Tìm hiểu Hệ thống luật pháp Chính quyền Liên bang Hoa Kỳ
Chính quyền liên bang Hoa Kỳ (tiếng Anh: Federal Government of the United States) là chính quyền trung ương của Hoa Kỳ, gồm 3 nhánh độc lập là lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Hệ thống Luật pháp của Hoa Kỳ được thiết lập bởi các Đạo luật của Quốc hội và những quy định hành chính, những án lệ tư pháp và các quy định. Chính quyền liên bang được thiết lập dựa theo Hiến pháp Hoa Kỳ, dựa trên nguyên tắc tam quyền phân lập: các nhánh lập pháp, hành pháp, tư pháp hoạt động đọc lập, có thẩm quyền để hành xử các sự vụ trong những lĩnh vực riêng - có thể gây ảnh hưởng tới các nhánh còn lại, đồng thời cũng sẽ bị chi phối về một số thẩm quyền bởi 2 nhánh còn lại.
Hạ viện (viện dân biểu tại Hoa Kỳ)
Hệ thống Lập pháp Hoa Kỳ
Quốc hội Hoa Kỳ là nhánh lập pháp của Chính quyền liên bang Hoa Kỳ, Theo chế độ lưỡng viện, Quốc hội gồm có Hạ viện (viện dân biểu) và Thượng viện (Viện nghị sĩ).
Hạ viện có 435 thành viên bỏ phiếu, số thành viên mỗi bang phụ thuộc vào dân số của bang đó. Mỗi bang có tối thiểu 1 hạ nghị sĩ. Mỗi hạ nghị sĩ có nhiệm kỳ 2 năm. Một người muốn trở thành hạ nghị sĩ thì phải từ 25 tuổi trở lên, phải là công dân Hoa Kỳ ít nhất 7 năm, và phải là cư dân tại bang mà người đó đại diện. Không có giới hạn số nhiệm kì cho mỗi hạ nghị sĩ. Ngoài 435 thành viên bỏ phiếu còn có 6 thành viên không bỏ phiếu, bao gồm 5 đại biểu (delegate) từWashington, D.C, Guam, Quần đảo Virgin, Samoa thuộc Mỹ, Quần đảo Bắc Mariana, và 1 ủy viên cư dân (resident commissioner) từ Puerto Rico.
Thượng viện có tổng cộng 100 thượng nghị sĩ, mỗi bang có 2 thượng nghị sĩ. Mỗi thượng nghị sĩ phục vụ trong nhiệm kỳ 6 năm. Cứ mỗi 2 năm thì Thượng viện được bầu lại. Một người muốn được bầu làm thượng nghị sĩ thì phải ít nhất 30 tuổi, phải là công dân Hoa Kỳ ít nhất 9 năm, phải là cư dân tại bang mà họ đại diện trong thời gian bầu cử.
Thành viên Hạ viện và Thượng viện được tuyển chọn theo thể thức một hạt bầu cử chọn một người là người có số phiếu cao nhất (first-past-the-post voting), ngoại trừ hai tiểu bang Louisiana và Washington theo thể thức bầu cử hai vòng (runoffs) – vòng đầu chọn hai người có số phiếu cao nhất để vào tiếp vòng sau.
Hệ thống Hành pháp Hoa Kỳ
Nhánh Hành pháp gồm có Tổng thống Hoa Kỳ và các viên chức được tổng thống ủy nhiệm để cấu thành Nội các Hoa Kỳ (chính phủ của Tổng thống Hoa Kỳ). Tổng thống là nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ và là tổng tư lệnh quân lực, cũng là nhà ngoại giao trưởng. Theo Hiến pháp, tổng thống có trách nhiệm đôn đốc việc tuân thủ luật pháp. Để thực thi chức trách này, tổng thống điều hành ngành hành pháp của Chính phủ liên bang, một guồng máy khổng lồ với khoảng 4 triệu nhân viên, kể cả 1 triệu binh sĩ đang phục vụ trong quân đội. Tổng thống còn có quyền lực đáng kể trong các lĩnh vực tư pháp và lập pháp. Bên trong nhánh hành pháp, tổng thống được Hiến pháp dành cho nhiều quyền lực để điều hành công việc quốc gia cũng như bộ máy chính quyền liên bang, cũng có quyền ban hành sắc lệnh về các sự vụ quốc nội.
Tổng thống có quyền phủ quyết các đạo luật đã được Quốc hội thông qua. Tổng thống có thể bị luận tội bởi đa số dân biểu ở Hạ viện và bị phế truất chức vụ bởi đa số hai phần ba tại Thượng viện vì những cáo buộc như "phản quốc, hối lộ hoặc những trọng tội và hành vi bất chính khác". Tổng thống không thể giải tán quốc hội hoặc tổ chức các cuộc bầu cử đặc biệt, nhưng có quyền ân xá những người bị buộc tội theo luật liên bang, ban hành sắc lệnh hành pháp và bổ nhiệm (với sự chuẩn thuận của Thượng viện) thẩm phán Tối cao Pháp viện và thẩm phán liên bang.
Phó Tổng thống là viên chức hành pháp đứng hàng thứ nhì trong chính quyền, là nhân vật đầu tiên theo thứ tự kế nhiệm tổng thống. Theo đó, Phó Tổng thống sẽ đảm nhiệm chức vụ tổng thống trong trường hợp tổng thống qua đời, hoặc từ nhiệm, hoặc bị bãi nhiệm, hoặc khả năng điều hành bị cản trở. Cho đến nay đã có chín trường hợp phó tổng thống thay thế tổng thống theo thể thức kế nhiệm. Chức trách hiến định của phó tổng thống là phục vụ trong cương vị Chủ tịch Thượng viện và có quyền biểu quyết nhằm phá thế bế tắc khi mà số phiếu của các thượng nghị sĩ rơi vào vị trí cân bằng, nhưng theo dòng thời gian phó tổng thống dần trở thành cố vấn chính cho tổng thống.
