Tìm chiến lược đầu tư trong bối cảnh rủi ro của thị trường chứng khoán Việt Nam
Giá trị giao dịch liên tục đi xuống
Kết thúc tuần giao dịch từ 27/6 - 1/7, VN-Index tăng 13,42 điểm lên 1.198,9 điểm, HNX-Index tăng 2,95 điểm lên 278,88 điểm.
Tuy nhiên, giá trị giao dịch trên HOSE giảm 5,4% so với tuần trước đó với 61.226 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 4,7% xuống 2.562 triệu cổ phiếu.
Giá trị giao dịch trên HNX giảm 44,9% so với tuần trước đó với 7.115 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 33,4% xuống 335 triệu cổ phiếu.
Thực tế, giá trị giao dịch là thức đo dòng tiền vào, ra thị trường . Thị trường muốn đi lên mạnh mẽ rất cần sự hỗ trợ của dòng tiền lớn.
Tuy nhiên trước đó, theo báo cáo của Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE), thanh khoản thị trường cổ phiếu tháng 6 ghi nhận giá trị và khối lượng giao dịch bình quân phiên lần lượt đạt trên 14.529 tỷ đồng và 547,70 triệu cổ phiếu, tương ứng giảm 2,8% về giá trị và tăng 1,38% về khối lượng bình quân so với tháng trước đó.
Tính trong quý II/2022, giá trị giao dịch cổ phiếu bình quân đạt hơn 17.113 tỷ đồng với khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 589,15 triệu cổ phiếu, tương ứng giảm 20,02% về giá trị và 18,33% về khối lượng bình quân so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, xu hướng thanh khoản giảm sút đã diễn ra trong thời gian khá dài, chứ không chỉ riêng mỗi tuần qua.
Về giao dịch khối ngoại, tuần qua khối này mua ròng 103 tỷ đồng. CTG, VND và MSN là 3 cổ phiếu được mua ròng lớn nhất với giá trị lần lượt là 234 tỷ đồng, 164 tỷ đồng và 146 tỷ đồng. Chiều bán ròng, khối này bán mạnh nhất mã NVL với giá trị 191 tỷ đồng.
Về giao dịch khối tự doanh, hoạt động mua ròng cổ phiếu tuần này diễn ra trên cả hai sàn và thị trường UPCOM, với tổng giá trị 566,8 tỷ đồng, cao hơn ngưỡng 440,7 tỷ đồng của tuần trước đó (20 - 24/6). Tổng giá trị mua ròng cổ phiếu của khối tự doanh trong hai tuần qua vượt 1.000 tỷ đồng.
Như vậy, về xu hướng dòng tiền, lực cầu từ khối ngoại và bộ phận tự doanh tuần qua đã góp phần nâng đỡ thị trường. Với diễn biến trong tuần qua thì các nhóm ngành trên thị trường có sự phân hóa tương đối mạnh.
Nhóm cổ phiếu trụ cột thị trường là ngân hàng tăng mạnh nhất với 3,3% giá trị vốn hóa, hỗ trợ thị trường vượt qua những thời điểm khó khăn. Có thể kể đến các mã như BID tăng 12,3, CTG tăng 8,9%, VPB tăng 3,4%, MBB tăng 2,1, TCB tăng 1,4%, ACB tăng 1,1%...
Tiếp theo là nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin với mức tăng 2,7% giá trị vốn hóa, nhờ đà tăng của các cổ phiếu trụ cột trong ngành như FPT tăng 2,9%, CMG tăng 6,9%...
Cổ phiếu hàng tiêu dùng tăng nhẹ 1,2% giá trị vốn hóa, chủ yếu nhờ sự tích cực của trụ cột trong ngành là VNM tăng 3,1%. Nhóm công nghiệp tăng 1,2% giá trị vốn hóa, dược phẩm và y tế tăng 0,6%.
Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu giảm mạnh nhất với 1,1% giá trị vốn hóa, có thể kể đến các mã hóa chất như DCM giảm 12,5%, DGC giảm 8,6%, DPM giảm 6,3%, CSV giảm 4,8%... Ngành dịch vụ tiêu dùng giảm 0,5% giá trị vốn hóa, tiện ích cộng đồng và nhóm dầu khí đều giảm 0,2 giá trị vốn hóa.
Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) nhận định, sau ba tuần điều chỉnh liên tiếp để kiểm tra lại vùng đáy cũ quanh ngưỡng 1.160 điểm trong tháng 5, thị trường đã có hồi phục trở lại trong giai đoạn cuối của tháng 6 sau ba phiên liên tiếp (từ 21-23/6) kiểm tra thành công hỗ trợ 1.160 điểm để hồi phục trở lại.
Tuy nhiên, với phiên giảm mạnh vào ngày 30/6 cho thấy tâm lý thị trường vẫn còn khá yếu, thiếu sự ổn định cho một sự hồi phục dài hơi của thị trường. Với phiên hồi nhẹ về cuối tuần, nhưng với thanh khoản vẫn ở mức thấp thì khả năng thị trường quay trở lại đà giảm trong tuần tới là vẫn có thể xảy ra.
Với góc nhìn dài hạn hơn, thị trường kỳ vọng sẽ có xu hướng tích lũy chặt chẽ dần, ở vùng giá hiện tại mặt bằng giá cổ phiếu vẫn đang ở mức hấp dẫn bởi định giá P/E (Hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) đang thấp trong bối cảnh đà hồi phục của nền kinh tế sau đại dịnh vẫn được duy trì, tốc độ tăng trưởng GDP quý II/2022 tăng 7,72% cao nhất trong thập kỷ qua, nhiều doanh nghiệp niêm yết được dự báo tiếp tục đà tăng trưởng lợi nhuận trong quý này.
Các nhà đầu tư giá trị nắm giữ cổ phiếu trong dài hạn có thể giải ngân ở các phiên điều chỉnh mạnh như phiên 30/6 vừa qua. Cùng đó, với quan điểm thị trường đang hình thành vùng tích lũy, các nhà đầu tư dài hạn nên cân nhắc giải ngân từng phần bởi quá trình tích lũy sẽ có thể kéo dài. Tránh giải ngân theo phong cách tất cả tiền đang có để tránh bị tâm lý căng thẳng trong giai đoạn hiện tại.
Với góc nhìn ngắn hạn, VN-Index có thể test lại đáy 1.160 điểm trong thời gian tới. Do đó nhà đầu tư nên thận trọng và kiên nhẫn chờ đợi cơ hội giải ngân mới.
Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, dòng tiền nhìn chung vẫn còn thận trọng, thể hiện qua thanh khoản khá thấp, đồng thời tín hiệu suy yếu tại vùng cản 1.200 - 1.220 điểm vẫn đang gây sức ép khá lớn cho thị trường. Dự kiến thị trường sẽ tiếp tục gặp khó khăn tại vùng cản này.
“Do đó, nhà đầu tư cần đánh giá lại cán cân cung cầu, tạm thời vẫn nên hạn chế mở mua trên diện rộng và cần hành động theo hướng phòng thủ trước rủi ro từ vùng cản”, VDSC khuyến nghị.
Công ty TNHH Một thành Viên Ngân hàng Đông Á (DAS) nhìn nhận, xu hướng trung hạn của thị trường vẫn trong trạng thái giằng co chưa xác nhận xu hướng tăng rõ nét.
Về giao dịch ngắn hạn, áp lực bán ra có thể còn tiếp tục trong những phiên đầu tháng, tuy nhiên lực cầu hiện vẫn hấp thụ tốt nên nhà đầu tư vẫn lạc quan về thị trường.
Xét yếu tố vĩ mô trung hạn, triển vọng kinh tế 2022 Việt Nam tiếp tục tăng trưởng và dự báo lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết tiếp tục khả quan, định giá đang hấp dẫn cho nhà đầu tư trung dài hạn.
Chứng khoán Mỹ “lội ngược dòng”
Diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam khá tương đồng với thị trường thế giới. Đơn cử, trong phiên cuối tuần qua, cũng là phiên giao dịch đầu tháng Bảy, chứng khoán Mỹ đảo chiều tăng điểm thành công, khi số liệu đáng thất vọng về hoạt động chế tạo đã củng cố những lo ngại rằng sự thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể khiến nền kinh tế giảm tốc mạnh.
