Tim Cook đã đúng đắn khi không vận chuyển iPhone bằng tàu biển?
Là một chuyên gia về chuỗi cung ứng, Tim Cook đã thay đổi rất nhiều quy trình của Apple, trong đó có cả cách đưa iPhone tới tay khách hàng.
Trước khi đến với Apple, Tim Cook đã là quản lý cấp cao phụ trách về dây chuyền sản xuất tại tập đoàn IBM. Khi về Apple năm 1998, ông đã hoàn toàn thay đổi cách công ty này tiếp cận chuỗi cung ứng. Chuỗi cung gọn nhẹ, tập trung và hiệu quả hơn đã giúp Apple tiết kiệm rất nhiều chi phí và tối đa lợi nhuận.
Một trong những sản phẩm thể hiện rõ sự hiệu quả này là iPhone. Mỗi mùa ra mắt iPhone mới hay đợt mua sắm cuối năm, chuỗi cung ứng của Apple lại vận hành hết tốc lực để đảm bảo hàng triệu chiếc iPhone có thể lên máy bay và đến được tay khách hàng kịp thời.
Apple mất bao nhiêu để iPhone “đi” máy bay?
Mỗi năm, có cả trăm triệu chiếc iPhone rời các nhà máy ở Trung Quốc, Ấn Độ để mang tới những thị trường như Bắc Mỹ hay châu Âu. Điều đáng chú ý là iPhone hay toàn bộ sản phẩm của Apple đều được vận chuyển bằng máy bay, chứ không bao giờ đi tàu qua biển.
Trong bài viết năm 2013, Guardian tiết lộ Apple là khách hàng vận tải lớn nhất của hãng hàng không Cathay Pacific. Lý do của sự lựa chọn này là sự tiết kiệm, đặc biệt là về thời gian.
Apple là khách hàng lớn nhất của hãng Cathay Pacific trong mảng vận chuyển hàng hoá. Ảnh: Guardian
Theo ước tính của Guardian, mỗi kiện iPhone nếu chuyển bằng máy bay từ Trung Quốc sang Mỹ sẽ mất 15 giờ. Đơn hàng đó nếu chuyển bằng tàu biển sẽ mất khoảng 30 ngày.
Khi con số chênh lệch quá nhiều như vậy, chi phí vận chuyển không còn là nỗi lo chính. Theo tính toán của FlexPort, mỗi container có thể chứa khoảng 44.000 chiếc iPhone. Chi phí từ đóng container, vận chuyển trong kho tới cửa máy bay vào khoảng 3.000 USD cho mỗi container, tương đương 0,07 USD/iPhone.
Trong khi đó, ông Satish Jindel, chuyên gia về chuỗi cung ứng tại SJ Consulting Group cho biết sản phẩm Apple thường đi máy bay Boeing 777 do FedEx vận hành tới Mỹ. Mỗi chuyến bay có thể mang khoảng 450.000 chiếc iPhone, với chi phí 242.000 USD.
Chi phí vận chuyển bằng máy bay thường gấp 5 lần tàu biển. Tuy nhiên, vào những mùa cao điểm như cuối năm, con số này có thể lên tới 10 lần. Như vậy, với mỗi chiếc iPhone Apple sẽ phải trả thêm từ 0,3-0,65 USD để hàng đi bằng máy bay thay vì tàu.
Mỗi mùa cao điểm, Apple có thể vận chuyển tới 30 triệu chiếc iPhone từ Trung Quốc sang Mỹ. Như vậy, chi phí cho toàn bộ lượng iPhone đi máy bay lên tới 9-20 triệu USD.
Sự cố tương tự Ever Given sẽ là thảm hoạ với các công ty chuyển hàng qua đường biển, nhất là với sản phẩm đắt tiền như đồ Apple. Ảnh: EPA
Chi phí thời gian của Apple
Tuy nhiên, con số đó vẫn là quá nhỏ với Apple. Mỗi chiếc iPhone có giá bán hàng trăm tới hơn 1.000 USD, nên khoảng 0,7 USD tiền chênh lệch vận chuyển không phải con số lớn.
Bên cạnh đó, từ đợt mở bán iPhone 12, Apple đã cắt giảm kích thước hộp giấy tới 50%. Từ đó, số lượng iPhone vận chuyển trên mỗi chuyến bay tăng gần gấp đôi, giúp Apple tiết kiệm hàng chục triệu USD tiền vận chuyển mỗi năm.
