Toàn cảnh bức tranh KQKD quý II: Tăng trưởng LNST toàn sàn ở mức gần 0%, định giá chưa thực sự hấp dẫn trong ngắn hạn

Diên Vỹ 11:40 | 10/08/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bức tranh KQKD quý II/2023 được tổng hợp bởi Chứng khoán KIS trong báo cáo tóm tắt hôm 8/8 vừa qua chỉ ra rằng lợi nhuận sau thuế (LNST) toàn thị trường vẫn tiếp tục trong xu hướng hồi phục, tuy nhiên vẫn thật khó để nói lợi nhuận toàn thị trường đã có sự chuyển biến tích cực khi sự phục hồi vẫn đang chủ yếu tập trung vào nhóm vốn hóa lớn.

 

KQKD quý II phân hóa, sự phục hồi tập trung vào nhóm vốn hóa lớn

Theo phân tích của các chuyên gia từ Chứng khoán KIS (KISVN) dựa trên số liệu báo cáo tài chính quý II và hai quý đầu năm cho thấy tổng LNST tiếp tục xu hướng phục hồi. Trong quý II, tổng lợi nhuận của 360/417 doanh nghiệp đã công bố BCTC tính đến 8/8 đạt 92.555 tỷ đồng, đưa LNST của thị trường quay trở về mức ngang bằng so với cùng kỳ quý II/2022 (+0,1%) sau 4 quý tăng trưởng âm trước đó. Tuy nhiên, báo cáo vẫn nhận định rằng thật khó để nói LNST của toàn thị trường đã thực sự hồi phục do nhiều nguyên nhân. 

Thứ nhất, sự phục hồi chủ yếu tập trung vào nhóm doanh nghiệp vốn hóa lớn trong khi nhóm vừa và nhỏ (SME) vẫn đang gặp nhiều trở ngại trong kinh doanh. Cụ thể, theo KISVN, VN30-INDEX đang là nhóm có sự phục hồi tốt nhất với mức tăng trưởng 3% so với cùng kỳ khi LNST của nhóm này ít chịu áp lực suy giảm hơn trong các quý trước. Ngược lại, nhóm vốn hóa vừa và nhỏ vẫn đang ghi nhận tăng trưởng LNST âm ở mức hai con số.

 Nguồn: KISVN

Thứ hai, tỷ trọng đóng góp LNST từ các công ty thành viên tập đoàn Vingroup ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng toàn thị trường, theo các chuyên gia KISVN. Đáng chú ý, trong quý II vừa qua, riêng các công ty thành viên tập đoàn Vingroup đã đóng góp lên tới 11.113 tỷ đồng trong tổng LNST toàn thị trường, cùng với mức tăng trưởng gấp 5 lần so với cùng kỳ. Vì vậy, có thể nói VN-Index hay VN30-Index khó có thể giữ được vị thế hiện tại nếu không có sự vượt trội từ các công ty VHM, VRE và VIC. Và mức tăng trưởng có thể giảm về mức lần lượt -10% svck và -11% svck trong quý II/2023 nếu loại trừ các thành viên tập đoàn Vingroup trong tính toán. 

Thứ ba, nhóm dịch vụ tài chính với mức tăng trưởng LNST 61% svck cũng là một ngành khác trong lĩnh vực tài chính góp phần quan trọng thứ hai vào tăng trưởng của VN-Index trong quý II. Trong đó, động lực tăng trưởng của nhóm ngành này chủ yếu đến từ hoạt động tự doanh. 

Cuối cùng, phân tích cũng cho thấy các ngành liên quan đến các hoạt động sản xuất và thương mại và xuất khẩu như Tiện ích (-28% svck), Bán lẻ (-102% svck), Thực phẩm và đồ uống (-25% svck) hay Tài nguyên cơ bản (-73% svck) đều đang ghi nhận LNST tăng trưởng âm ở mức cao trong quý II. 

  Nguồn: KISVN 

Dịch vụ tài chính dẫn đầu tăng trưởng, trong khi nhóm bán lẻ giảm tốc mạnh mẽ

Trong phân tích cụ thể hơn, báo cáo nhận định Dầu khí, Bất động sản, Dịch vụ tài chính và Bảo hiểm là các ngành có mức tăng trưởng LNST ấn tượng trong quý II; trong khi Bán lẻ, Tài nguyên cơ bản và Ô tô & Phụ tùng là ba nhóm ngành đang vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm ra các giải pháp cải thiện tình hình kinh doanh.

 Nguồn: KISVN

Về nhóm dầu khí, theo phân ngành ICB, trong HOSE chỉ có 2 công ty là PLX và PVD thuộc nhóm ngành này. Trong quý, hoạt động kinh doanh của hai công ty khá thuận lợi. Từ đó, thúc đẩy sự phục hồi tích cực của ngành. Tổng LNST toàn ngành đạt 1 nghìn tỷ đồng, tăng 1,2 nghìn tỷ đồng so với con số âm trong cùng kỳ 2022.

