TP.HCM cho phép các công trình xây dựng, giao thông được phép thi công trở lại
Cụ thể, UBND từng địa phương đề xuất danh mục các công trình cụ thể được phép thi công, Sở Xây dựng tham mưu, đề xuất UBND TP.HCM quyết định. Theo ông Bình, trước đây, TP.HCM chỉ cho một số công trình trọng điểm thi công. Đến nay, qua đánh giá tình hình kiểm soát ổn hơn, TP.HCM cho phép mở rộng các công trình được thi công.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cũng cho biết, các sinh hoạt thể dục, thể thao tại công viên thuộc khu dân cư, chung cư thuộc "vùng xanh" thì Chủ tịch UBND quận, huyện, TP, phường, xã, thị trấn xem xét quyết định, cho phép hoạt động trở lại nếu đảm bảo an toàn, tuân thủ 5K.
Theo đó, các khu chung cư, công viên nằm trong chức năng ở, nếu đó là “vùng xanh” đảm bảo 5K thì toàn bộ UBND 22 quận/huyện/TP thì có thể cho phép người dân tập thể dục buổi sáng. Tuy nhiên, ông lưu ý cần xem xét các vấn đề liên quan đến phòng, chống dịch.
Về số lượng doanh nghiệp ở 3 địa phương là quận 7, Củ Chi, Cần Giờ và khu chế xuất, khu công nghiệp đăng ký thí điểm, ông Bình cho hay trước đây một số doanh nghiệp đã thực hiện "3 tại chỗ". Giờ đây khi đã có quy định cụ thể chắc chắn số doanh nghiệp sẽ tăng lên. Khu chế xuất và khu công nghệ cao sẽ báo cáo số lượng cụ thể.
Đối với câu hỏi Củ Chi, Cần Giờ có được đón khách quận huyện khác không, ông Bình cho hay TP giao hai địa phương có kế hoạch chi tiết sau đó báo cáo lại. Theo Phó chủ tịch UBND thành phố, do đang thí điểm nên trong quá trình thực hiện, TP liên tục đánh giá, nếu cần sẽ điều chỉnh ngay, nhất là điều chỉnh giao thông để tạo điều kiện kết nối cung cầu. Sau giai đoạn này, Sở Y tế sẽ đánh giá việc thí điểm để áp dụng cho các quận huyện còn lại.
Về vấn đề thẻ xanh ông Lâm Đình Thắng - giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP cho biết, UBND TP chọn thí điểm thẻ xanh COVID-19 tại các đơn vị: quận 7, huyện Củ Chi, Cần Giờ, các khu chế xuất và khu công nghệ cao trên địa bàn TP.
Ông Thắng lưu ý, không phải triển khai thí điểm thẻ xanh trên toàn bộ địa phương hoặc đơn vị đó mà chỉ triển khai trên một nhóm cụ thể sau khi thống nhất với lãnh đạo đơn vị.
Ông Thắng dẫn ví dụ: "Ở quận 7 chỉ triển khai thí điểm thẻ xanh COVID-19 cho khoảng 150 doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu; ở Củ Chi, Cần Giờ chỉ thí điểm đối với các cơ sở cung cấp thực phẩm, cung cấp sản phẩm dịch vụ sản xuất nông nghiệp, du lịch tại địa phương. Các địa phương còn lại không được thí điểm thì vẫn thực hiện các biện pháp như hiện nay theo các văn bản của UBND TP".
Sau ngày 30/9, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với các sở ngành và các địa phương để tham mưu giải pháp chính thức cho UBND TP.
Đối với ứng dụng "Y tế TP.HCM", ông Thắng cho biết đây không phải là ứng dụng mới mà đã được TP triển khai từ tháng 1 để khai báo y tế. Sau khi rà soát tình hình hiện nay đang có nhiều ứng dụng gây bất tiện và cũng để giúp giảm giấy tờ cho người dân, thành phố đã xin ý kiến của Bộ Thông tin - Truyền thông và thống nhất chọn "Y tế TP.HCM" làm ứng dụng thống nhất trên địa bàn.
Về lý do chọn giải pháp này, ông Thắng cho biết ứng dụng này do thành phố phát triển và đáp ứng được các yêu cầu thí điểm ở một số lĩnh vực. Sau này, khi địa phương trở về trạng thái bình thường mới, TP sẽ phát triển thành ứng dụng của công dân TP.HCM.
"Ứng dụng này gom nhiều ứng dụng hiện nay đang gây bất tiện cho người dân và các cơ quan quản lý, và giúp người dân giảm giấy tờ. Chúng tôi chọn giải pháp phát triển ứng dụng của TP nhằm đáp ứng yêu cầu của TP, ví dụ như bộ tiêu chí an toàn của từng lĩnh vực cụ thể, tiêu chí thẻ xanh.
Định hướng lâu dài của TP là ứng dụng này không chỉ để phục vụ phòng, chống dịch mà sẽ thành một ứng dụng cho công dân TP.HCM phục vụ các tiện ích cho người dân TP sau khi TP trở lại bình thường mới", ông Thắng giải thích.