Tình hình bão số 9 chiều 28/10: Đã liên lạc được với ngư dân, máy bay sẵn sàng `ra khơi` tìm kiếm

14:48 | 28/10/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trung tướng Nguyễn Trọng Bình cho biết, 2 tàu đã bị chìm trên biển. Có 12 ngư dân trên tàu đang thả trôi có sức khỏe tốt.
Trưa 28/10, Ban chỉ huy tiền phương ứng phó bão số 9 ở Đà Nẵng đã tổ chức họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng.
 
Trong buổi họp này, Trung tướng Nguyễn Trọng Bình - Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam đã thông tin về tình hình 3 tàu ở Bình Định gặp nạn, trong đó có 2 tàu chìm.
 
Trung tướng Bình cho biết: "Hiện chúng tôi đang hy vọng ngư dân sẽ có áo phao, trôi nổi trên biển. Còn một tàu Bình Định, chúng tôi vẫn đang giữ liên lạc, tàu này bị hỏng máy và thả trôi. Sáng sớm hôm nay, 2 tàu kiểm ngư tại cảng Cam Ranh đã xuất phát. Dự kiến khoảng 20h tối, 2 tàu sẽ tiếp cận được thuyền trên. Hiện 12 ngư dân trên tàu Bình Định đang thả trôi sức khỏe tốt".
 
Trung tướng Bình chia sẻ thêm, Bộ Quốc phòng tiếp tục điều động thêm kiểm ngư 490 từ Cam Ranh xuất phát đến khu vực tàu Bình Định bị chìm lúc 13h ngày 27/10. Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng đã nghiên cứu sẵn phương án sẵn sàng dùng máy bay để tìm kiếm, thả phao và thông báo cho các tàu lân cận hỗ trợ tìm kiếm các nạn nhân vẫn đang trôi dạt trên biển. Còn thời gian triển khai máy bay sẽ sẵn sàng khi thời tiết cho phép.
 
Tình hình bão số 9 chiều 28/10/2020
Trung tướng Nguyễn Trọng Bình - Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam
 
“Mục đích đưa máy bay vào nhằm giúp mở rộng phạm vi tìm kiếm, giúp công tác tìm kiếm nhanh hơn. Thời tiết cho phép chúng tôi sẽ báo cáo và cho triển khai ngay. Hiện nay, quân đội đang làm hết sức mình để khắc phục một số hậu quả đã có và sẵn sàng triển khai lực lượng phương tiện ứng phó khắc phục hậu quả tiếp theo” ông Bình nói.
 
Đối với 2 tàu bị chìm, cơ quan chức năng đang cố gắng nỗ lực hết sức để tiếp cận hiện trường. Song do sóng to, gió lớn, sóng cao từ 2 - 3 mét nên tàu không đi nhanh được. 
 
Sau khi nghe báo cáo, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhận định: "Nếu chúng ta không quyết liệt ứng phó, sẽ rất nguy hiểm. Tôi yêu cầu tất cả thành viên Ban chỉ đạo và các địa phương tập trung ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân. Đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải, Quân khu 4, Quân khu 5 và lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn, tập trung lực lượng, phương tiện để ứng phó, cứu hộ trong và sau bão. Đặc biệt chú ý khẩn trương đưa tàu lớn ra cứu hộ 26 thuyền viên mất tích và một tàu đang chết máy, thả trôi ở vùng biển Bình Định. Tập trung ngay máy bay, khi thời tiết cho phép, lập tức điều máy bay đi ứng cứu sẽ nhanh hơn tàu".
 
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, bão sẽ tiếp tục gây mưa nên phải đảm bảo an toàn tính mạng cho dân ở tuyến 3, một là tàu thuyền, hai là 98.000 hộ phải sơ tán, kiên quyết từ nay đến khi an toàn mới cho về nhà, ba là lưu ý công tác quản lý hồ chứa ở khu vực Bắc miền Trung, nhất là Huế và Hà Tĩnh, phía Nam là Quảng Ngãi.
 
 
Hương Quỳnh