Khép lại phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1% lên 31.097,26 điểm, chỉ số tổng hợp S&P 500 ghi thêm 39,95 điểm lên 3.825,33 điểm. Còn chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 99,11 điểm lên 11.127,85 điểm.
Trước đó trong phiên này, chứng khoán Mỹ đã có lúc giảm điểm sau khi chỉ số về hoạt động chế tạo của Viện quản lý nguồn cung (ISM) giảm trong tháng Sáu xuống mức thấp nhất hai năm qua là 53%, thấp hơn dự đoán 54,3% mà các chuyên gia đưa ra trong cuộc khảo sát của tờ The Wall Street Journal.
Tuy nhiên, ông Andrew Hunter, chuyên gia kinh tế cấp cao của công ty nghiên cứu kinh tế Capital Economics (Vương quốc Anh) cho biết, dù số liệu từ ISM củng cố những lo ngại rằng quá trình thắt chặt chính sách mạnh mẽ của FED sẽ khiến kinh tế giảm tốc, nhưng kết quả khảo sát này cũng có những điểm sáng cho thấy lạm phát sẽ hạ nhiệt nhanh hơn dự đoán.
Trước đó trong tuần, hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq đã trải qua bốn phiên giảm điểm liên tiếp, trong khi chỉ số Dow Jones ghi nhận sắc đỏ trong 3/4 phiên, trong bối cảnh thị trường bị đè nặng bởi những lo ngại về lạm phát, sự suy giảm lòng tin tiêu dùng và chính sách tiền tệ thắt chặt.
Số liệu kinh tế được công bố gần đây tiếp tục “đổ thêm dầu vào lửa”, khi thu nhập khả dụng giảm, chi tiêu tiêu dùng yếu hơn, trong khi lạm phát vẫn “nóng” và số đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng lên.
Các nhà kinh tế ngày càng bi quan về khả năng các nhà hoạch định chính sách của Mỹ tạo sự "hạ cánh mềm" của nền kinh tế khi các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ do lạm phát gia tăng.
Ông Paul Kim, Giám đốc điều hành công ty đầu tư Simplify ETFs ở New York (Mỹ), nhận định có lẽ nền kinh tế đang bước vào suy thoái và vấn đề quan trọng giờ đây là mức độ suy thoái đến đâu. Chuyên gia này cho rằng khả năng cao kinh tế Mỹ sẽ không thể “hạ cánh mềm”.
Các số liệu gần đây cho thấy dù lạm phát dường như đã đạt đỉnh trong tháng Ba, nhưng vẫn đang vượt xa mức mục tiêu 2% mà FED đặt ra. Những lo ngại về lạm phát đang đè nặng lên nhu cầu tiêu dùng và đe dọa lợi nhuận doanh nghiệp.
Tính chung cả tuần này, chỉ số Dow Jones giảm 1,3%, chỉ số S&P 500 giảm 2,2%, còn chỉ số Nasdaq để mất đến 4,1%, theo số liệu của FactSet.
Cả ba chỉ số chính trên Phố Wall đều giảm điểm trong quý II/2022; trong đó, chỉ số S&P 500 có mức giảm phần trăm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính. Tháng Sáu cũng khép lại nửa đầu năm với mức giảm phần trăm cao nhất của chỉ số này (20,6%) kể từ năm 1970.
Chỉ số Nasdaq cũng ghi nhận mức giảm phần trăm lớn nhất từ trước đến nay trong giai đoạn từ tháng 1- 6/2022, trong khi đây là nửa đầu năm tồi tệ nhất với chỉ số Dow Jones kể từ năm 1962.
Ngoài ra, đây là quý thứ hai liên tiếp cả ba chỉ số trên giảm điểm. Lần gần đây nhất xảy ra điều này là năm 2015 với hai chỉ số S&P 500 và Dow Jones, và năm 2016 với chỉ số Nasdaq.