Tiết lộ "CV khủng" của người đại diện 40% vốn Nhà nước tại Vietcombank
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank – mã chứng khoán: VCB) vừa công bố thông tin về việc cử người đại diện phần vốn Nhà nước tại ngân hàng.
Theo đó, Vietcombank cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã cử ông Phạm Quang dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank, làm người đại diện 40% phần vốn Nhà nước và là người đại diện vốn phụ trách chung tại Vietcombank kể từ ngày 17/9.
Trước đó, vào ngày 30/8, Hội đồng quản trị Vietcombank đã chính thức bầu ông Phạm Quang Dũng giữ chức vụ Chủ tịch ngân hàng nhiệm kỳ 2018 - 2023. Đồng thời, giao Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thanh Tùng tạm thời phụ trách Ban Điều hành ngân hàng cho đến khi có nhân sự cho vị trí Tổng giám đốc.
Ông Phạm Quang Dũng, sinh ngày 18/4/1973, có bằng Thạc sỹ tài chính ngân hàng tại Trường đại học Birmingham (Anh Quốc), kinh nghiệm 27 năm công tác trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Ông Dũng bắt đầu sự nghiệp tại Vietcombank từ tháng 8/1994, trải qua nhiều vị trí công tác tại phòng đầu tư và bảo lãnh; phòng quan hệ quốc tế; công ty cho thuê tài chính và giữ nhiều chức vụ quản lý quan trọng tại Vietcombank như: Phó giám đốc Công ty tài chính Việt Nam tại Hồng Kông (Trung Quốc); Trưởng phòng quan hệ ngân hàng đại lý; Phó tổng giám đốc; Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc.
Trước khi được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank, ông Phạm Quang Dũng là Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Vietcombank từ 11/2014.
Xét về cơ cấu cổ đông, hiện tại, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại Vietcombank là 74,8%. Cổ đông chiến lược Mizuho Corporate Bank. Ltd nắm giữ 15% vốn điều lệ. Các cổ đông khác nắm giữ 10,2% vốn điều lệ ngân hàng.
Về kết quả kinh doanh, lũy kế 6 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần của Vietcombank đạt hơn 21.169 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 13.569 tỷ đồng, đều tăng trên 23% so với 6 tháng đầu năm 2020.
Tính đến cuối quý 2/2021, quy mô tài sản của Vietcombank đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, giảm nhẹ gần 2% so với thời điểm đầu năm. Cho vay khách hàng đạt hơn 921.948 tỷ đồng, huy động tiền gửi đạt hơn 1,05 triệu tỷ đồng, lần lượt tăng 9,8% và tăng gần 2%.
Nợ xấu của Vietcombank tại thời điểm cuối quý 2 là hơn 6.864 tỷ đồng, tăng 31% so với thời điểm đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu cũng tăng từ mức 0,62% (đầu năm) lên 0,75%, tuy nhiên so với toàn ngành vẫn là mức thấp.
Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Vietcombank tại thời điểm cuối quý 2 là gần 352%, dù giảm tương đối so với mức 370% hồi cuối năm 2020 nhưng vẫn giữ ngôi vị "quán quân" có tỷ lệ bao phủ nợ xấu lớn nhất.
Mới đây, Thủ tưởng Chính phủ đã ra quyết định phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank. Cụ thể, Vietcombank sẽ được bổ sung hơn 7.657 tỷ đồng theo tờ trình của Ngân hàng Nhà nước để duy trì tỷ lệ sở hữu của Nhà nước. Nguồn vốn bổ sung đến từ cổ tức cho cổ đông nhà nước, thông qua việc Vietcombank phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ phần lợi nhuận sau thuế còn lại của năm 2019 sau trích lập các quỹ, chi trả cổ tức bằng tiền mặt.
Vietcombank là một ngân hàng có truyền thống lâu đời, uy tín bậc nhất trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Trong suốt thời gian hình thành và phát triển,Vietcombank ngày càng khẳng định vững chắc vị thế ngân hàng số 1 tại Việt Nam về chất lượng, an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững.
Giá trị vốn hóa thị trường của Vietcombank luôn nằm trong nhóm đầu các doanh nghiệp niêm yết (hiện khoảng 16,5 tỷ USD). Vietcombank luôn đứng đầu ngành ngân hàng về nộp ngân sách Nhà nước, là ngân hàng chuyển đổi số tiêu biểu trong năm 2020, được ghi danh trong danh sách 30 tập đoàn tài chính mạnh nhất Châu Á – Thái Bình Dương và là ngân hàng Việt Nam duy nhất có mặt trong danh sách 1.000 công ty niêm yết lớn nhất toàn cầu.