Tiếp tục thúc đẩy ngành du lịch ở Quảng Bình phát triển
Khác với hội nghị xúc tiến đầu tư cách đây 3 năm của Quảng Bình, lần này, nhiều “sếu lớn” bắt đầu “làm tổ” trên địa bàn tỉnh nhằm khai thác các tiềm năng lợi thế của tỉnh bằng các dự án cụ thể. Là nhà đầu tư lớn nhất vào Quảng Bình, lãnh đạo Tập đoàn FLC cho rằng, Quảng Bình có tiềm năng rất lớn về du lịch, có thể trở thành “làn gió Đại Phong” của du lịch Việt Nam như kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, hiện nay số lượng cơ sở lưu trú của tỉnh còn ít, hệ số lưu trú của du khách đến Quảng Bình chỉ đạt 1 ngày, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của các thành phố du lịch khác. Lãnh đạo Tập đoàn FLC cho biết, đã quyết định đầu tư quần thể du lịch nghỉ dưỡng quy mô lớn tại Quảng Bình để đánh thức tiềm năng của tỉnh, góp phần đưa tỉnh trở thành trung tâm du lịch hàng đầu của Việt Nam và đánh giá cao việc tỉnh thành lập Ban chỉ đạo chuyên trách về dự án này do Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.
Cùng quan điểm, một số ý kiến doanh nghiệp cũng thể hiện quan tâm đầu tư vào Quảng Bình và đánh giá cao thiện chí của lãnh đạo tỉnh đối với các nhà đầu tư.
Tại Hội nghị, tỉnh Quảng Bình đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư cho 66 dự án, với tổng vốn đầu tư hơn 7 tỷ USD, trong đó FLC cam kết đầu tư nhiều nhất, với số vốn khoảng 63.000 tỷ đồng.
Theo Thủ tướng, để hiểu, đánh giá đúng về sức hấp dẫn của vùng đất địa linh nhân kiệt này, không nên thuần túy nhìn vào những con số, chỉ số bởi lẽ, các giá trị về tài nguyên tự nhiên, sinh thái về văn hóa, lịch sử của Quảng Bình là không thể lượng hóa. “Làm sao chúng ta có thể lượng hóa được những thứ độc nhất vô nhị như Phong Nha-Kẻ Bàng, như Sơn Đoòng hay sự nguyên bản của một vùng đất hội tụ mọi giá trị của văn hóa, lịch sử, cảnh quan tự nhiên, của tâm linh và huyền thoại”.
Quảng Bình, mảnh đất hẹp nhất chiều Đông-Tây, ví như đòn gánh giữa hai đầu Nam, Bắc của đất nước, một hình ảnh gợi lên những tâm tưởng về ý chí vượt khó của người dân; đồng thời, nhắc nhở về một Quảng Bình góp phần quan trọng vào sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành một thương hiệu du lịch có tầm ảnh hưởng toàn cầu. “Tôi nói điều này không quá bởi có nhiều địa danh làm nên những thương hiệu cường quốc du lịch châu Á nếu so sánh với Việt Nam thì chúng ta có những nơi hấp dẫn không kém, nếu không nói là độc đáo hơn”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tất cả những kỳ vĩ ấy nhưng tại sao chúng ta vẫn chưa thành công?, Thủ tướng đặt vấn đề và cho rằng: Một trong những nguyên nhân quan trọng là chúng ta chưa hình thành một ngành dịch vụ có khả năng cạnh tranh khu vực và toàn cầu. Và nếu công nghiệp hóa, hiện đại hóa là mục tiêu ở nhiều nơi thì với Quảng Bình, chiến lược trung tâm phải là dịch vụ hóa nền kinh tế, phát huy tối đa mũi nhọn du lịch, song song với gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa và tự nhiên, tạo sự kết nối lan tỏa đến nhiều vùng miền khác của cả nước ta.
Cho rằng nếu hạ tầng và phát triển ví như con gà và quả trứng thì ở một nơi có nhiều “tiên cảnh” như Quảng Bình phải gọi là “con gà đẻ trứng vàng”, ngay tại Hội nghị, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ Giao thông vận tải khẩn trương nghiên cứu về phát triển sân bay Đồng Hới. Đây không chỉ là điều kiện cho sự phát triển của Quảng Bình mà là sự phát triển cho toàn ngành du lịch. “Nếu chúng ta chậm một ngày, thì Quảng Bình và ngành du lịch Việt Nam đang lỡ đi một ngày cơ hội”.
Thủ tướng chia sẻ, không chỉ là “làn gió Đại Phong mới”, Quảng Bình phải biết “góp gió thành bão”, cùng với các địa phương khác để ngành du lịch Việt Nam đi xa hơn, có sức cạnh tranh và hội nhập toàn cầu, thúc đẩy xu hướng du lịch toàn thế giới, hướng về những giá trị chúng ta đang có. “Góp gió thành bão” nghĩa là Quảng Bình cần liên kết cộng hưởng trong phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có ngành du lịch, với Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam. Theo Thủ tướng, bây giờ, chúng ta không thể phát triển nếu vẫn “một mảnh tình riêng, ta với ta” như tâm tư của nữ thi sĩ Bà Huyện Thanh Quan cách đây gần 200 năm khi bước chân qua Đèo Ngang.
Bên cạnh đó, đã là viên kim cương xanh độc nhất vô nhị trên đời, chúng ta cần những bàn tay khéo léo, có nhãn quan, có tư duy, có tầm nhìn và có trách nhiệm. Nếu chỉ là viên kim cương thô thì không ai biết đó là viên kim cương màu xanh vô giá.
Vì vậy, Thủ tướng cho rằng, chính quyền tỉnh Quảng Bình được kỳ vọng vô cùng lớn, có trách nhiệm nặng nề với địa phương, với đất nước và với ngành du lịch. Năng lực quản trị, tầm nhìn cùng với nhãn quan phát triển sẽ tác động sâu sắc tới hình ảnh du lịch Quảng Bình, một hình ảnh đang nổi bật lên là một đại diện ưu tú cho du lịch Việt Nam và cả khu vực ASEAN. Muốn vậy, chính quyền Quảng Bình không chỉ cần làm tốt công tác quản lý Nhà nước mà còn là chính quyền đối thoại, lắng nghe ý kiến của người dân, của doanh nghiệp. Phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn nữa để những người thông minh, người giàu về đầu tư làm ăn, giải quyết hết lao động và đời sống nhân dân tốt hơn. Lãnh đạo tỉnh cần có quy hoạch tổng thể, chuẩn mực hơn.
Chính quyền không được buông lỏng quản lý, thiếu sâu sát thực tiễn; cần cầu thị, lắng nghe ý kiến, không chỉ ở Quảng Bình mà còn cả nước. Cần tiếp thu những đóng góp, đặc biệt trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, đồng thời phải biết mời chọn những người thợ khéo, tức là nhà đầu tư có tài, có tâm, có tầm để “viên kim cương xanh” của du lịch Việt Nam, của Quảng Bình sẽ tỏa sáng lâu dài trên bản đồ du lịch quốc tế. “Hãy giữ lấy đất trời của quê hương ta, giữ lấy những gì mà ta yêu quý”, như lời một bài hát về Quảng Bình mà sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất yêu thích, Thủ tướng nói.