Toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị ASEAN lần thứ 37
Tôi nồng nhiệt chào mừng và chân thành cảm ơn tất cả quý vị lãnh đạo các nước ASEAN và các nước Đối tác của ASEAN tham dự lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị Cấp cao liên quan giữa ASEAN với các đối tác. Do dịch Covid-19, chúng ta không có dịp gặp trực tiếp trong năm qua, nhưng trên các nền tảng kỹ thuật số hiện đại, chúng ta vẫn duy trì trao đổi và hợp tác, rút ngắn khoảng cách địa lý và không gian vật chất giữa tất cả các quốc gia.
Tôi trân trọng cảm ơn Ngài Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí Thư, Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam đã đến dự và có bài phát biểu quan trọng tại lễ khai mạc ngày hôm nay.
Chúng ta đang trải qua những thời khắc vô cùng khó khăn khi cuộc sống và sinh mạng người dân bị đe dọa bởi Covid-19, đời sống kinh tế - xã hội bị đảo lộn, chất chồng thêm bởi thiên tai, bão lũ, hạn hán gay gắt,... Những tiến bộ xã hội và thành quả kinh tế tích lũy qua hàng thập kỷ có nguy cơ bị cuốn trôi và các quốc gia cần nhiều năm nữa để khắc phục và vượt qua những tổn thất này.
Trăn trở với nỗi đau của người dân, đau đáu với nhu cầu khôi phục để vượt qua giai đoạn cam go này, Chính phủ các nước ASEAN chúng ta đã đoàn kết cùng hành động ngay từ những ngày đầu. Từ giữa tháng 2/2020, Chủ tịch ASEAN đã ra Tuyên bố về Ứng phó chung của ASEAN trước bùng phát dịch Covid-19. Giữa tháng 4/2020, khi Covid-19 mới bùng phát, trên tinh thần Gắn kết và Chủ động thích ứng, đã diễn ra cuộc họp Cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 về ứng phó với dịch Covid-19, lãnh đạo các nước ASEAN và các đối tác đã có những cam kết mạnh mẽ. Tiếp đó tới Cấp cao ASEAN-36, họp tháng 6/2020, các quốc gia thành viên ASEAN đã triển khai hành động mạnh mẽ ở cả cấp quốc gia và khu vực của chúng ta.
Quỹ ứng phó Covid-19 của ASEAN công bố tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 nhận được cam kết ủng hộ tới 10 triệu USD, sẵn sàng hỗ trợ nhu cầu chống dịch của các quốc gia. Tại Cấp cao ASEAN lần thứ 37 lần này, chúng ta sẽ lập Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp của ASEAN và thông qua Khung chiến lược ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp của ASEAN. Với hỗ trợ của Nhật Bản, ASEAN thống nhất sẽ hành động thành lập Trung tâm khu vực ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh. Đây là những kết quả hợp tác thiết thực, có ý nghĩa nâng cao năng lực chung ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp và nguy cơ dịch bệnh trong tương lai.
Khó khăn không chùn bước, thách thức chẳng sờn lòng, dịch bệnh Covid-19 đã không thể cản trở tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Chúng ta vui mừng thấy hợp tác trên 3 trụ cột vẫn được triển khai tích cực, đúng tiến độ qua kết quả đánh giá giữa kỳ các Kế hoạch tổng thể thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Nhân đây, tôi cũng xin nhấn mạnh nhu cầu cần thiết nâng cao năng lực thể chế và khả năng vận hành hiệu quả của bộ máy ASEAN để thích ứng với các yêu cầu, đòi hỏi tình hình mới. Rà soát triển khai Hiến chương ASEAN là rất cần thiết và tại Hội nghị ASEAN lần thứ 37, các Nhà Lãnh đạo sẽ cho ý kiến chỉ đạo về nhiệm vụ quan trọng này.
