Tình người xứ Thanh giữa đại dịch COVID-19
“Có bao nhiêu cụ góp bấy nhiêu”
Thanh Xá 1 (xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) một buổi sáng trung tuần tháng 7, Cụ bà Hoàng Thị Nhâm đang ngồi nhai trầu, trông lũ trẻ hàng xóm chơi thì nghe được thông tin trên loa phát thanh về tình hình thiếu thốn nhu yếu phẩm của người dân TP Hồ Chí Minh.
Tiếng loa rè rè, cụ Nhâm vẫn cố lắng tai nghe. Thông tin về thành phố mang tên Bác khiến cụ đứng ngồi không yên.
“Người dân trong đó chắc đang khó khăn lắm” – cụ lẩm bẩm. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, cụ Nhâm đã từng chứng kiến bao thời khắc lịch sử cũng như gian nguy của dân tộc.
Nên hơn ai hết cụ hiểu, khoảng thời gian này người dân Việt Nam phải đoàn kết và mở rộng trái tim. Nghĩ là làm, cụ biết trong nhà có hũ gạo vừa xay xát nên nhờ bà hàng xóm đổ khoảng 5 kg gạo ra một cái túi lớn để cùng mang ra đình làng đóng góp.
Tuổi già, đi lại khó khăn nhưng cụ Nhâm vẫn quyết chí chống gậy cùng bà hàng xóm đi 500 mét ra đình làng. Suốt đoạn đường, cụ cứ lặp đi lặp lại câu nói đầy trách nhiệm với bà hàng xóm: “Tuổi cao đi vài bước chân là mệt nhưng nếu ở nhà thì lòng bà không yên”.
Ra đến đình, sau khi quyên góp gạo, cụ Nhâm chậm rãi “móc” từ trong túi áo ra tờ tiền mệnh giá 20 nghìn đồng rồi thỏ thẻ nói với anh Nguyễn Xuân Quân (trưởng thôn Thanh Xá 1): “Đây là tấm lòng của cụ dành cho người dân miền Nam, có bao nhiêu cụ góp bấy nhiêu”.
Cụ Hoàng Thị Nhâm chống gậy mang gạo ra đình làng để hỗ trợ người dân TP Hồ Chí Minh
Bất ngờ hơn nữa, cụ Nhâm vừa đi quyên góp về thì cụ ông Hoàng Đình Toa (101 tuổi, là chồng cụ Nhâm) đã vội mượn cái gậy của cụ bà và đi đâu đó rất lâu. Sau khi cụ Toa về, cụ Nhâm hỏi thì mới biết cụ Toa cũng chống gậy ra đình làng để đóng góp 50.000 đồng hỗ trợ bà con TP Hồ Chí Minh chống dịch…
Vợ chồng cụ Toa, cụ Nhâm bên trong ngôi nhà xập xệ của mình
Chị Vũ Thị Minh Tâm - Bí thư Huyện đoàn Hà Trung cho biết: “Hành động của các cụ khiến tôi thật sự xúc động. Số tiền, số gạo tuy không lớn nhưng tấm lòng của cụ là nguồn động viên cho các lực lượng đang ngày đêm căng mình chống dịch. Qua đó, lan tỏa hình ảnh đẹp cho các bạn trẻ học tập, noi theo”.
Hình ảnh cụ bà Vi Thị Mão, 103 tuổi, người dân tộc Thái ở xã Bình Lương (huyện Như Xuân, Thanh Hóa) đề nghị được quyên góp cho đồng bào miền Nam cũng là một câu chuyện thật đẹp về tinh thần tương thân tương ái của con người Việt Nam.
Cụ Mão ở với con dâu út, điều kiện gia đình bình thường chứ không muốn nói là khó khăn. Ấy vậy mà, khi đoàn cán bộ Mặt trận Tổ quốc xã đi ngang qua gia đình cụ, cụ đã năng nổ mang chậu gạo nặng 10 kg và 50 nghìn đồng ra đưa tận tay các cán bộ, kèm lời giãi bày nghẹn ngào:
“Cụ biết biết các anh, chị ngại gia đình cụ nghèo nên không mở lời vận động quyên góp. Nhưng cụ nghĩ rồi, nghèo thì nghèo chứ chưa đói được. Mình ăn no mà đồng bào mình ngoài kia đang gồng mình trong khó khăn, dịch bệnh thì làm sao mà cam lòng được”.
Cụ Vi Thị Mão đưa chậu gạo nặng 10 kg tới tận tay cán bộ MTTQ xã Bình Lương
Hiểu lòng nhau trong gian khó!
Tuần lễ “Hướng về Thành phố mang tên Bác” do Uỷ ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa kêu gọi, vận động đã lan tỏa đến đông đảo các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình.
Bà Phạm Thị Thanh Thủy, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa cho biết, đến sáng ngày 21- 07, bà con nhân dân trong tỉnh Thanh Hóa đã kêu gọi, quyên góp được hơn 1.500 tấn hàng hóa (lương thực, thực phẩm) thiết yếu để giúp nhân dân, người lao động TP HCM chống dịch Covid-19.
Cùng với việc kêu gọi hưởng ứng tuần lễ “"Hướng về Thành phố mang tên Bác", trước đó, tỉnh Thanh Hóa đã dành 7 tỷ đồng hỗ trợ nhiều tỉnh, thành phố chống dịch COVID-19. Các đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn ủng hộ tiền và hàng hóa cho Quỹ Phòng, chống dịch COVID-19 trị giá gần 63 tỷ đồng (số liệu đến ngày 8-7). Ngoài ra Nhân dân Thanh Hóa đã tiêu thụ giúp hàng nghìn tấn vải thiều cho Nhân dân tỉnh Bắc Giang trong bối cảnh phải thực hiện giãn cách xã hội.
Gần 1500 tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm của người dân Thanh Hóa đã lên tường tập kết vào TP Hồ Chí Minh
Người Thanh Hóa vẫn vậy, hun đúc từ bao đời tính cách cần mẫn, tiết kiệm, hi sinh, chịu thương chịu khó. Nhưng nếu đồng bào cần, người Thanh Hóa sẽ “hoang phí” đến từng đồng tiền, hạt gạo cuối cùng; sẽ không tiếc những giọt mồ hôi thậm chí là máu. Người Thanh Hóa vẫn vậy, chỉ đến lúc nguy khó mới hiểu được lòng nhau.
Có thể số tiền hỗ trợ còn ít, nhưng nó đã gánh cả trách nhiệm, sự cố gắng rất lớn của một tỉnh còn eo hẹp ngân sách, có tới 10 huyện thuộc diện nghèo nhất cả nước. Và Thanh Hóa cũng đang là địa phương mà dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Những câu chuyện, số liệu kể trên đã nói lên tất cả sự cao đẹp về tình đoàn kết, sát cánh sẻ chia, nghĩa cử của người xứ Thanh với đồng bào trong lúc gian nguy, hoạn nạn.
Những việc làm ấy như một gạch nối, khẳng định chưa hề có sự ngăn cách đứt quãng giữa quá khứ và hiện tại về trách nhiệm, đức hy sinh của người xứ Thanh đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, với đồng bào gặp hoạn nạn nói riêng. Những việc làm ấy cũng là minh chứng rõ ràng, trong sáng nhất, tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ hình ảnh tốt đẹp về vùng đất, con người xứ Thanh.
Nguyễn Trường
Xem Thêm: Doanh nghiệp vận tải kêu cứu, lãi ngân hàng 'siết vòng kim cô'