Tổng Giám đốc VinBioCare: Chúng tôi cung cấp vaccine với giá phi lợi nhuận
Đầu tiên, bà Lê Ngọc Chi đã cung cấp những thông tin về đối tác của Vingroup để chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine phòng chống COVID-19. Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Arcturus (Arcturus Therapeutics Holdings, Inc.), có trụ sở tại Mỹ nổi tiếng hoạt động trong lĩnh vực công nghệ sinh học với phương pháp điều trị các bệnh hiểm nghèo và truyền nhiễm dựa trên công nghệ mRNA. Theo bà Chi, công nghệ vaccine này thuộc hàng tiên tiến đang được áp dụng với một số loại vaccine phòng COVID-19 trên thế giới.
Nữ Tổng Giám đốc 41 tuổi của VinBioCare tiếp tục chia sẻ rằng công nghệ saRNA (self-amplifying mRNA) của Acturus sở hữu nhiều ưu điểm so với các loại vaccine khác trên thị trường như: Cho phép các phân tử RNA tự nhân bản và tổng hợp protein kháng nguyên. "Đội quân" protein kháng nguyên được tạo ra sẽ nhiều gấp 30 lần so với công nghệ mRNA thông thường, đồng nghĩa có thể sử dụng với liều thấp nhưng tạo kích thích miễn dịch kéo dài.
Bà Lê Ngọc Chi, Tổng Giám đốc mới được bổ nhiệm tại VinBioCare.
Bên cạnh đó, loại công nghệ này còn không gây nên tình trạng tích luỹ lipid trong cơ thể người, ảnh hưởng đến sức khoẻ. Qua quá trình nghiên cứu thử nghiệm thì loại vaccine này có khả năng chống lại các biến chủng nguy hiểm hiện tại như Delta (Ấn Độ), Alpha (Anh), Beta (Nam Phi), Gamma (Brazil).
Theo bà Chi, công nghệ mới đã được Bộ Y tế phê duyệt đề cương thử nghiệm lâm sàng của vaccine này (sản phẩm dùng cho thử nghiệm được sản xuất tại Đức do nhà máy của chúng tôi đang được gấp rút triển khai lắp đặt). VinBioCare đang bắt đầu thử nghiệm lâm sàng trên 21.000 người. Sau khi có kết quả đạt yêu cầu (dự kiến hoàn thành tháng 12/2021), công ty sẽ trình hồ sơ đăng ký xin Bộ Y tế cấp phép sử dụng khẩn cấp có điều kiện cho vaccine này tại Việt Nam.
Trước những băn khoăn về Công nghệ mới liệu có đi kèm với điều kiện sử dụng khắt khe hơn không? Bà Lê Ngọc Chi trả lời rằng "Công nghệ đông khô sử dụng trong quá trình sản xuất sẽ giúp sản phẩm có thể vận chuyển và bảo quản ở nhiệt độ cao hơn nhiều so với đa phần các loại vaccine hiện nay (một số loại vaccine hiện hành đều đang phải bảo quản trong điều kiện nhiệt độ âm sâu từ -80°C đến -70°C)". Do đó, VinBioCare có thể tự tin tối ưu chi phí vận chuyển và đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng, đặc biệt là tại những khu vực có điều kiện khó khăn.
Chia sẻ thêm về kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất, nữ tổng giám đốc cho biết doanh nghiệp đang gấp rút triển khai với sự tư vấn của Rieckermann (Đức) – một trong những đơn vị tư vấn lớn và uy tín nhất thế giới trong cung cấp giải pháp lĩnh vực dược. Nhà máy sẽ tọa lạc ở Tổ hợp Nhà máy sản xuất thiết bị điện tử VinSmart tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội); được xây dựng theo tiêu chuẩn GMP với công suất 200 triệu liều/năm.