Tất cả quyền lực hành pháp trong Chính quyền liên bang đều được ủy nhiệm cho tổng thống, như vậy các viên chức chính phủ phải chịu trách nhiệm trước tổng thống. Tổng thống và phó tổng thống được tuyển chọn theo thể thức liên danh bởi Hệ thống Đại Cử tri Đoàn đại diện cho các tiểu bang và Đặc khu Columbia, có số thành viên ngang bằng số ghế ở Thượng viện và Hạ viện cộng thêm các đại biểu của Washington, D. C.. Hiện nay, số thành viên của cử tri đoàn là 538 theo công thức 100 + 435 + 3. Như vậy, muốn chiếm được ghế tổng thống, một liên danh phải giành được 270 phiếu của cử tri đoàn.
Hệ thống Tư pháp Hoa Kỳ
Thiết chế đứng đầu nhánh tư pháp là Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, gồm có chín thẩm phán. Toà tối cao xét xử các sự vụ liên quan đến Chính phủ liên bang và những vụ tranh tụng giữa các tiểu bang, có quyền giải thích Hiến pháp và tuyên bố các hoạt động lập pháp và hành pháp ở mọi cấp chính quyền là vi hiến, cũng như có quyền vô hiệu hoá các luật lệ và tạo tiền lệ cho luật pháp và các phán quyết sau này. Dưới Toà án Tối cao là các Toà Kháng án, dưới nữa là toà án cấp quận, đây là cấp toà án thực hiện nhiều vụ xét xử nhất theo luật liên bang.
Tách khỏi, nhưng không hoàn toàn độc lập, với hệ thống toà án liên bang là các hệ thống toà án riêng lẻ thuộc tiểu bang, có thẩm quyền xét xử các vụ án theo luật tiểu bang với trình tự riêng của mình. Tối cao pháp viện của mỗi tiểu bang là thẩm quyền tối hậu giải thích hiến pháp và luật tiểu bang. Có thể kháng án lên toà liên bang sau khi chịu xét xử bởi toà tiểu bang nếu vụ án có liên quan đến các vấn đề liên bang.
Nhánh lập pháp liên bang gồm có Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, thẩm phán phục vụ ở toà này được bổ nhiệm trọn đời bởi Tổng thống và được phê chuẩn bởi Thượng viện, cùng với các toà án trực thuộc, trong đó có Toà Kháng án Liên bang và Toà án Liên bang cấp quận.
Theo cách này, Quốc hội khoá đầu tiên đã phân chia quốc gia thành nhiều quận tư pháp và thiết lập các toà án liên bang cấp quận. Từ đó hình thành cấu trúc hiện nay với Toà tối cao, 13 toà kháng án, 94 toà án quận và 2 toà án đặc biệt. Cho đến nay quốc hội vẫn giữ cho mình quyền thiết lập và huỷ bỏ các toà án liên bang, cũng như quyền quyết định số lượng thẩm phán trong hệ thống tư pháp liên bang. Dù vậy, Quốc hội không có quyền hủy bỏ Tối cao Pháp viện.
Hiện có ba cấp toà án liên bang với quyền xét xử các vụ án hình sự và dân sự giữa các cá nhân. Những toà khác như toà phá sản hoặc toà thuế vụ, là những toà án được thiết lập để giải quyết những vụ án thuộc một vài lãnh vực đặc biệt. Toà phá sản trực thuộc toà án quận nhưng không được xếp vào toà "Điều III" vì thẩm phán toà này không được bổ nhiệm trọn đời. Tương tự, toà án thuế vụ cũng không thuộc hệ thống toà án "Điều III".
Toà án liên bang cấp quận là nơi các vụ án được đem ra xét xử và phán quyết. Toà kháng án là nơi xử lại các vụ án đã được quyết định ở toà án quận, một số vụ kháng án này là do các cơ quan hành chánh. Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ xem xét các vụ kháng án từ toà kháng án và từ toà tối cao tiểu bang (liên quan đến các vấn đề hiến pháp), cũng như tổ chức xét xử một số vụ việc khác.
Chính quyền tiểu bang, bộ tộc và địa phương
Chính quyền tiểu bang là định chế có ảnh hưởng lớn nhất trên đời sống thường nhật của người dân Mỹ. Mỗi tiểu bang đều có hiến pháp, chính quyền và luật lệ riêng. Đôi khi có những khác biệt lớn trong luật và thủ tục hành chính giữa các tiểu bang liên quan đến những vấn đề như quyền sở hữu, tội phạm, y tế và giáo dục. Chức danh dân cử đứng đầu tiểu bang là Thống đốc. Mỗi tiểu bang đều có một viện lập pháp (theo thể chế lưỡng viện ngoại trừ tiểu bang Nebraska chỉ có một viện), và hệ thống tòa án riêng. Tại một số tiểu bang, thẩm phán tòa tối cao và các tòa dưới được bầu chọn bởi người dân, trong khi ở những bang khác, các thẩm phán được bổ nhiệm theo thể thức áp dụng cho liên bang.
Xem thêm: Chiến dịch của Tổng thống Donald Trump tung clip 90 giây chứng minh gian lận bầu cử tại Georgia
Thùy Dương