TP.HCM: Hơn 1.517 học sinh mồ côi cha mẹ vì Covid-19
Hơn 1.517 học sinh mồ côi do Covid-19
Ngày 14/9, tại buổi làm việc trực tuyến với Ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng Nhân dân TP.HCM về tình hình học sinh học tập đầu năm học 2021-2022, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, dịch Covid-19 gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người dân, trong đó có giáo viên và học sinh thành phố.
Theo tổng hợp mới nhất, có 10.073 học sinh phổ thông và 3.386 giáo viên đang thuộc diện F0; có 1.517 học sinh phổ thông rơi vào cảnh mồ côi do dịch Covid-19. Trong học sinh mồ côi, hơn 490 em tiểu học, 580 em THCS, còn lại là THPT, giáo dục thường xuyên.
Ngoài ra, dịch bệnh còn khiến 12.341 người là cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động mất việc làm. Trong đó, ảnh hưởng nhiều nhất là bậc học mầm non với 10.129 nhân sự (chiếm 82,08%) bị hủy hoặc hoàn hợp đồng lao đồng.
Hiện nay có 1.253 cơ sở trường học được trưng dụng để chống dịch, trong đó để làm điểm cách ly là 278 trường; hỗ trợ xét nghiệm, tiêm vắc xin là 419 trường; 266 trường học là nơi ở cho bộ đội; trưng dụng làm trạm y tế lưu động ở 158 trường và các hoạt động khác là 132 trường.
Về việc phát hành sách giáo khoa, Sở GD thông tin, tỷ lệ sách giao đến học sinh có nhu cầu là 507.034/707.487 học sinh (đạt tỷ lệ 71,67%), số học sinh chưa có sách là 200.453 học sinh (tỷ lệ 17,35%). Trong đó, bậc tiểu học là 21,92%; THCS là 9,15%. Sở GD đã phối hợp triển khai SGK điện tử đến tất cả các cơ sở giáo dục, thông tin, hướng dẫn phụ huynh, học sinh sử dụng miễn phí.
Trước đó, ngày 10/9, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có văn bản gửi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố xin hỗ trợ cho học sinh, giáo viên khó khăn đầu năm học 2021-2022.
Liên quan đến việc học trực tuyến, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, đã có 94,3% học sinh tiểu học tham gia học trực tuyến trong tổng số 674.173 học sinh. Dù vật, khi có điều kiện học trực tiếp, các trường sẽ rà soát, đánh giá đối với khả năng tiếp thu của từng học sinh để để kèm thêm.
Đối với bậc trung học, theo thống kê có khoảng 93,9% học sinhTHCS(trên tổng số hơn 400.000 học sinh cấp này) và 97,5% học sinh THPT (trên tổng số hơn 200.000 học sinh) tham gia học trực tuyến.
Sở GD-ĐT cho biết, năm học 2021-2022, TP.HCM xác định học trực tuyến hết học kỳ 1. Sở chỉ đạo các trường triển khai dạy học trực tuyến không được gây áp lực, quá tải cho học sinh, phải linh hoạt, chậm, chắc, bám sát thực tiễn từng địa phương.
Riêng với học sinh gặp khó khăn về điều kiện học tập trên internet, Sở GD-ĐT TP đã chỉ đạo các đơn vị, cơ sở giáo dục khi triển khai dạy học trên internet, nắm thông tin đầy đủ từng phụ huynh, tuỳ điều kiện cụ thể có sự hỗ trợ phù hợp: kết nối mạnh thường quân hỗ trợ tài chính, trang thiết bị học tập cho học sinh; gửi tài liệu giấy, phiếu học tập... để học sinh tự ôn tập thêm.
Thời điểm TP.HCM kiểm soát được dịch bệnh, Sở GD sẽ nỗ lực đẩy nhanh tiến độ cho trẻ đến trường, ưu tiên học sinh các khối lớp 1, 2, đầu và cuối cấp, chia nhỏ lớp để học trực tiếp... Trường hợp học trực tuyến kéo dài sẽ tham mưu sử dụng các tuần dự trữ, kéo dài năm học, nhất là các khối lớp 1, 2 và đầu cấp để đảm bảo kết quả học tập.
Hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng do dịch Covid-19
Đối với việc hỗ trợ cho trẻ em bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết, trường hợp trẻ em đang điều trị do mắc COVID-19 hoặc đi cách ly sẽ được hỗ trợ tiền ăn với mức 80.000 đồng/người/ngày.
Ngoài ra, trẻ em còn được hỗ trợ một lần với mức 1 triệu đồng/em. Ngân hàng Nhà nước sẽ đảm bảo chi phí đối với các chi phí ngoài phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế và chi phí khám chữa bệnh đối với trẻ không có thẻ bảo hiểm.
Khi trở về nhà sau khi điều trị và cách ly, trẻ em sẽ được chính quyền địa phương, cơ quan ban ngành xác minh hoàn cảnh để hỗ trợ nhu yếu phẩm. Nếu gia đình quá khó khăn, địa phương sẽ kêu gọi hỗ trợ từ các tổ chức xã hội, mạnh thường quân.
Trường hợp trẻ không có cha mẹ do qua đời vì Covid-19, sẽ được xét trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng. Mức trợ cấp có hệ số 2,5 đối với trường hợp dưới 4 tuổi, hệ số 1,5 đối với trường hợp từ đủ 4 tuổi trở lên, được cấp thẻ Bảo hiểm y tế miễn phí, được miễn giảm học phí và các khoản khác trong nhà trường.
Thời gian trợ cấp đến dưới 16 tuổi. Trẻ đủ 16 tuổi nhưng đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất tiếp tục được hưởng chính sách trợ giúp xã hội cho đến khi kết thúc học, nhưng tối đa không quá 22 tuổi.
Hiện nay, các quận, huyện, Thủ Đức đang vận động chăm sóc, hỗ trợ cho trẻ có cha mẹ qua đời vì Covid-19 hoặc chỉ có cha hoặc mẹ qua đời vì dịch bệnh. Người còn lại nhiễm đang điều trị trong khu cách ly tập trung có hoàn cảnh khó khăn từ 3-5 triệu đồng/trẻ cùng gạo, sữa, mì, dầu ăn...