Tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may dự kiến đạt 39 tỷ USD năm 2019
(DNVN) - Trong năm 2019, ngành dệt may Việt Nam chịu sự tác động rất lớn của tình hình suy giảm kinh tế thế giới do biến động chính trị và xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn, đặc biệt là xung đột thương mại Mỹ-Trung song ngành vẫn giữ được mức tăng trưởng khá với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 39 tỷ USD.
Phát biểu tại buổi họp báo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) về Lễ Kỷ niệm 20 năm thành lập và Hội nghị Tổng kết 2019 sáng 3/12, tại Hà Nội, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho hay: Năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may dự kiến đạt 39 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 7,55% so với năm 2018. Như vậy, kết quả này kém 1 tỷ USD so với mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD đặt ra từ đầu năm nay.
Kim ngạch nhập khẩu dệt may cả năm ước đạt 22,38 tỷ USD, tăng 2,21%. Giá trị nhập khẩu phục vụ cho xuất khẩu đạt 19,26 tỷ USD, tăng 4,96%. Giá trị nội địa tăng thêm (thặng dư thương mại) của hàng hóa dệt may xuất khẩu đạt 19,73 tỷ USD, tăng 10,19%; xuất siêu 16,62 tỷ USD, tăng 2,25 tỷ USD.
Về thị trường, Hoa Kỳ vẫn là thị trường lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 15,2 tỷ USD, chiếm tỉ trọng 38,97%; EU đạt 4,4 tỷ USD, chiếm tỉ trọng 11,28%; Trung Quốc đạt 4,25 tỷ USD, chiếm tỉ trọng 10,9%...
Năm 2019 ghi nhận những nỗ lực đáng kể của Vitas trong công tác vận động chính sách như tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp phản ánh, đề xuất tháo gỡ khó khăn liên quan đến thủ tục hải quan, xuất nhập khẩu, thuế, hoàn thuế, góp ý sửa đổi Bộ luật Lao động… gửi đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan.
Nhìn nhận về chặng đường 20 năm phát triển của Vitas, vị Chủ tịch Vitas nhấn mạnh: 20 năm qua, ngành dệt may Việt Nam ghi nhận những dấu mốc ấn tượng. Cụ thể, từ chỗ ngành dệt may chủ yếu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, kim ngạch xuất khẩu rất nhỏ bé so với Thái Lan, Indonesia, Philippines…, đến nay dệt may Việt Nam đã vươn lên vị trí cường quốc xuất khẩu thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Bangladesh.
Đáng chú ý, thị trường trong nước 20 năm qua cũng tăng từ trên 300 triệu USD lên khoảng 4,5 tỷ USD. Thặng dự thương mại năm 2019 đạt 17,7 tỷ USD, tăng 106,5 lần so với 185 triệu USD của năm 1999. Với lực lượng lao động khoảng 3 triệu người, dệt may là ngành thu dụng lao động lớn nhất trong các ngành công nghiệp cả nước, góp phần quan trọng giải quyết việc làm, đảm bảo thu nhập cho người lao động, giữ vững trật tự, an toàn xã hội, tăng thu ngân sách cho Nhà nước, các địa phương và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Về vai trò của Vitas với sự phát triển của ngành dệt may Việt Nam, theo ông Giang, trong 20 năm qua, Hiệp hội đã thực hiện tốt vai trò kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau và với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hình thành chuỗi cung ứng; tổ chức nhiều đoàn xúc tiến thương mại tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… để mở rộng thị trường xuất khẩu…
“Đặc biệt, Hiệp hội đã làm tốt vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp dệt may với Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước để phán ánh những vướng mắc về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính…, đồng thời tham gia xây dựng chính sách hỗ trợ, tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp, tham gia các đoàn đàm phán của Chính phủ về các Hiệp định thương mại tự do”, ông Giang nói.
Mặt khác, nhằm nhìn nhận lại và đánh giá những dấu mốc phát triển ấn tượng của ngành dệt may Việt Nam trong 2 thập kỷ qua, Vitas sẽ tổ chức Lễ Kỷ niệm 20 năm thành lập và Hội nghị tổng kết 2019 Hiệp hội Dệt may Việt Nam trong hai ngày 13 và 14/12/2019 tại Hà Nội, với sự tham gia của khoảng 500 khách mời, đặc biệt có sự có mặt của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ - ban - ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, các hiệp hội dệt may nước ngoài, một số hiệp hội ngành trong nước, các DN hội viên...