Tổng Công ty Điện lực Hà Nội: Nhìn lại năm 2018
Theo đó, sản lượng điện thương phẩm năm 2018 đạt 17.912,05 triệu kWh (tăng 9,21% so với năm 2017); sản lượng điện tiêu thụ lớn nhất (Apmax): 86,53 triệu kWh ngày 05/7 (tăng 9,3% so với Apmax 2017); công suất lớn nhất (Pmax): 4.231 MW lúc 14h ngày 05/7; số lượng khách hàng mua điện: 2.466.284 khách hàng; chỉ số độ tin cậy cung cấp điện: Thời gian mất điện (SAIDI) thực hiện 483,42 phút (giảm 72,7 phút so với năm 2017).
Trong năm qua tình hình thời tiết có nhiều biến động, nhiều đợt nắng nóng kéo dài, Tổng Công ty đã huy động trực tăng cường đảm bảo cung ứng điện trong đợt nắng nóng cao điểm từ ngày 30/6-05/7. Sau nắng nóng là những đợt mưa giông lớn trên diện rộng gây ảnh hưởng ngập úng cục bộ. Tổng Công ty đã chỉ đạo đơn vị chủ động tách nguồn cung cấp điện ra khỏi vận hành tại các xã ngập lụt trên địa bàn huyện Chương Mỹ. Sau khi nước rút, bố trí CBCNV kiểm tra đường dây dẫn điện trong từng hộ gia đình trước khi đóng điện để đảm bảo an toàn điện cho nhân dân.
Trong năm 2018, Tổng Công ty đã huy động tăng cường 41.834 ca trực đảm bảo điện; 124 lệnh điều động đột xuất các đơn vị trực đảm bảo điện và bố trí máy phát điện diezel ứng trực dự phòng đảm bảo vận hành an toàn, cung cấp điện ổn định, tin cậy.
Những năm qua, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội tiếp tục thực hiện chủ trương ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng nhằm đem đến sự thuận tiện tối đa cho khách hàng như: Cung cấp 32 dịch vụ điện trực tuyến (Webiste, email, ứng dụng) qua Trung tâm Chăm sóc khách hàng và các cổng thông tin điện tử Thành phố, quận, huyện...; duy trì chăm sóc khách hàng qua tin nhắn SMS và dịch vụ tin nhắn chủ động tra cứu thông tin về điện qua đầu số 8088; cung cấp ứng dụng EVNHANOI CSKH chạy trên các thiết bị di động, cho phép khách hàng có thể tra cứu nhanh chóng thông tin về hóa đơn tiền điện, giá điện, lịch ghi chỉ số, chỉ số điện tiêu thụ, lịch tạm ngừng cung cấp điện, tình hình tiêu thụ điện (điện năng tiêu thụ và tiền điện) để khách hàng có thể đối chiếu, so sánh; triển khai dịch vụ tra cứu ảnh chụp chỉ số công tơ, tra cứu chỉ số công tơ theo ngày đối với công tơ đã được lắp đặt hệ thống đo xa, bổ sung chức năng tính sản lượng, tiền điện và các chức năng nâng cao khác để tạo thuận tiện cho khách hàng trong việc tra cứu thông tin...
Về thực hiện chỉ số tiếp cận điện năng, giải quyết cấp điện trung áp với thời gian trung bình là 4,84 ngày (đối với phần việc thuộc trách nhiệm của EVN HANOI, thấp hơn 2,16 ngày so với quy định của EVN và thấp hơn 1,03 ngày so với thực hiện năm 2017). Đây là chỉ số quan trọng giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam nói chung và Thành phố Hà Nội nói riêng theo tinh thần Nghị quyết 19 của Chính phủ; đóng góp vào thành tích chung của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tăng 37 bậc, đứng thứ 27/190 nền kinh tế, đạt mục tiêu vào Top 4 ASEAN.
Tổng Công ty cũng mở rộng, đa dạng hóa các hình thức thanh toán tiền điện linh hoạt đem lại sự thuận tiện cho khách hàng qua 17 ngân hàng và 5 tổ chức trung gian. Đẩy mạnh khuyến khích khách hàng sử dụng các hình thức thanh toán hiện đại, hiệu quả như: Trích nợ tự động, thanh toán qua internet banking/mobile banking do vậy tỉ lệ thanh toán qua ngân hàng và tổ chức trung gian thanh toán đạt 74,8%, trong đó tỉ lệ thanh toán trực tuyến chiếm 20,94%.
Từ ngày 01/8/2018, Tổng Công ty đã triển khai mô hình Phòng giao dịch khách hàng và mô hình trực sửa chữa điện mới (83 Phòng giao dịch khách hàng và 74 điểm trực sửa chữa điện) để đảm bảo chất lượng công tác dịch vụ khách hàng.
Tổng Công ty đã phát triển và cho ra mắt ứng dụng công nghệ robot và trí tuệ nhân tạo trong chăm sóc khách hàng tự động - Chatbot (phiên bản 2.0). Hiện nay, Chatbot đã được đưa vào vận hành, phục vụ khách hàng sử dụng điện trên mạng xã hội Facebook và trên website Tổng Công ty...
Tổng Công ty đã nâng cấp và chuẩn hóa Trung tâm Chăm sóc khách hàng (Tổng đài số 19001288 và 024.22222000) vận hành 24/24h đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng, tiếp nhận 612.481 cuộc gọi trong năm 2018.
