TP HCM cấp gần 1.500 sổ hồng chỉ trong hai tháng đầu năm
Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội TP HCM chiều 29/2, ông Võ Công Lực - Trưởng phòng Quản lý đất thuộc Sở Tài nguyên Môi trường Thành phố cho biết, trong 2 tháng đầu năm nay, Văn phòng đăng ký đất đai TP HCM đã ký giấy chứng nhận cho 1.486 hồ sơ.
Đồng thời, văn phòng cũng tiếp nhận thêm 1.189 hồ sơ mới trong 2 tháng qua. Trong đó, cơ quan này đã phát hành phiếu chuyển thuế đối với 825 hồ sơ, số còn lại vẫn đang giải quyết.
Liên quan đến 81.000 căn tại các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn thành phố đã được thẩm định đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận nhưng có vướng mắc dẫn đến việc chưa thể hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận, ông Lực cho biết đã cấp khoảng 22.147 giấy chứng nhận tính đến cuối năm ngoái. Con số này cao hơn so với kế hoạch 22.000 hồ sơ đã đề ra.
Nhìn chung, về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng) cho các khu chung cư trên địa bàn, ông Lực cho biết cơ quan này vẫn đang trong quá trình giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận cho chủ đầu tư thực hiện các dự án và sau đó là cấp sổ hồng cho từng người mua nhà.
Ông Lực cũng cho biết thêm, hiện nay, Sở Tài nguyên - Môi trường TP HCM và các sở quản lý chuyên ngành của thành phố đã phân thành 10 nhóm vướng mắc chính gồm: Nhóm dự án chờ thuế; nhóm dự án chậm nộp hồ sơ cấp giấy chứng nhận; nhóm dự án bất động sản mới; nhóm dự án phải thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung; nhóm dự án có vướng mắc khác.
Bên cạnh đó còn có nhóm các dự án đang thanh tra, điều tra hoặc đang thực hiện Bản án của Tòa án; nhóm dự án có thế chấp quyền sử dụng đất tại các tổ chức tín dụng; dự án có vi phạm trật tự xây dựng; nhóm dự án có vướng mắc về nghĩa vụ nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư và nhóm dự án được phép bán nhà cho người nước ngoài.
Để giải quyết 10 nhóm khó khăn, vướng mắc nêu trên, Sở TN&MT đã kiến nghị và được UBND TP chấp thuận giải quyết trên cơ sở các dự án đã được phân nhóm, phân loại bằng các giải pháp cụ thể tương ứng với nội dung vướng mắc của từng nhóm.
Bên cạnh đó, Sở cũng đề nghị lập Tổ công tác của UBND TP do Thường trực UBND TP làm tổ trưởng, Sở Tài nguyên Môi trường và Sở Xây dựng là tổ phó cùng các sở ngành, Công an TP, Cục Thuế TP là thành viên để giải quyết vướng mắc trong công tác cấp giấy chứng nhận cho các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn.
Kinh doanh bất động sản ở TP HCM có tín hiệu phục hồi
Báo cáo kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2024 của Cục Thống kê TP HCM nêu rõ, so với cùng kỳ 2023, doanh thu kinh doanh bất động sản trên địa bàn tăng 20,1%. Trong khi, hai tháng đầu năm ngoái, doanh thu này giảm 13%.
Theo Cục Thống kê, sự phục hồi là nhờ các chính sách tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản được Chính phủ ban hành thời gian qua. Đồng thời, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này chung tay phối hợp thực hiện nhiều chính sách thanh toán, ưu đãi cho khách hàng.
Năm 2023, Chính phủ đã thành lập các tổ chuyên môn, trung tâm tập trung giải quyết pháp lý từng dự án và ủy quyền cho TP HCM tự chủ xử lý các vấn đề liên quan đến bồi thường và nghĩa vụ tài chính. Theo Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), tính đến đầu năm nay, khoảng 30% trong số hơn 148 dự án bị vướng mắc pháp lý trên địa bàn đã giải quyết nhờ nỗ lực của các cơ quan có thẩm quyền Trung ương và Thành phố.
Theo Savills, Luật Đất đai sửa đổi sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc định giá đất và bồi thường giải phóng mặt bằng. Những diễn biến này không chỉ tác động đến thị trường về mặt pháp lý mà còn mở ra nguồn cung mới và giải quyết phần nào sự mất cân đối giữa cung và cầu nhà ở tại các thành phố lớn.
Theo các hãng dịch vụ bất động sản, thị trường bất động sản tại TP HCM năm nay dự báo có cải thiện, với nhu cầu tiếp tục tăng ở phân khúc khách thuê khu công nghiệp và văn phòng. Trong khi đó, thị trường nhà ở vẫn hạn chế về nguồn cung.