Tiết lộ nguyên nhân vụ rơi máy bay Indonesia: Van tiết lưu tự động bị trục trặc?
Hãng tin Bloomberg dẫn lời một nguồn tin giấu tên đưa tin một trong hai động cơ của chiếc Boeing 737-500 đã tạo ra nhiều lực đẩy hơn động cơ còn lại ngay trước khi chiếc máy bay chở 62 người lao xuống biển Java.
Bloomberg thông tin thêm, thiết bị này cũng đã gặp sự cố trong các chuyến bay trước đó.
Các vấn đề liên quan đến van tiết lưu tự động trên chiếc Boeing 737 đã từng gây ra các sự cố trước đây. Sự cố tương tự này trên một mẫu máy bay khác cũng là nguyên nhân của một vụ tai nạn chết người ở Romania năm 1995.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đứng bên mảnh vỡ máy bay gặp nạn của hãng hàng không Sriwijaya Air trong chuyến thị sát hiện trường ngày 20/1. Ảnh: EPA-EFE
Ông Nurcahyo Utomo, trưởng nhóm điều tra tại Ủy ban An toàn Giao thông Vận tải Quốc gia Indonesia (NTSC), xác nhận rằng họ đang xem xét điều tra sự cố liên quan đến van tiết lưu.
"Van tiết lưu gặp trục trặc là một trong những yếu tố mà chúng tôi đang xem xét... Nhưng tại thời điểm này, tôi không thể khẳng định rằng đó là một yếu tố gây ra vụ tai nạn hay vụ tai nạn có liên quan đến vấn đề này”, ông nói.
Hiện tại, nhóm của ông Utomo vẫn đang làm việc với các kỹ sư của Boeing để điều tra dữ liệu từ hộp đen đã tìm thấy dưới biển vào tuần trước. Lực lượng cứu hộ vẫn đang cố gắng xác định vị trí mô-đun bộ nhớ của bộ ghi âm buồng lái của máy bay đã bị vỡ khi va chạm.
Theo các chuyên gia, lực đẩy không đều từ các động cơ có thể khiến máy bay đổi hướng hoặc thậm chí bị nghiêng và hạ cánh đột ngột, nếu không được xử lý đúng cách.
Chuyến bay mang số hiệu SJ182 của Hãng hàng không Sriwijaya đã đột ngột lao xuống độ cao hơn 3000 km trong khoảng 15 giây, chỉ vài phút sau khi cất cánh trong cơn mưa lớn từ Jakarta, theo ứng dụng theo dõi các chuyến bay FlightRadar24. Tất cả các thành viên trên chuyến bay đều thiệt mạng.
Mẫu máy bay 737-500 của Boeing hoạt động lần đầu tiên vào năm 1989. Theo trang web Planespotters.net, chiếc máy bay gặp nạn đã được đưa vào hoạt động từ tháng 5/1994. Chiếc máy bay phản lực thuộc mẫu cũ hơn dòng Boeing 737 MAX đã từng gây ra hai vụ tai nạn chết người khác, bao gồm các vụ ngoài khơi Indonesia, vào năm 2018 và 2019, các vụ tai nạn này đã gây chấn động toàn cầu.
Hiện NTSC chưa đưa ra bất kỳ chi tiết nào về nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn. Hôm 19/1, ủy ban cho biết họ đang có kế hoạch công bố những phát hiện sơ bộ trong vòng 30 ngày sau thảm kịch. Theo thông tin ban đầu, cả hai động cơ dường như vẫn hoạt động trước khi máy bay chạm nước, theo NTSC.
Tìm kiếm thi thể người gặp nạn sau vụ máy bay của Indonesia rơi xuống biển. Ảnh: CNN
Tờ Tempo của Indonesia đưa tin trong những ngày gần đây hệ thống điều hòa tự động của máy bay cũng đã bị trục trặc liên tục trước khi vụ tai nạn xảy ra.
Những chiếc máy bay phản lực hai động cơ như Boeing 737 được thiết kế để bay dựa trên một động cơ duy nhất trong trường hợp khẩn cấp, do đó, lỗi van tiết lưu tự động tạo ra lực đẩy không cân bằng sẽ không đủ để máy bay tự hạ cánh.
Tuy nhiên, trường hợp lực đẩy không đều nghiêm trọng có thể gây ra nhiều vấn đề với khả năng điều khiển máy bay. Nếu máy bay ở trong mây hoặc phi công không theo dõi chặt chẽ tình trạng của máy bay, phi cơ có thể mất kiểm soát nghiêm trọng trước khi phi hành đoàn phản ứng.
Giống như một máy lái tự động, van tiết lưu tự động trên máy bay Boeing 737-500 có thể được các phi công sử dụng để thiết lập tốc độ tự động, do đó giúp giảm khối lượng công việc của họ và hao mòn động cơ.
Năm 2001, Cục Hàng không Liên bang Mỹ đã yêu cầu các nhà khai thác dòng máy bay phản lực Boeing 737-500 thay thế thiết bị van tiết lưu tự động sau khi có báo cáo về lực đẩy không đều. Mặc dù không có dấu hiệu cho thấy vấn đề này xảy ra trong vụ tai nạn gần đây, nhưng điều này có thể tạo ra nguy cơ mất an toàn.
Theo các nhà điều tra Romania, lực đẩy không đều trên chiếc Airbus A310 và phản ứng không kịp thời của phi công, đã khiến chuyến bay của hãng hàng không Tarom gặp nạn gần Bucharest vào năm 1995.
Theo TTXVN/Báo Tin tức