TP.HCM đề xuất giảm 50% thuế VAT cho doanh nghiệp
Sáng 10/6, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chủ trì hội nghị gặp gỡ trực tuyến giữa lãnh đạo TP và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Kinh tế đang phục hồi, tăng trưởng
Thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM trong 5 tháng đầu năm 2021, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, so với cùng kỳ, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 456.104 tỷ đồng, tăng 8,9%. Kim ngạch xuất khẩu đạt 19,63 tỷ USD, tăng 15,1%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,4%.
Cũng trong 5 tháng đầu năm 2021, TP.HCM có 6.481 DN hoạt động trở lại, tăng 89,69% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 174.608,470 tỷ đồng, đạt 47,85% dự toán, tăng 22,8% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, dưới tác động và ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, doanh nghiệp tại TP.HCM đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Đã có 2.458 doanh nghiệp đăng ký giải thể (tăng 5% so với cùng kỳ); 9.849 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động (tăng 23,79% so với cùng kỳ).
Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng cho hay, trước tình hình này, TP.HCM đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và kịp thời động viên doanh nghiệp và người dân.
Cụ thể, Điện lực TP.HCM thực hiện giảm tiền điện cho hơn 2,39 triệu khách hàng với tổng số tiền hỗ trợ 1.086,5 tỷ đồng; miễn tiền sử dụng nước sạch cho các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, các khu cách ly tập trung trên địa bàn TP; gia hạn thuế và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, tổ chức, các hộ gia đình, cá nhân.
TP.HCM đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, về chính sách bảo hiểm xã hội, các Sở - ngành liên quan đã xử lý hồ sơ tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất cho 316 đơn vị với 29.517 lao động tương ứng với số tiền 308,785 tỷ đồng; khoảng 2.000 doanh nghiệp được tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất với 136.730 lao động.
Đồng thời, đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 để hỗ trợ hoạt động của DN; giải quyết chính sách cho 559.362 đối tượng người lao động của 5.274 đơn vị với kinh phí hỗ trợ 611,402 tỷ đồng; triển khai hỗ trợ tín dụng cho 254.550 khách hàng với số tiền 794.625 tỷ đồng.
TP.HCM cũng ban hành 06 bộ tiêu chí phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 trong các hoạt động: du lịch; giao thông vận tải; dịch vụ ăn uống; cơ sở giáo dục…
Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
TP.HCM xác định tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện “Mục tiêu kép” bằng 3 nhóm giải pháp trọng tâm.
Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương.
Triển khai chính sách hỗ trợ của TP về tài chính và phi tài chính. Trong đó, đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn về mặt bằng sản xuất, thực hiện các quy định phòng chống dịch…
Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp, tổ chức, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch, Sở KH&ĐT đề xuất hỗ trợ hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc, nghỉ việc không lương trong thời hạn hợp đồng từ 30 ngày liên tục trở lên; hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động /hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ trả lương ngừng việc cho người lao động…
Nhiều doanh nghiệp sẽ được TP.HCM hỗ trợ bằng nhiều chính sách nhằm khuyến khích phát triển kinh tế.
Kiến nghị Chính phủ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể, điều chỉnh mức hỗ trợ lên 100% kinh phí khi doanh nghiệp tham gia thực hiện chương trình xúc tiến thương mại trong nước; điều chỉnh mức hỗ trợ tối đa 100% đối với các chương trình về xúc tiến thương mại điện tử từ ngân sách nhà nước khi doanh nghiệp tham gia.
TP cũng đề xuất Chính phủ xem xét giảm thuế suất VAT từ 10% xuống 5% trong năm 2021; kéo dài chính sách giảm tiền thuê đất đối với doanh nghiệp du lịch trong năm 2021; xem xét tiếp tục gia hạn giảm phí thẩm định hồ sơ cấp phép kinh doanh lữ hành và cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch đến hết năm 2021; cho phép DN lữ hành giảm 80% số tiền ký quỹ trong thời gian 2 năm để giúp tạo dòng tiền hoạt động; xem xét kéo dài thời gian tạm dừng đóng bảo hiểm hưu trí và tử tuất, tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp từ 60% lên 80% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm tự nguyện.
Đồng thời, kiến nghị điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng giá điện sản xuất trong năm 2021 và những năm tiếp theo.
Quang Hải