Thực hiện nhiệm vụ kép vừa chống dịch, vừa thúc đẩy phục hồi, chúng ta sẽ chính thức thông qua tại Hội nghị lần này Khung phục hồi tổng thể ASEAN và Kế hoạch triển khai cụ thể cho cả 3 trụ cột. Các kế hoạch duy trì ổn định chuỗi sản xuất và cung ứng, đẩy mạnh kết nối và khôi phục giao thương trong khu vực đang được khẩn trương thúc đẩy. Hình thành khuôn khổ đi lại an toàn cho doanh nhân, nhà đầu tư trong bối cảnh Covid-19. Trước mắt, chúng ta có thể xem xét mở lại lối đi chung cho công dân ASEAN tại các cửa khẩu.
Ba phần tư thế kỷ đã trôi qua kể từ khi chiến tranh Thế giới thứ Hai kết thúc, nhưng hòa bình và an ninh thế giới chưa thực sự bền vững. Năm qua, hòa bình, ổn định càng trở nên mong manh bởi các nguy cơ chất chồng đến từ hành xử khó đoán định của các quốc gia, cạnh tranh, cọ xát giữa các nước lớn, hệ thống đa phương quốc tế chịu nhiều thách thức, các vấn đề an ninh phi truyền thống, các xu thế cực đoan ngày càng trở nên gay gắt.
Nhận thức được lợi thế và nguy cơ đặt ra với khu vực, ASEAN trên tinh thần tự cường, đã tỉnh táo và kiên định tiếp cận cân bằng và hài hòa, giữ vững vai trò trung tâm, không bị chao đảo, cuốn vào các dòng xoáy biến động thế giới và khu vực. Tôi hoan nghênh Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN nhân kỷ niệm 53 năm thành lập hiệp hội, đã khẳng định quyết tâm duy trì khu vực Đông Nam Á hòa bình, an ninh, ổn định và trung lập. ASEAN cũng đã thể hiện nhất quán lập trường nguyên tắc và cam kết mạnh mẽ xây dựng Biển Đông, nơi có tuyến hàng hải huyết mạch của khu vực và toàn cầu, trở thành vùng biển hòa bình và ổn định, an ninh và an toàn cho tự do lưu chuyển hàng hóa, nơi mà khác biệt, tranh chấp được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, nơi pháp luật được tôn trọng, tuân thủ và các giá trị chung được khẳng định. Đề cao ý nghĩa của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, là khung khuôn khổ cho mọi hoạt động trên biển, chúng ta trông đợi sớm hoàn thành Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982.
Trong 75 năm qua, với vai trò thúc đẩy của Liên hợp quốc thông qua các Tuyên bố và Nghị quyết quan trọng, thế giới và khu vực chúng ta đạt những tiến bộ đáng khích lệ trong thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Nhân dịp này, chúng ta sẽ lần đầu tiên tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh lãnh đạo nữ ASEAN để đại diện lãnh đạo nữ từ các nước trực tiếp lên tiếng về vai trò của phụ nữ thúc đẩy phát triển bền vững trong thế giới hậu Covid-19.
Khép lại năm 2020, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và Cấp cao giữa ASEAN với các Đối tác sẽ có ý nghĩa quan trọng trong hoàn tất triển khai các ưu tiên đề ra của năm 2020 và định hướng hợp tác trong giai đoạn tới.
Trước hết, ASEAN cần tập trung nguồn lực và nỗ lực ở mức cao nhất để từng bước đẩy lùi nguy cơ dịch bệnh Covid-19, sớm có vaccine phòng bệnh cũng như phương thức điều trị hữu hiệu, nâng cao năng lực y tế dự phòng để đáp ứng tốt nhất với các tình huống y tế khẩn cấp, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân. Song song với đó, chúng ta cần đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh, việc làm và sinh kế cho người dân. Các Hội đồng Cộng đồng ASEAN khẩn trương bắt tay thực hiện Khung phục hồi tổng thể của ASEAN và Kế hoạch triển khai ngay sau hội nghị này.
