

RCEP đặt ra các quy tắc chặt chẽ và thách thức

 
Phát biểu tại hội thảo "Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và hàm ý chiến lược kinh doanh cho doanh nghiệp trong bối cảnh mới" hôm 25/3, ông Huỳnh Minh Vũ, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ Hội nhập Quốc tế TP HCM (CIIS), đánh giá hiệp định mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu, giúp Việt Nam kết nối tốt hơn chuỗi cung ứng toàn cầu so với các FTA khác.
 
 
 Tiến tới RCEP có hiệu lực: Khuyến nghị cho doanh nghiệp - ảnh 1
 RCEP đặt ra các quy tắc chặt chẽ và thách thức cho doanh nghiệp
 
Ông Châu Việt Bắc, Phó tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đồng quan điểm. Tuy nhiên, ông Bắc nhận định, ngoài môi trường thông thoáng, RCEP cũng đặt ra các quy tắc chặt chẽ và thách thức cho doanh nghiệp. Do đó, theo các chuyên gia, doanh nghiệp cần lưu ý một số khuyến nghị.
 
Về chiến lược, theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), không nên tách rời RCEP với hiệp định khác, vì nó là một phần của tiến trình hội nhập. "Đừng nghĩ chỉ có 'sống chết' với hiệp định này mà bỏ qua nhiều cơ hội khác. Doanh nghiệp cần rèn luyện trong các cuộc chơi đơn giản, tiến đến RCEP, rồi tiến dần khai thác các sân chơi phức tạp hơn như CPTPP, EVFTA", ông Dương nói.
 
Đồng thời, đừng nghĩ các thị trường RCEP dễ tính, ngay cả Trung Quốc. Thực tế 2 năm gần đây, các tiêu chuẩn hàng hóa của nước này ngày một nâng cao, đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải nỗ lực đáp ứng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần nhanh chóng đăng ký sở hữu trí tuệ nếu có sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa..
 
Về thực tiễn thương mại, ông Trần Ngọc Bình, Trưởngphòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực TP HCM, Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, các quy định về quy tắc xuất xứ trong RCEP có một số điểm mới nhưng lại không quá khó cho doanh nghiệp khi thực thi. Do vậy, về mặt này, chỉ cần doanh nghiệp tập trung tìm hiểu kỹ các điều khoản sẽ có nhiều cơ hội lớn trong giao thương, góp phần giúp tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực.
 
Về mặt pháp lý, Luật sư Bùi Văn Thành, Trưởng Văn phòng Luật Mặt Trời Mới, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) lưu ý, doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến cơ chế giải quyết tranh chấp quy định tại Chương 19 của RCEP. "Việt Nam đã tham gia 14 hiệp định và các tranh chấp có thể phát sinh ở các hiệp định khác cũng sẽ tương tự ở hiệp định này", ông Thành nhận xét.
 
Theo vị chuyên gia, một số dạng tranh chấp phổ biến cần lưu ý như: tranh chấp về xuất xứ hàng hoá (gian lận, giả mạo giấy chứng nhận xuất xứ từ nước xuất khẩu vào Việt Nam; gian lận, giả mạo chứng nhận xuất xứ VN, ghi nhãn xuất xứ Việt Nam trước khi nhập vào Việt Nam...); tranh chấp hợp đồng (về các yếu tố như soạn thảo, giao kết, giải thích, thực hiện, số lượng, chất lượng, giá – phương thức thanh toán, thời gian – địa điểm – phương thức giao hàng, luật áp dụng, phương thức giải quyết tranh chấp...) và tranh chấp về đầu tư.
 
Đây là các tranh chấp vốn đã tồn lại, nhưng đặt trong bối cảnh RCEP, chuyên gia dự đoán các tranh chấp này sẽ có xu hướng tăng. Và nếu không thận trọng, các tranh chấp nhỏ sẽ dẫn đến các tranh chấp lớn hơn, phức tạp hơn.
 
 

Thế mạnh nào cho Việt Nam?

 
Tờ Doanh nghiệp Việt Nam nhận định: Hiệp định RCEP sẽ mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ mở ra cơ hội mới cho các sản phẩm từ các lĩnh vực nổi bật như viễn thông, công nghệ thông tin, dệt may, giày dép và nông nghiệp.
 
 
Tiến tới RCEP có hiệu lực: Khuyến nghị cho doanh nghiệp - ảnh 2
 Tàu hàng tại  Cảng Gemalink, huộc cụm cảng Cái Mép -Thị Vải ngày 20/3
 
 
Việc thiết lập Hiệp định(RCEP sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực mà doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia.
 
