Tổng Bí thư kỳ vọng về một ngành xây dựng-kiến trúc Việt Nam hiện đại, bản sắc
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương những thành tựu đã đạt được và sự nỗ lực cố gắng của toàn ngành xây dựng trong 60 năm qua.
Theo Tổng Bí thư, trong suốt 60 năm xây dựng và trưởng thành, ngành xây dựng đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, luôn giữ vững và khẳng định được vị trí, vai trò là một trong những ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn, có đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ngành đã chuyển từ một cơ quan chủ yếu làm nhiệm vụ thi công, xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng sang một cơ quan quản lý nhà nước về các lĩnh vực xây dựng, với nội dung, phương thức quản lý phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước; đã đổi mới và hoàn thiện thể chế pháp luật liên quan, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; đã phát triển nhanh chóng năng lực xây dựng, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và làm chủ khoa học, công nghệ, đủ sức xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia với quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật cao.
Với những thành tựu đạt được, ngành xây dựng đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng (năm 1998), hai Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1994 và năm 2008), hai Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 2007 và năm 2015) và nhiều huân, huy chương và danh hiệu cao quý khác.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, Tổng Bí thư cũng chỉ rõ một số tồn tại hạn chế của ngành, trong đó có công tác quản lý nhà nước, công tác tham mưu xây dựng thể chế, pháp luật về xây dựng có mặt chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, chưa giải quyết tốt các vướng mắc từ thực tiễn, quy hoạch xây dựng ở nông thôn chưa được quan tâm đúng mức; thị trường bất động sản còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và chưa được kiểm soát chặt chẽ; cơ cấu sản phẩm, phân bố nguồn lực tài chính, thông tin thị trường chưa đầy đủ và minh bạch. Nhà ở xã hội còn thiếu so với yêu cầu…
Tổng Bí thư nhấn mạnh, trước những yêu cầu và thách thức trong tình hình mới, ngành xây dựng cần tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về xây dựng. Đổi mới tư duy trong công tác tham mưu hoàn thiện hệ thống thể chế, pháp luật về xây dựng, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đủ sức điều chỉnh được các hoạt động xây dựng trong thực tiễn, phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.
Trong đó, cần hoàn thiện luật pháp và cơ chế, chính sách để xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại và có bản sắc dân tộc rõ rệt, phù hợp với từng vùng, miền. Bổ sung, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá xây dựng, khuyến khích áp dụng công nghệ mới để nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng và góp phần chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong đầu tư xây dựng, nhất là trong quản lý và sử dụng đất đai.
Bên cạnh đó, phát triển mạnh năng lực ngành xây dựng đạt trình độ tiên tiến, tiếp cận và làm chủ khoa học, công nghệ-kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu xây dựng trong nước, nhất là đối với các công trình trọng điểm quốc gia quy mô lớn, kỹ thuật cao trong các lĩnh vực; có khả năng cạnh tranh trên thị trường xây dựng khu vực và thế giới; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển xây dựng với yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh và xây dựng khu vực phòng thủ.
Tổng Bí thư cũng yêu cầu ngành xây dựng tập trung thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI và khoá XII về xây dựng và chỉnh đốn Đảng gắn với việc đẩy mạnh "học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", xây dựng các tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong ngành thật sự trong sạch, vững mạnh, gương mẫu, hết lòng, hết sức phụng sự nhân dân, phục vụ đất nước.
Được biết, Ty Kiến thiết đô thị và Kiến trúc (tiền thân của Bộ Xây dựng) ra đời ngay sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Quá trình hình thành và phát triển của ngành Xây dựng Việt Nam gắn liền với quá trình phát triển của lịch sử dân tộc, ngày càng trở thành một trong những ngành kinh tế-kỹ thuật mũi nhọn, có đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Ngành đã đặt những viên gạch đầu tiên cho sự nghiệp phát triển công nghiệp Việt Nam như các nhà máy thuỷ điện Lào Cai, Thác Bà, các khu công nghiệp Việt Trì, gang thép Thái Nguyên, các trường đại học, bệnh viện, các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình phúc lợi, nhà ở.
Cùng với đó là những công trình trọng điểm có ý nghĩa quốc gia như Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thuỷ điện Sông Đà, Sơn La, Lai Châu, Ya-ly; xi măng Bỉm Sơn, Nghi Sơn; lọc dầu Dung Quất; đường Hồ Chí Minh; hầm đèo Hải Vân…
Trong hơn 30 năm đổi mới, năng lực xây dựng của Ngành có sự phát triển đột phá, từng bước làm chủ khoa học, công nghệ, đủ sức cạnh tranh trên thị trường xây dựng trong nước, từng bước mở rộng thị trường ở nước ngoài.
Số lượng thầu nhà thầu xây dựng của Việt Nam hiện nay là rất lớn. Theo số liệu ước tính của Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI), hiện Việt Nam có khoảng 150.000 nhà thầu xây dựng, trong đó có khoảng 2.000 nhà thầu cỡ lớn và vừa. Tính trung bình cứ 2.2km2 có một nhà thầu xây dựng và điều này chứng tỏ thị trường xây dựng tại Việt Nam đang diễn ra sôi động, có nhiều dự án đang triển khai.
Nguồn lực phục vụ Ngành dồi dào, với khoảng 9.000 kỹ sư/triệu dân, gấp 3 lần so với mức bình quân của thế giới là 3.000 kỹ sư/triệu dân. Các kỹ sư xây dựng Việt Nam được đào tạo khá bài bản và có trình độ cao, đáp ứng được yêu cầu cao của thị trường hiện nay.
Nguồn vốn nước ngoài đầu tư vào ngành Xây dựng Việt Nam lớn. Mỗi năm có từ 40-50% nguồn vốn FDI đổ vào Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng ước đạt 4-5 tỷ USD/năm, chưa kể đến các công ty trong nước cũng đầu tư xây dựng và khai thác lĩnh vực ngày, làm cho ngành xây dựng ngày càng phát triển.
Nhà nước tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, quản lý trong đầu tư xây dựng và xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
Ngành Xây dựng từ nay đến năm 2021 có triển vọng phát triển rất lớn. Thực hiện quyết liệt yêu cầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngành Xây dựng sẽ đứng vững và phát triển, ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của mình trong nền kinh tế đất nước.