Tôm Ấn Độ liên tục gặp khó tại các thị trường lớn trên thế giới
Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã cho rằng loại tôm nước ấm đông lạnh của Ấn Độ đang hoặc có khả năng được bán ở thị trường Mỹ với giá thấp hơn giá trị bình thường trong giai đoạn xem xét.
Phía Mỹ chọn ra hai công ty MSA Marines và HN Indigos để tiến hành điều tra tại khoảng thời gian từ 1/2/2019 đến ngày 31/1/2020.
Dựa trên kết luận sơ bộ thì có khả năng tôm từ MSA Marines sẽ phải chịu mức thuế chống bán phá giá 4,73% trong khi các sản phẩm từ HN Indigos sẽ bị đánh thuế 11,36%. Các sản phẩm từ 153 nhà xuất khẩu tôm khác của Ấn Độ sẽ bị đánh thuế suất tương tự là 7,57%. Đây được đánh giá là mức thuế cao kỷ lục mà phía Mỹ áp đặt lên tôm từ Ấn Độ.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Không chỉ tại Mỹ, mà sản phẩm tôm từ Ấn Độ cũng đang gặp khó khăn tại Trung Quốc khi bị chính quyền nước này yêu cầu 8 công ty xuất khẩu thủy sản sang tạm thời bị đình chỉ. Lý do chính là bởi xét nghiệm axit nucleic coronavirus đã cho kết quả dương tính đã được tìm thấy trên 7 mẫu bao bì bên ngoài của một lô hàng cạp đen đông lạnh, hai mẫu từ bao bì bên ngoài của hai lô tôm thẻ chân trắng đông lạnh và 11 mẫu từ bao bì bên ngoài của tám lô tôm thẻ chân trắng đông lạnh.
Các doanh nghiệp từ Ấn Độ chịu lệnh cấm này bao gồm: Wellcome Fishery, Suryamitra Exim, St. Peter & Paul Seafood Exports, J.M. Marine Exports, Shivganga Marine Products và S. S. International.
Padmashree Export đã bị tạm ngừng xuất khẩu trong 2 tuần, trong khi RVR Marine Products Limited phải đối mặt với lệnh đình chỉ mang tính chất nghiêm trọng hơn khi bị Trung Quốc giới hạn tới 9 tuần.
Việc tôm từ Ấn Độ đối mặt với loạt áp lực khá lớn từ thuế chống bán phá giá cũng như lệnh đình chỉ xuất khẩu đã vô hình chung tạo điều kiện cho sản phẩm tôm Việt Nam có thể bứt phá mạnh mẽ trong tương lai tại các thị trường lớn, nhất là đối với thị trường chủ lực Mỹ.
Xuất khẩu tôm trong tháng 6 đạt khoảng 402 triệu USD, tăng 15%, đưa tổng kim ngạch 6 tháng đầu năm 2021 lên 1,7 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo đó, mặt hàng tôm chân trắng chiếm 76% đạt trên 1,3 tỷ USD, tăng 23%; tôm sú chiếm 15%, đạt 257 triệu USD, giảm 10%; tôm biển các loại chiếm 9% đạt 154 triệu USD, giảm 16%.
Tại Hoa Kỳ, thị trường thu mua các sản phẩm tôm lớn nhất thế giới (chiếm 30% kim ngạch nhập khẩu tôm thế giới và chiếm 22% giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam), tôm Việt Nam chiếm 8,5% thị phần, đứng ngay sát phía sau các quốc gia xuất khẩu tôm lớn như Ấn Độ, Indonesia và Ecuador.
H.S
Xem thêm: Thủy sản xuất khẩu phục hồi về mức trước đại dịch, đạt giá trị hơn 4,1 tỷ USD nửa đầu năm 2021