Hơn nữa, để đáp ứng nhu cầu của người dân trong nước, VinBioCare cho biết đã thuê trọn gói chuyên cơ để đưa dây chuyền sản xuất vể Việt Nam nhanh nhất và chạy đua với thời gian để giúp Việt Nam tự chủ vaccine công nghệ mới.
Kết hợp với nhiều giải pháp thì lô vaccine thương mại đầu tiên có thể ra đời vào tháng 3/2022, sớm hơn 18 tháng so với kế hoạch ban đầu mà đối tác dự kiến và vẫn bảo đảm tuân thủ chất lượng theo đúng các tiêu chuẩn quốc tế cao nhất và đúng các quy định của Bộ Y tế Việt Nam. Bà Chi cho biết, cách làm tuy tốn thêm nguồn lực nhưng trước tình hình hiện tại, không điều gì quan trọng hơn mục tiêu phục vụ và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, sớm có vaccine cho người dân.
Cuối cùng, trước những thắc mắc của phóng viên Nhịp sống kinh tế về vấn đề do nhìn thấy tiềm năng siêu lợi nhuận từ vaccine nên Vingroup mới đầu tư thì TGĐ VinBioCare trả lời rằng họ sẽ đảm bảo cung cấp vaccine phòng COVID-19 cho người dân với giá phi lợi nhuận, chỉ gồm chi phí sản xuất. Giá vaccine do công ty sản xuất dự kiến rẻ hơn so với sản phẩm cùng phân khúc đang được chào bán trên thị trường.
Trong tương lai VinBioCare mới nghĩ đến việc đàm phán với đối tác, hướng tới xuất khẩu để có thể chia sẻ gánh nặng bệnh tật và đẩy lùi dịch COVID-19 với các quốc gia khác trên toàn cầu.
Được biết, mục đích thành lập của VinBiocare đã được ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT của Vingroup từng chia sẻ tại ĐHĐCĐ rằng mục tiêu VinBiocare là hướng sản xuất kinh doanh mới, nhắm đến sản xuất công nghệ sinh học và sẽ tạo ra môi trường, hệ sinh thái về sản phẩm công nghệ sinh học, không chỉ bó hẹp trong sản xuất vaccine.
Theo ông Vượng, doanh nghiệp thành viên này sẽ đảm nhận tất cả, từ công đoạn xét nghiệm, đến vaccine, đến thực phẩm chức năng, đến thuốc chữa bệnh. Vingroup sẽ làm những việc đó thật thận trọng, chắc chắn. Về vấn đề nguồn thu, thì trước mắt đất nước đang cần nên tập đoàn sẽ không hướng tới mục đích kinh doanh, dự án sẽ hoàn toàn phi lợi nhuận để phục vụ cho cộng đồng.
Bà Lê Ngọc Chi (sinh năm 1980) đã được bổ nhiệm vào ghế Tổng Giám đốc VinBiocare vào ngày 31/7/2021. Nữ tướng này gia nhập Vingroup từ tháng 5/2015 và từng đảm đương nhiều vị trí khác nhau tại Tập đoàn Vingroup như: Trưởng phòng quan hệ nhà đầu tư, Giám đốc phát triển dự án, Phó Trưởng ban tài chính đối ngoại. Đến tháng 2/2019, bà Chi được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Nam Grand Prix, công ty từng có kế hoạch tổ chức chặng đua F1 tại Việt Nam. Tuy nhiên, đáng tiếc phải tạm hoãn kế hoạch do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Công ty CP Công nghệ Sinh học VinBiocare là Công ty do tập đoàn Vingroup thành lập, với tầm nhìn xây dựng hệ sinh thái Nghiên cứu – Sản xuất – Đào tạo về Công nghệ Sinh học hiện đại, phục vụ con người, thú y, thuỷ sản, thực vật và thực phẩm. |
H.S (t/h)
Xem thêm: Vingroup nhận chuyển giao độc quyền công nghệ sản xuất Vắc xin mRNA phòng Covid-19 tại Việt Nam