Chứng khoán châu Âu trải qua quý tồi tệ nhất kể từ đầu năm 2020

Minh Trang 07:40 | 01/07/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngay cả khi phiên giao dịch ngày 30/6 chưa khép lại, nhưng chứng khoán châu Âu được coi là đã chứng kiến quý tồi tệ nhất kể từ “cú đạp” gây ra bởi đại dịch COVID-19 vào đầu năm 2020, khi các nhà đầu tư ngày càng cảnh giác với nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu sau các động thái chính sách thắt chặt ngân hàng trung ương nhằm nhanh chóng kiềm chế lạm phát.

 

Chỉ số STOXX 600 của châu Âu đã giảm 1,3% trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng Sáu, thiết lập mức giảm của quý II/2022 là hơn 10%. Chỉ số CAC 40 của Pháp mở cửa giảm 1,8% khi số liệu sơ bộ chính thức cho thấy lạm phát tháng Sáu của nước này tiếp tục tăng so với tháng trước, lên mức kỷ lục 6,5%.

Azad Zangana, nhà kinh tế và chiến lược gia cấp cao tại công ty quản lý tài sản đa quốc gia Schroders chi nhánh châu Âu, cho biết: “Những gì mọi người đang nhận thấy vào thời điểm này là ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy lạm phát đang ở mức nghiêm trọng và các nhà đầu tư đang phải đánh giá lại mức định giá mà họ đang đặt trên từng mã cổ phiếu. Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ phải tăng cường nỗ lực để kiềm chế lạm phát trong vài năm tới”.

Chỉ số STOXX 600 giảm phiên thứ hai liên tiếp vào ngày 30/6, sau khi các nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương toàn cầu cho biết việc giảm lạm phát cao trên toàn thế giới sẽ gây khó khăn và thậm chí có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Mọi con mắt hiện đang đổ dồn vào ước tính đầu tiên về lạm phát tháng Sáu của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), dự kiến sẽ được công bố vào ngày 1/7. Đây là yếu tố sẽ được ECB xem xét kỹ lưỡng trước cuộc họp chính sách ngày 21/7 tới, thời điểm mà ngân hàng này đã cam kết sẽ tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2011.

Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số STOXX 600 đã giảm hơn 16%, do những lo ngại từ việc lạm phát tăng vọt cho đến đà giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc và cuộc xung đột Nga – Ukraine, qua đó làm giảm sức hấp dẫn của các tài sản rủi ro.

Tất cả các chỉ số chứng khoán của châu Âu đều chìm trong sắc đỏ vào phiên 30/6, trong đó nhóm cổ phiếu công nghệ và ô tô giảm lần lượt 2,1% và 2,3%.

Trên Phố Wall, các chỉ số chính cũng đồng loạt mất điểm, sau khi Bộ Thương mại Mỹ công bố báo cáo cho hay chi tiêu tiêu dùng của nước này chỉ tăng 0,2% trong tháng Năm vừa qua, chưa bằng một nửa so với mức tăng trong tháng Tư. Điều này khiến chỉ số S&P 500 kết thúc nửa đầu năm tồi tệ nhất kể từ năm 1970. Báo cáo của Bộ Thương mại cũng cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 5/2022 tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương mức tăng của tháng trước - một dấu hiệu tích cực trong cuộc chiến chống lạm phát của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED).

Khoảng 15 phút sau khi mở cửa phiên giao dịch, S&P 500 đã giảm 1,7% xuống 3.753,55 điểm. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1,6% xuống 30.519,79 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 2,2% xuống 10.936,67 điểm.

Giám đốc đầu tư của AJ Bell, Russ Mold cho biết: "Thị trường thực sự thiếu vắng những thông tin tốt để các nhà đầu tư dựa vào và triển vọng ngắn hạn có vẻ ảm đạm".

Mối đe dọa về lạm phát liên tục leo thang và những đợt tăng lãi suất “đau đớn” đã khiến các nhà đầu tư lo lắng về nguy cơ của một cuộc suy thoái kinh tế kéo dài, trong khi cuộc khủng hoảng Ukraine tiếp tục “gieo rắc” bất ổn.

Mihir Kapadia, người đứng đầu công ty đầu tư Sun Global Investments, cho biết: “Suy thoái tiếp tục là mối quan tâm hàng đầu vào lúc này, khi các quốc gia tiếp tục vật lộn với nó và khiến cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt trầm trọng hơn”.

Sự gia tăng lạm phát lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ đã buộc các ngân hàng trung ương phải nhanh chóng tăng lãi suất, “giáng” một đòn mạnh vào các cổ phiếu khi các công ty phải đối mặt với chi phí đi vay cao hơn.

FED dự kiến vào tháng tới sẽ tiếp tục đợt tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm. Ngân hàng trung ương Thụy Điển hôm 30/6 đã công bố đợt tăng lãi suất lớn nhất trong 22 năm, nâng lãi suất chủ chốt thêm 50 điểm cơ bản, lên 0,75%.

Đã từng có hy vọng rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ giãn bớt các đợt tăng lãi suất khi các nền kinh tế có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, nhưng các nhà phân tích cho rằng nhiều nhà lãnh đạo không lo ngại về suy thoái bằng việc để giá cả vượt khỏi tầm kiểm soát.