Đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu
Nhật Bản luôn là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của
Việt Nam, là nước cung cấp viện trợ ODA lớn nhất, nhà đầu tư thứ hai và đối tác thương mại lớn thứ tư của nước ta. Hơn thế, Nhật Bản cũng là nước G7 đầu tiên công nhận cơ chế kinh tế thị trường của Việt Nam.
Từ năm 2018, Nhật Bản dẫn trong trong danh sách các quốc gia đầu tư vào Việt Nam với 58,9 tỷ USD, chiếm 24,2% tổng vốn đầu tư trong số 112 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Tính đến năm 2019, Việt Nam hiện đang là điểm đến của hơn 32 nghìn dự án với tổng vốn đăng ký 378 tỷ USD, trong đó Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ hai với hơn 60,35 tỷ USD đầu tư – 4.300 dự án (GSO).
Khảo sát thực trạng của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại châu Á – Thái Bình Dương tháng 2/2020 cho thấy có đến 63,9% doanh nghiệp Nhật Bản đang kinh doanh tại Việt Nam và sẽ tiếp tục mở rộng kinh doanh, đạt tỷ lệ cao nhất trong khối ASEAN.
Quan hệ kinh tế Việt Nam - Nhật Bản có sự hợp tác chặt chẽ
Tính lũy kế tình hình thu hút FDI đến cuối năm 2019, Nhật Bản đứng thứ 2 với tổng
vốn đăng ký đạt 59,3 tỷ USD, chiếm 16,7%. Điều này cho thấy Nhật Bản vẫn luôn là đối tác đầu tư quan trọng của Việt Nam sau 47 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Bên cạnh đầu tư vốn thì Nhật Bản vẫn đang là nước tài trợ
ODA lớn nhất của Việt Nam, kể từ khi nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam năm 1992, tính đến nay, tài trợ ODA của Nhật đã đạt khoảng 27 tỷ USD. Đặc biệt trong năm 2013, Nhật Bản đã hỗ trợ nước ta cải tạo và xây dựng tổng cộng 3.309 km đường bộ và 287 cây cầu, hỗ trợ cải tạo – xây dựng 650 km quốc lộ, tương đương 70% trong hệ thống đường cao tốc quốc gia của Việt Nam (Bộ GTVT).
Nhật Bản là đối tác quan trọng, đáng tin cậy của Việt Nam
Hai bên đã thỏa thuận chương trình viện trợ lâu dài của Nhật cho Việt Nam nhằm vào 5 lĩnh vực chính là: phát triển nguồn nhân lực và xây dựng thể chế; xây dựng và cải tạo các công trình giao thông và điện lực; phát triển nông thôn và xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; phát triển giáo dục và đào tạo y tế; bảo vệ môi trường.
Tân thủ tướng Nhật Bản tới thăm chính thức Việt Nam
Trong thời điểm tháng 10 năm 2020, mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản có hai cột mốc: Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide thăm chính thức Việt Nam và bước tiến mới trong quan hệ hợp tác 2 nước là “cú bắt tay tỷ USD” giữa Tập đoàn BRG (Việt Nam) và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản), liên doanh này đã động thổ dự án Thành Phố Thông minh (Hà Đông – Hà Nội) với tổng vốn đầu tư gần 4,2 tỷ USD.
Một trong những dự án lớn nhất giữa Việt Nam và Nhật Bản trong năm 2020
Đầu tư mạnh cho hạ tầng cơ sở các địa phương
Theo Hiến chương Hợp tác Phát triển, các khoản vay ODA đang được tích cực sử dụng để hỗ trợ các lĩnh vực thúc đẩy chất lượng tăng trưởng, kiến tạo một xã hội hòa bình và an toàn, đồng thời ứng phó với các vấn đề toàn cầu. Nhật Bản là một trong những đối tác đang đầu tư rất mạnh cho các hạ tầng cơ sở nhiều địa phương bằng nguồn vốn ODA và vay ưu đãi.
Trong đó, nổi bật nhất là cầu Bãi Cháy (TP. Hạ Long, Quảng Ninh) do liên danh Shimizu -Sumitomo - Mitsui Nhật Bản xây dựng, được khánh thành năm 2006. Vốn đầu tư cho dự án cầu này khoảng 105 triệu USD từ vốn vay ODA của Nhật Bản cho Việt Nam. Cầu Nhật Tân (Hà Nội) nối huyện Đông Anh vào trung tâm Hà Nội, có tổng vốn đầu tư hơn 13.600 tỷ đồng. Cầu Cần Thơ cũng là cây cầu do Chính phủ Nhật Bản tài trợ vốn vay ODA khoảng 340 triệu USD.
Ngoài hỗ trợ, tài trợ vốn, cho vay vốn thông qua hiệp định giữa hai Chính phủ, Nhật Bản còn thông qua các định chế tài chính đa phương như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), JICA để tài trợ một số dự án hạ tầng, đường bộ tại Việt Nam.
Theo các số liệu thống kê, quan hệ thương mại, hiện Việt Nam với Nhật Bản có cán cân thương mại tương đối cân bằng, năm 2018 Việt Nam xuất đi Nhật hàng hóa trị giá 18,8 tỷ USD, nhập về hàng hóa trị giá 19 tỷ USD, thâm hụt thương mại 300 triệu USD. Năm 2019, Việt Nam xuất sang Nhật hàng hóa trị giá hơn 20,3 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu là hơn 19,5 tỷ USD, thặng dư cán cân thương mại 800 triệu USD.
Riêng 9 tháng năm 2020, Việt Nam xuất khẩu sang Nhật đạt 14 tỷ USD hàng hoá, trong khi nhập về là hơn 14,6 tỷ USD, chủ yếu là máy móc, xe hơi, thiết bị công nghệ, dây chuyền, vật liệu cho ngành công nghệ cao, linh phụ kiện...
Thanh Thùy