Sau khi Hiệp định RCEP có hiệu lực, các bên sẽ ngay lập tức thực hiện các cam kết của mình, trong đó có các cam kết thuế quan. Việt Nam và các nước đối tác sẽ xóa bỏ thuế quan đối với ít nhất 64% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Đến cuối lộ trình sau 15-20 năm, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế quan với khoảng 85,6 % - 89,6% số dòng thuế với các nước đối tác, còn các nước đối tác sẽ xóa bỏ thuế quan cho Việt Nam từ 90,7% - 92% số dòng thuế. Các nước ASEAN sẽ xóa bỏ thuế quan cho Việt Nam trong khoảng 85,9% - 100% số dòng thuế.
 
Một số mặt hàng được các nước xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực được kể đến như viễn thông, công nghệ thông tin, trang thiết bị cơ khí, máy móc, dụng cụ phụ tùng, hóa chất… và các sản phẩm của ngành nông nghiệp.
 
Khi được đặt câu hỏi trong Hiệp định RCEP những ngành nào sẽ là thế mạnh của Việt Nam, đại diện phía Bộ Công thương cho biết: “Hiệp định RCEP dự kiến sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu, giúp thúc đẩy hơn nữa phát triển kinh tế của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam và các nước đối tác. Hiệp định RCEP sẽ mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ mở ra cơ hội mới cho các sản phẩm từ các lĩnh vực nổi bật như viễn thông, công nghệ thông tin, dệt may, giày dép và nông nghiệp”.
 
Cũng nhờ vào việc hài hòa quy tắc xuất xứ trong Hiệp định RCEP, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng khả năng đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan do nguồn cung nguyên liệu đầu vào chủ yếu đều nằm trong RCEP nhằm gia tăng khả năng xuất khẩu trong khu vực này, đặc biệt ở các thị trường lớn như Nhật Bản, Úc, Niu Di lân và Hàn Quốc.
 
Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: RCEP không chỉ có lợi thế về một thị trường có 2,2 tỷ người tiêu dùng, Hiệp định này bao phủ gần như toàn bộ chuỗi sản xuất các sản phẩm xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam.
 
Hiện nay, Việt Nam đang nhập nguyên liệu từ Nhật Bản, Hàn Quốc để sản xuất hàng điện tử, nhập khẩu nguyên liệu chủ yếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc để sản xuất hàng dệt may… Khi RCEP có hiệu lực sẽ tạo ra các ưu đãi thuế quan nhiều nhất cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và các thành viên khi được áp dụng quy tắc xuất xứ nội khối. Đây cũng chính là điểm khác biệt lớn nhất của hiệp định RCEP so với các hiệp định khác mà Việt Nam đã ký kết.
 
Bên cạnh đó, bà Trang còn đưa ra những thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam cần phải vượt qua khi tham gia vào RCEP: “Lợi ích của RCEP chủ yếu nằm ở câu chuyện hài hòa các quy tắc về xuất xứ và thuế quan. Vì vậy, để tận dụng được, doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu để đáp ứng quy tắc xuất xứ cho tốt nhất. Thứ 2 là khả năng RCEP sẽ tạo ra cạnh tranh mạnh hơn. Ở đây tôi muốn nói cạnh tranh không chỉ ở thị trường trong nước đâu mà cạnh tranh ở cả trong thị trường RCEP. Ví dụ như hiện nay giữa Trung Quốc và Nhật Bản là họ chưa có hiệp định thương mại tự do – FTA, nhưng với RCEP họ sẽ có thương mại tự do.. Như vậy là cạnh tranh của chúng ta với thị trường Nhật Bản sẽ tăng lên mà trực tiếp là đối với đối thủ cạnh tranh là Trung Quốc chẳng hạn” - bà Nguyễn Thị Thu Trang nói.
 
Đại diện Vụ thương mại đa biên cũng cho biết, Hiệp định RCEP cũng mang lại sức ép cạnh tranh hàng hóa cho Việt Nam do nhiều đối tác trong RCEP có cơ cấu sản phẩm tương tự Việt Nam nhưng năng lượng cạnh tranh, hàm lượng giá trị gia tăng cũng cao hơn so với khả năng hiện tại của Việt Nam. Đặc biệt, Trung Quốc với lợi thế hàng hóa phong phú, giá rẻ cũng sẽ đặt ra những thách thức lớn đối với các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam. Vì vậy, ngay cả khi mặt hàng nông, thủy sản là thế mạnh của ta nhưng cũng chính là thách thức cạnh tranh trong khu vực RCEP này.
 
Vì vậy, tham gia vào bất kỳ Hiệp định thương mại tự do nào với những thành viên có trình độ kỹ thuật cao hơn sẽ là thách thức lớn nhất với các sản phẩm hàng hoá của Việt Nam, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi mình, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm.
 
Minh Hoa