TNG: Đơn hàng giảm vào cuối năm sẽ thách thức mục tiêu tăng trưởng

Trang Mai 09:49 | 03/10/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Dù kết quả kinh doanh đầy khả quan khi đã hoàn thành 78% mục tiêu doanh thu, thế nhưng nhiều chuyên gia lo ngại việc thiếu đơn hàng những tháng cuối năm sẽ là thách thức lớn.

Mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) đã có báo cáo tài chính và doanh thu 8 tháng 2022. Theo đó, công ty có doanh thu thuần đạt 697 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021 và vượt 3% so với kế hoạch tháng. Lũy kế 8 tháng, doanh thu là 4.704 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước. So với 6.000 tỷ đồng kế hoạch doanh thu của cả năm 2022, doanh nghiệp dệt may này đã hoàn thành 78% mục tiêu. 

Lo ngại đơn hàng giảm

Trong cơ cấu doanh thu tháng 8, chỉ có khoảng 1%, tương ứng 10 tỷ đồng đến từ thị trường nội địa. Còn lại 99% doanh thu đến từ các thị trường xuất khẩu. Trong đó 2 lớn nhất là Châu Âu và Mỹ với tỷ trọng mỗi thị trường quanh mức 40 – 45% doanh thu. Xét về quốc gia, thị trường Mỹ có tỷ trọng từ 40 – 45%, trong đó đối tác quan trọng của TNG tại thị trường này là Haddad; Pháp xếp thứ 2 với tỷ trọng quanh 27% - 29% với đối tác lớn là Decathlon.

 Thị trường Châu Âu chiếm phần lớn cơ cấu xuất khẩu của TNG. (Ảnh: TNG)

Nguồn thu từ mảng bất động sản: Tính đến cuối 2021, TNG đã ghi nhận 514,5 tỷ đồng đầu tư vào KCN Sơn Cẩm 1 (tổng số vốn đầu tư ước tính 520 tỷ đồng. Công ty cho biết đã hoàn thành khoảng 50% tiến độ giải phóng mặt bằng và đã thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng trên khu đất đã hoàn tất giải phóng. Ngoài ra, TNG sẽ đầu tư thêm vào khu tái định cư, nhà ở thương mại tại xã Sơn Cẩm, TP Thái Nguyên 20 ha; đầu tư kinh doanh bất động sản tại 2 khu đất Việt Đức và Việt Thái.

Trong tháng 7 và tháng 8, TNG ghi nhận tổng lợi nhuận sau thuế gần 80 tỷ đồng. Công ty chứng khoán Vndirect dự báo nhiều khả năng lợi nhuận sau thuế quý III sẽ vượt mức 86 tỷ đồng của quý II/2022 và trở thành quý có lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay.

 

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho biết nỗi lo thiếu đơn hàng đã và đang ảnh hưởng tới giá cổ phiếu, khi nó đã ảnh hưởng lớn đến giá cổ phiếu dệt may từ giai đoạn tháng 6/2022 đến nay. Lo ngại này đã khiến giá các cổ phiếu lớn trong ngành như MSH, TNG, GIL, TCM giảm 30 – 40% so với mức cao nhất trong tháng 6. Việc giá cổ phiếu giảm mạnh trong khi kết quả kinh doanh Quý III sắp tới được dự báo khả quan có thể khiến giá cổ phiếu TNG trở nên hấp dẫn hơn. 

Theo báo cáo ngành dệt may của SSI Research, đơn vị ước tính tăng trưởng doanh thu các công ty sản xuất dệt may tại Việt Nam sẽ giảm tốc trong 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2023. Lý do là bởi khách hàng đã rút ngắn thời gian đặt trước đơn hàng từ 6 tháng xuống 3 tháng (ngoại trừ kỳ nghỉ lễ trong quý IV) do lượng hàng tồn kho ở thị trường xuất khẩu ở mức cao và áp lực lạm phát. SSI Research dự đoán doanh thu và biên lợi nhuận có thể bị ảnh hưởng xấu nếu nền kinh tế Mỹ (thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam) suy yếu hoặc áp lực lạm phát cao hơn xảy ra trong 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2023.

Phía TNG hiện có các đối tác lớn sẽ có lợi thế hơn các doanh nghiệp vừa và nhỏ về mặt đơn hàng trong giai đoạn cuối năm.

Trong báo cáo ngắn 26/9, Vndirect dự báo TNG sẽ ghi nhận 6.300 tỷ đồng doanh thu, vượt 5% kế hoạch, lợi nhuận sau thuế đạt 292 tỷ đồng, vượt 4,2% kế hoạch năm, lợi nhuận trên mỗi cổ phần đạt 2.780 đồng/cp. Với mức P/E kỳ vọng đạt 9,2 lần (mức trung bình từ 2021 đến nay), giá mục tiêu của TNG sẽ đạt 25.600 đồng/cp.

Ngày 29/9, TNG đã ra thông báo về ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền nhận cổ tức đợt 1 năm 2022 bằng tiền. Theo đó, tỷ lệ thực hiện là 4%/mệnh giá (1 cổ phiếu được nhận 400 đồng). Đây là loại cổ phiếu phổ thông với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Ngày đăng ký cuối cùng là 12/10 và ngày thành toán là 20/10.