Góp phần tái định hình thế giới sau Covid-19, ASEAN cần xác lập vị trí của mình trong sự dịch chuyển sức mạnh kinh tế-chính trị giữa các quốc gia cũng như những điều chỉnh của chuỗi sản xuất-cung ứng toàn cầu. Lợi thế cạnh tranh sẵn có của ASEAN cần được bổ sung thêm các giá trị của khoa học công nghệ tiên tiến, năng lực chuyển đổi số, nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như khả năng đa dạng hóa các thị trường đầu vào và đầu ra.
Thứ hai, Phát triển đồng đều, bền vững, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xây dựng Cộng đồng ASEAN, nhất là khi dịch bệnh, thiên tai đang đe dọa làm suy giảm tăng trưởng của cả khu vực. ASEAN khẳng định cam kết và tình đoàn kết trong thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền và các quốc gia, gắn kết và hài hòa các nỗ lực phát triển tiểu vùng, như Mekong, khu vực phát triển Đông ASEAN, với tiến trình phát triển chung của ASEAN.
Thứ ba, hòa bình, ổn định là điều kiện tiên quyết để phục hồi và phát triển. Ổn định chỉ có được khi quan hệ quốc tế được duy trì dựa trên luật lệ, các quốc gia cùng tôn trọng, hiểu biết, đối thoại, hợp tác và tin cậy lẫn nhau. ASEAN sẽ tiếp tục phát huy vai trò trung tâm trong dẫn dắt các tiến trình đối thoại và hợp tác sâu rộng ở khu vực; gắn kết sự tham gia, đóng góp của các đối tác vào các vấn đề thuộc quan tâm và lợi ích chung, ứng phó hữu hiệu với các thách thức.
Trên tinh thần đó, chúng ta sẽ thông qua các tuyên bố quan trọng với các Đối tác dịp này, trong đó có (i) Tuyên bố kỷ niệm 15 năm tiến trình EAS, (ii) Tuyên bố về tăng cường hợp tác ASEAN+3 trong nâng cao năng lực tự cường kinh tế tài chính trước các thách thức đang nổi lên. Chúng ta cũng sẽ chính thức (iii) kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), khẳng định quyết tâm mạnh mẽ về tự do hóa thương mại và liên kết của ASEAN và các đối tác.
Chúng ta cũng sẽ tiếp tục nỗ lực kiến tạo cấu trúc hợp tác đa phương khu vực dựa trên luật lệ, hình thành và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử được thừa nhận rộng rãi. Cuba, Colombia và Nam Phi sẽ tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) tại hội nghị lần này.
Cuối cùng, bản sắc và tình đoàn kết, gắn bó của Cộng đồng ASEAN càng cần được đề cao trong giai đoạn khó khăn, thử thách này. Tôi hoan nghênh thông qua Bản tường trình về bản sắc ASEAN, các khuyến nghị của Hội đồng Điều phối ASEAN về khuyến khích treo cờ ASEAN tại các quốc gia thành viên và sử dụng ASEAN ca trong các hoạt động chính thức của ASEAN. Để vinh danh các cá nhân, tổ chức đóng góp thiết thực cho sự phát triển của ASEAN, Hội đồng chấm Giải thưởng ASEAN đã quyết định trao giải thưởng năm 2020 cho Trung tâm nghiên cứu ASEAN trực thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á của Trường Ai-sít U-sốp I-sác vì những công trình nghiên cứu góp phần thúc đẩy hợp tác khu vực và tăng cường nhận thức về Cộng đồng ASEAN.
Chúng ta sẽ có một lịch trình hoạt động dày đặc trong các ngày tới đây. Tôi tin tưởng vào tầm nhìn xa trông rộng và tư duy sáng suốt của các nhà lãnh đạo ASEAN, sự tham gia, đóng góp tích cực của các đối tác, các tổ chức quốc tế hàng đầu như Liên Hợp Quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới v.v. cho thành công của chuỗi hội nghị chúng ta.
Đoàn kết và tự cường, ASEAN sẽ vững vàng vượt lên các thách thức, hướng tới cuộc sống ấm no, thịnh vượng cho hơn 600 triệu người dân, đóng góp hiệu quả cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Trên tinh thần đó, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị Cấp cao liên quan.