Thời gian vận chuyển cũng là một thứ chi phí mà hãng này phải tính đến. Lượng lớn iPhone nằm trên biển trong 30 ngày cũng đồng nghĩa 30 ngày Apple bị “giam” vốn, không thể bán sản phẩm tới tay khách hàng.
Trong bài viết trên trang Forbes, cây viết kinh tế Tim Worstall cho rằng chi phí để vận chuyển bằng tàu sẽ tốn từ 2,25-4,5 USD cho mỗi chiếc iPhone, tức là nhiều hơn cả phí đi máy bay. Đó là chưa kể những rủi ro khi đi đường biển như gặp cướp biển, hoặc sự cố ở một kênh đào như vụ việc con tàu Ever Given vừa qua.
Một lãnh đạo chú trọng vào hiệu quả của chuỗi vận hành như Tim Cook chắc chắn không thể chấp nhận chờ đợi cả tháng mới bán được hàng.
Apple đã vận chuyển hàng bằng máy bay từ đầu thập niên 2000. Bài viết của Bloomberg tiết lộ hãng này từng thuê máy bay cũ của Nga để vận chuyển iPod cho kịp trước khi sản phẩm này mở bán.
Tất nhiên, không phải sản phẩm nào cũng phù hợp để chuyển bằng máy bay như iPhone. Những thiết bị Apple nhìn chung đều có giá cao, gọn nhẹ nên dễ dàng đi đường hàng không. Với các loại máy móc to, nặng thì vận chuyển đường biển sẽ hợp lý hơn.
“Nếu bạn chuyển một chiếc máy in có giá 100 USD và rất to thì không thể đi đường không, bởi như thế là không hợp lý về mặt kinh tế”, Mike Fawkes, cựu quản lý cấp cao về chuỗi cung ứng tại HP nhận xét.
Trong bài viết cho Businessweek, chuyên gia logistic John Martin khẳng định Apple được các hãng hàng không ưu tiên vì là thương hiệu tiên phong trong lĩnh vực chuyển hàng bằng máy bay.
Apple bắt đầu đổi mới việc quản lý chuỗi cung ứng khi Steve Jobs quay lại công ty vào năm 1997. Khi đó, phần lớn hãng máy tính vẫn chuyển hàng bằng đường biển, lựa chọn giá rẻ hơn hẳn so với hàng không.
Một cơ trưởng chụp ảnh với kiện hàng iPhone 6, 6 Plus vận chuyển từ Trung Quốc tới Mỹ. Ảnh: MacRumors
Ông Martin cho biết CEO Steve Jobs đã bỏ 50 triệu USD để đặt trước chỗ trên các chuyến bay vận chuyển vào dịp cuối năm 1997, nhằm đảm bảo mẫu iMacs xanh trong suốt mới ra đời sẽ đến khách hàng kịp thời điểm.
“Nếu bạn chuyển một chiếc máy in có giá 100 USD và rất to thì không thể đi đường không, bởi như thế là không hợp lý về mặt kinh tế”, Mike Fawkes, cựu quản lý cấp cao về chuỗi cung ứng tại HP nhận xét.
Nước đi này đã khiến nhiều đối thủ của công ty ở thời điểm đó như Compaq gặp khó khi không thể tìm chuyến bay chuyển hàng. Vào năm 2001, khi Apple ra mắt iPod, công ty này nhận ra việc chuyển hàng bằng máy bay sẽ tiết kiệm chi phí hơn so với đường biển.
Chính ông Fawkes, quản lý chuỗi cung ứng của HP khi đó cũng phải ngạc nhiên khi nhân viên của ông đặt hàng, có thể theo dõi toàn bộ đường đi của sản phẩm và nhận máy chỉ sau vài ngày.
“Mọi người thường gắn thành công của Apple với sản phẩm của họ. Mặc dù tôi cũng đồng ý với quan điểm đó, thì khả năng vận hành, mở rộng quy mô và mang sản phẩm tới thị trường một cách cực kỳ hiệu quả mới là thứ khiến cho họ có lợi thế cạnh tranh”, ông Fawkes nhận định.
Theo Zing News