Bất động sản là động lực chính cho sự phục hồi chung cả VN-Index trong quý, ghi nhận 14.172 tỷ đồng LNST, tăng trưởng mạnh 89% so với cùng kỳ và chiếm hơn 15% tổng LNST toàn VN-Index. Tuy nhiên, động lực tăng trưởng chỉ tập trung tại một vài doanh nghiệp có vốn hóa lớn như VHM, VRE, KBC, TCH và DXG; trong khi hầu hết số doanh nghiệp còn lại đều ghi nhận sự giảm sút trong bối cảnh thị trường nhiều thử thách. 

Đáng chú ý, chỉ riêng các công ty thành viên tập đoàn Vingroup đã đóng góp tới 11.113 tỷ đồng, chiếm đến 78% con số LNST chung cả ngành và tăng trưởng gấp 5 lần so với cùng kỳ. Nếu loại trừ các thành viên của Vingroup, LNST của ngành trong quý sẽ chỉ ở mức - 46% svck.

Nhóm Dịch vụ tài chính chủ yếu bao gồm các công ty chứng khoán, chiếm 95% số lượng. Trong quý II, LNST của nhóm này đạt 2,77 nghìn tỷ đồng, đồng thời ghi nhận mức tăng trưởng 61% svck và 83% so với quý liền trước. Đóng góp chính vào mức tăng trưởng so với cùng kỳ chủ yếu đến từ hoạt động tự doanh, chiếm 59% tổng doanh thu hoạt động, sau khi VN-Index có sự phục hồi tích cực, tăng 22,8% từ đáy. Ngoài ra, sự gia tăng thanh khoản và dư nợ ký quỹ  đã hỗ trợ tích cực cho sự tăng trưởng mảng môi giới trong quý II so với quý I trước đó.

Ở chiều ngược lại, trong quý II, Bán lẻ là ngành bị sụt giảm nghiêm trọng nhất với LNST của ngành ghi nhận lỗ 22 tỷ đồng, giảm 1.397 tỷ đồng so với cùng kỳ. Trong đó, ba doanh nghiệp đầu ngành, chiếm hơn 90% LNST toàn ngành là MWG, FRT và DGW đều ghi nhận LNST giảm mạnh so với cùng kỳ, mức giảm lần lượt 98%, 559% và 36% trong bối cảnh sức mua yếu và giảm giá hàng tồn kho. 

Ở nhóm ngành Tài nguyên Cơ bản, LNST cũng ghi nhận giảm 73% trong quý. Trong đó, các công ty thép là nhân tố chính ảnh hưởng đến bức tranh chung của ngành (chiếm 65- 80% tổng LNST) trong bối cảnh thị trường bất động sản trong nước khá ảm đạm và nền kinh tế toàn cầu cũng đang đối mặt với nhiều thách thức tác động tiêu cực đến nhu cầu và giá bán. Việc giá bán thấp cũng khiến các doanh nghiệp thép không thể ghi nhận được mức biên lợi nhuận gộp hấp dẫn như trong quý II năm ngoái. Trên cơ sở này, nhóm các công ty thép chỉ đạt 919 tỷ đồng LNST (-78% svck) trong quý II năm nay. 

Các phân ngành Tài nguyên Cơ bản khác bao gồm các Khai khoáng, Sản xuất giấy và Chế biến gỗ hầu hết cũng đều đối mặt với nhiều bất lợi trong hoạt động kinh doanh khi thị trường xây dựng và hoạt động xuất khẩu thời điểm hiện tại đang diễn biến khá chậm. 

Cuối cùng, nhóm Ô tô & Phụ tùng cũng ghi nhận diễn biến LNST tiêu cực với LNST cả ngành trong quý II/2023 đạt 143 tỷ đồng, giảm 56% svck. Các công ty thuộc VN-Index trong nhóm này chủ yếu bao gồm hai mảng kinh doanh chính: thương mại Ô tô & sản xuất săm lốp. Trong bối cảnh lãi suất cho vay tăng vào đầu năm, triển vọng thu nhập kém khả quan hơn và giá cao su ở mức thấp so với cùng kỳ năm ngoái, việc phần lớn doanh nghiệp trong ngành ghi nhận KQKD giảm sút đáng kể là điều không khó đoán.

Định giá chưa thực sự hấp dẫn trong ngắn hạn

Nhìn chung, các chuyên gia Chứng khoán KIS nhận định trong quý II, tăng trưởng LNST của các công ty thuộc VN-Index ở mức gần 0%, đưa chỉ số PE trượt về mức 14,5x. 

Trong ngắn hạn, KISVN cho rằng mức PE này không thực sự hấp dẫn cho các hoạt động đầu tư ngắn hạn khi con số này đã chạm mức PE trung bình trong giai đoạn 2018 – 2023. Đồng thời, mức PE này cũng chỉ ra rằng mức sinh lời hiện tại của VN-Index không hấp dẫn đáng kể so với lãi suất tiết kiệm (mức chênh lệch lợi suất hiện tại của E/P VNIndex và lãi suất tiền gửi đang ở mức rất thấp chỉ là 0,6%. 

“Tuy nhiên, trong dài hạn, với những thay đổi: lãi suất tiếp tục giảm, tăng trưởng LNST được cải thiện môi trường vĩ mô thuận lợi hơn và các rủi ro giảm dần, tất cả những điều này sẽ giúp VN-Index an toàn và hiệu quả hơn cho mục tiêu nắm giữ trung và dài hạn”, báo cáo của KISVN nhấn mạnh.