TP.HCM: Hạn chế trong chương trình thực hiện “Môi trường không khói thuốc”
Vừa qua, Trung tâm tư vấn sức khỏe và phát triển cộng đồng (CHD) tổ chức tổng kết dự án "Tăng cường thực thi môi trường không khói thuốc thông qua tăng cường thưởng phạt và sự tham gia của cộng đồng" giai đoạn 1 (2018 - 2020) tại bến xe Miền Tây và bến xe buýt Sài Gòn.
Theo báo cáo tại 2 điểm trên trong sau 2 năm thực hiện, có gần 9.000 lượt hành khách, cán bộ, nhân viên, người làm dịch vụ được nhắc nhở vi phạm.
Đặc biệt, ban chỉ đạo bến xe đã xử phạt 254 cán bộ bến xe, nhân viên, tài xế... với tổng số tiền phạt hơn 100 triệu đồng.
Đồng thời, sự tuyên truyền, nhắc nhở tại các bến xe đã có hiệu quả về nhận thức, ý thức và tuân thủ cho nhiều người sử dụng thuốc lá và những người bán thuốc, hàng rong tại đây.
Đại diện các đơn vị bến xe phát biểu tại chương trình dự án Môi trường không thuốc lá
Bà Nguyễn Hoàng Yến - Giám đốc CHD cho biết, với mục đích giảm phơi nhiễm khói thuốc và tránh các bệnh liên quan đến thuốc lá trong các phương tiện giao thông và địa điểm công cộng tại TP.HCM. Đồng thời, tăng cường lực lượng của ngành vận tải trong việc thực hiện chính sách tuân thủ không khói thuốc tại các phương tiện giao thông, địa điểm công cộng và chú trọng công tác nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của thuốc lá. Thời gian qua dự án đã cung cấp 3000 sản phẩm gồm bảng nội quy cấm hút thuốc tại bến xe, 20.000 cuốn cẩm nang cho tài xế, tiếp viên, 115.000 tờ rơi cho hành khách…
Chặng đường 2 năm thực thi dự án bước đầu đã có tác động lớn trong việc xây dựng hình ảnh bến xe không khói thuốc, số người hút thuốc lá thụ động tại bến xe giảm đáng kể...
Tuy nhiên, tại buổi tổng kết, các đơn vị thực hiện dự án đều có ý kiến vẫn còn nhiều bất cập để đạt hiệu quả thiết thực.
Theo bác sĩ Trịnh Văn Hiệp - Nguyên Thường trực Ban chủ nhiệm chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá TP.HCM (Sở Y tế TP.HCM), Cố vấn dự án Giao thông không thuốc lá cho rằng: Dự án có mục tiêu xử phạt cán bộ, nhân viên, tài xế, tiếp viên thì thực hiện được, nhưng còn đối tượng vi phạm là hành khách thì chưa thể tiến hành xử phạt theo mục tiêu của dự án. Bởi thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành khách còn rất hạn chế.
Theo quy định, hiện chỉ Thanh tra giao thông, Chủ tịch ủy ban, Công an được quyền xử phạt hành chính vi phạm. Thực tế những người này không có thời gian cho công việc xử phạt, bởi khi phạt vi phạm hút thuốc lá thì phải xử phạt thường xuyên, trong giờ, ngoài giờ, đặc biệt là hành khách tại bến xe vi phạm cần phải xử lý tức thời.
Bên cạnh đó, thủ tục xử phạt qua quá nhiều bước, muốn phạt hành chính thì phải lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định vi phạm hành chính, tống đạt quyết định vi phạm hành chính, theo dõi chấp hành vi phạm hành chính… trong khi đó thực tế có trường hợp bị phạt sẵn sàng để “treo” luôn quyết định xử phạt.Việc áp dụng quy định xử phạt hành chính vào dự án quá khô cứng, không khả thi.
Dự án cần thực hiện đồng bộ, xử lý vi phạm nghiêm, không cả nể vị tha
Một việc khó khăn nữa đó là người có thẩm quyền phạt nhưng có muốn phạt hay xuê xoa bỏ qua vi phạm, không muốn phạt vì cả nể... Khi phạt qua nhiều khâu như lập biên bản, theo dõi, xử phạt, vậy người phạt có chịu ra quyết định xử phạt không? Người bị phạt có khi là người quen, đồng nghiệp, người quen cấp trên nhờ can thiệp… có khi người vi phạm còn xúc phạm mình, vậy người có quyền xử phạt có dám phạt không? Dự án có triển khai nhưng chỉ làm bề nổi, làm đại trà, làm không đồng bộ.
Như vậy muốn thực hiện hiệu quả cần tăng quyền xử phạt hành vi vi phạm hút thuốc lá trong bệnh viện, bến xe… cho nhiều người. Cụ thể, tại bến xe nên cho lãnh đạo bến xe được quyền xử phạt. Thứ hai, thủ tục xử phạt phải được rút gọn. Thứ ba là xử phạt và thu tiền phạt tại chỗ.
“Luật, tài liệu hướng dẫn… đối với dự án “Nói không với thuốc lá” có rất nhiều, hiện Nghị định số 117/2020/NĐ-CP còn quy định mức phạt tiền với hành vi hút thuốc tại nơi bị cấm tăng lên từ 200.000 đồng - 500.000 đồng, thay vì mức 100.000 đồng - 300.000 đồng như trước, nhưng vấn đề là việc thực hiện giám sát, xử lý vi phạm phải làm nghiêm và chuẩn chỉnh, không cả nể vị tha, đồng bộ... thì mới mong có hiệu quả” - BS Trịnh Văn Hiệp nhấn mạnh.
Quỳnh Hương