Tổ chức Hội thảo về lợi ích từ quy tắc xuất xứ hàng hóa trong CPTPP tại Hải Dương và TPHCM

16:19 | 21/02/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Hội thảo “Hướng dẫn tận dụng lợi ích từ quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)” sắp được tổ chức tại Hải Dương và TPHCM.

Tổ chức Hội thảo về lợi ích từ quy tắc xuất xứ hàng hóa trong CPTPP tại Hải Dương và TPHCM - ảnh 1
Nguồn: Internet. 
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, ngày 22/01, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 03/2019/TT-BCT quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Thông tư có hiệu lực từ ngày 08 tháng 3 năm 2019.

Để cập nhật thông tin về quy tắc xuất xứ trong Hiệp định CPTPP và hướng dẫn triển khai Thông tư 03/2019/TT-BCT cho cộng đồng doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả trong việc tiếp cận thị trường các nước thành viên Hiệp định, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập quốc tế TPHCM và Sở Công Thương tỉnh Hải Dương tổ chức Hội thảo “Hướng dẫn tận dụng lợi ích từ quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)”.

Cụ thể, tại miền Nam: Thời gian: 8h - 12h, ngày 27/ 02. Địa điểm: Trung tâm Hội nghị số 272 Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại miền Bắc: Thời gian: 8h - 12h, ngày 05/3. Địa điểm: Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, 14 Bắc Sơn, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương.

Tại Hội thảo, Lãnh đạo Phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương sẽ hướng dẫn tra cứu quy định về xuất xứ hàng hóa tại Hiệp định CPTPP và tại Thông tư số 03/2019/TT-BCT quy định thực hiện quy tắc xuất xứ trong CPTPP.

Đề cập tới một số nội dung và vấn đề cần lưu ý khi triển khai Thông tư số 03/2019/TT-BCT quy định và về vấn đề thực hiện quy tắc xuất xứ trong CPTPP, hướng dẫn thực hành khai báo C/O mẫu CPTPP của Việt Nam.

Hội thảo cũng sẽ tiến hành trao đổi, thảo luận về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong CPTPP.

Được biết, so với các hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký và tham gia, quy tắc xuất xứ hàng hóa CPTPP có một số điểm mới như: Quy tắc xuất xứ bộ hàng hóa; quy tắc xuất xứ hàng tân trang, tái chế tạo; công thức tính RVC (hàm lượng giá trị khu vực FTA, là ngưỡng tính theo tỉ lệ hàng hóa phải đạt đủ để coi là có xuất xứ, phổ biến là 40%); danh mục PSR (quy tắc cụ thể mặt hàng),...

Tỉ lệ nguyên liệu không đáp ứng tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa (De Minimis) trong CPTPP cho phép ở mức cao nhất 10% so trị giá của hàng hóa. Mẫu giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) CPTPP cấp cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bao gồm các thông tin tối thiểu theo quy định tại Hiệp định CPTPP cũng được ban hành kèm theo Thông tư.

Về cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hàng xuất khẩu từ Việt Nam áp dụng cơ chế C/O do cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp. Thời gian chuyển tiếp thực hiện cơ chế nhà xuất khẩu đủ điều kiện tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa được thực hiện từ 5 đến 10 năm theo hướng dẫn của Bộ Công Thương. Cơ chế nhà nhập khẩu Việt Nam tự chứng nhận xuất xứ thực hiện sau 5 năm kể từ ngày CPTPP có hiệu lực,...

Ðối với hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu trước ngày Thông tư có hiệu lực, cơ quan, tổ chức cấp C/O xem xét cấp C/O mẫu CPTPP để được hưởng ưu đãi thuế quan theo quy định của Hiệp định và theo quy định của nước thành viên nhập khẩu.