Triển khai có hiệu quả các hoạt động tuyên truyền sử dụng điện an toàn, hiệu quả, Giờ Trái đất và tri ân khách sử dụng điện (Tổ chức hội nghị tri ân khách hàng tại Tổng Công ty và 30 công ty điện lực; sSửa chữa, thay mới đường dây, đèn Led miễn phí cho 2.100 hộ nghèo, hộ gia đình chính sách; lắp đặt miễn phí điện mặt trời áp mái cho 10 hộ gia đình thương binh, liệt sĩ, hộ nghèo; vệ sinh công nghiệp trạm biến áp miễn phí cho 150 khách hàng...)
Năm 2018, Tổng Công ty đã đóng điện 12 công trình 220 kV, 110 kV có tính chất quan trọng trong công tác vận hành, tăng cường khả năng truyền tải của đường dây và công suất cho các trạm biến áp, với năng lực tăng thêm là 714 MVA và 116,2 km dây dẫn. Bên cạnh đó, Tổng Công ty đã hoàn thành đưa vào vận hành 300 công trình đầu tư xây dựng lưới điện trung/hạ thế với năng lực tăng thêm: 549 MBA; 304 MVA; 795 km dây dẫn trung thế; 965 km dây dẫn hạ thế.
Tiếp tục chủ động áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ một cách đồng bộ trong các lĩnh vực: Đưa vào các chương trình phần mềm quản lý công tác kỹ thuật, quản lý độ tin cậy cung cấp điện, quản lý thiết bị trên bản đồ số…; triển khai chương trình sửa chữa điện nóng hotline; xây dựng đề án nghiên cứu, phát triển ứng dụng CMCN 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh; triển khai mô hình trạm biến áp không người trực; phát triển các hệ thống thu thập dữ liệu vận hành từ xa…
Đưa vào vận hành có hiệu quả Trung tâm điều khiển hiện đại nhằm đáp ứng các yêu cầu thao tác xa thiết bị trên lưới điện Hà Nội (46/46 trạm biến áp 110 kV, 220 kV).
Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa liên thông và ứng dụng công nghệ trong giao dịch khách hàng. Đẩy mạnh triển khai rộng rãi phần mềm quản lý cấp điện trên hệ thống điện tử, ứng dụng chữ ký số trong các khâu nghiệp vụ.
Thực hiện có hiệu quả đề án “Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động giai đoạn 2016-2020”.
Triển khai, xây dựng phần mềm E-learning, hệ thống đào tạo điện tử nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho CBCNV Tổng Công ty. Hoàn thành 07 bài giảng điện tử về công tác quản trị doanh nghiệp, 04 bài về công tác an toàn điện, 01 bài về công tác quản lý đấu thầu.
9 trọng tâm công tác năm 2019
Bước vào năm 2019, năm quyết định thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô giai đoạn 2016-2020, với chủ đề công tác năm 2019 của thành phố Hà Nội tiếp tục là “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị” và chủ đề của Tập đoàn Điện lực Việt Nam là “Nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống điện và thị trường điện”, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội đặt ra một số mục tiêu cụ thể:
Đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ sinh hoạt của nhân dân Thủ đô với mức tăng trưởng điện dự kiến 9,1%; Giảm đến mức thấp nhất thời gian mất điện, dần từng bước kiểm soát điều khiển lưới điện theo hướng tự động hoá, nâng cao khả năng phát hiện nhanh, ngăn ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ sự cố.
Hoàn thành kế hoạch các chỉ tiêu đầu tư xây dựng, vận hành, kinh doanh, tài chính và năng suất lao động do EVN giao.
Đảm bảo tiến độ đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành các dự án cải tạo, phát triển lưới điện theo kế hoạch; Đặc biệt phải hoàn thành các công trình cấp bách cấp điện cho Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương giao, nhất là các công trình 220 kV, 110 kV cấp điện cho vùng trung tâm Hà Nội, đông bắc Hà Nội và một số khu vực phía tây, phía nam Hà Nội.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng. Nâng cao hình ảnh thương hiệu của EVNHANOI, góp phần xây dựng niềm tin của khách hàng đối với ngành điện, đúng với tinh thần khẩu hiệu "EVN thắp sáng niềm tin".
Thu xếp đủ vốn và tối ưu hóa trong việc cân đối, sử dụng các nguồn vốn đáp ứng nhu cầu cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng của Tổng công ty.
Chủ động áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ một cách đồng bộ, mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực đặc biệt trong lĩnh vực kỹ thuật vận hành nhằm đem lại hiệu quả cao trong SXKD và bảo vệ môi trường. Thực hiện tốt chủ đề năm 2019 “Nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống điện và thị trường điện”.
Điều chỉnh mô hình tổ chức và cơ cấu lại nguồn nhân lực, đảm bảo phù hợp với yêu cầu tại quyết định số 220/QĐ-EVN của EVN và phương án tái cơ cấu của Tổng Công ty đã được EVN phê duyệt. Hoàn thiện quy chế quản lý nội bộ và nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý và điều hành, nhất là tài chính.
Đảm bảo việc làm, chế độ phúc lợi và nâng cao đời sống cán bộ công nhân viên. Thực hiện tốt nhiệm vụ tham gia đảm bảo an sinh xã hội và an ninh, quốc phòng.
Chấp hành nghiêm pháp luật về phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Phát huy có hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thực hiện tốt dân chủ cơ sở./.