Tín dụng nền kinh tế tăng nhanh trong tháng 11
Tính đến 25/11, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 10,1%
Tại toạ đàm "Dẫn mạch phục hồi tăng trưởng kinh tế" do báo Đầu tư tổ chức, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), bà Bùi Thúy Hằng cho biết tính đến 25/11, tín dụng toàn hệ thống đã tăng 10,1% so với cuối năm 2020.
Trong khi đó tính tới ngày 9/11, tăng trưởng tín dụng mới đạt 8,76%. Điều đó cho thấy tín dụng đổ vào nền kinh tế đã tăng khá nhanh trong thời gian gần đây, chỉ trong khoảng nửa tháng đã tăng 1,34 điểm %.
Con số tăng trưởng cao tín dụng đến sau khi NHNN đã nới room tín dụng cho nhiều ngân hàng từ 1% đến 6%. Một số công ty chứng khoán ước tính tín dụng năm 2021 có thể đạt mức 13%.
Bà Hằng cũng cho biết mặt bằng lãi suất cho vay sau khi giảm 1%/năm trong năm 2020, đã giảm thêm 0,7%/năm trong 9 tháng đầu năm 2021.
Đánh giá về rủi ro lạm phát của Việt Nam, Phó Vụ trưởngVụ Chính sách tiền tệ cho biết Việt Nam là nước có độ mở kinh tế lớn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu/tổng sản phẩm nội địa là 200% nên chịu áp lực rủi ro của "lạm phát nhập khẩu".
Trong thời gian qua lạm phát thế giới có xu hướng tăng nhanh khi nhiều quốc gia áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng, nên áp lực điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới nhìn từ tác động bên ngoài vào là có.
Bà cho rằng lạm phát năm 2022 đối mặt với nhiều áp lực kết hợp từ cả yếu tố cầu kéo và chi phí đẩy.
Thứ nhất là do xu hướng tăng của giá nguyên, nhiên, vật liệu thế giới, khả năng phục hồi của giá thực phẩm, đặc biệt là thịt gia súc và gia cầm tươi sống trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục ở mức cao.
Chuỗi cung ứng trong nước và thế giới phục hồi chậm so với tốc độ tăng của tổng cầu khiến giá cả hàng hóa tăng nhanh. Đồng thời, kinh tế nếu phục hồi trong năm 2022 dưới tác động của các gói hỗ trợ khiến nhu cầu tiêu dùng, đầu tư gia tăng, gây sức ép lên giá cả.
Tuy nhiên, theo bà vẫn có một số yếu tố có thể làm giảm áp lực lạm phát như sức cầu của nền kinh tế vẫn còn yếu, kinh tế phục hồi chậm và dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tác động tiêu cực lên sản xuất, tiêu dùng.