Tp.HCM muốn thay đổi bộ mặt giao thông với 211km đường sắt và BRT mới
Được biết, trong giai đoạn 10 năm sắp tới (2021-2030), TpHCM có kế hoạch phát triển 211km đường sẳt. Trong đó, tương lai gần sẽ tập trung triển khai khoảng 66km đường sắt cùng dự án giao thông xanh TpHCM (BRT).
Trong giai đoạn 2021-2025, thành phố sẽ ưu tiên triển khai các tuyến metro. Đầu tiên là hoàn thiện và đưa vào khai thác, sử dụng tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) dài 19,7 km; thi công tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) dài 11,32 km.
Hiện tại, tuyến metro đã đạt tiến độ khoảng 85%, dự kiến sẽ hoàn thiện và đưa vào khai thác thương mại vào năm sau 2022.
Còn tuyến metro thứ hai đang tiến hành công tác giải phóng mặt bằng, đến nay 601 trên 603 trường hợp đã nhận quyết định quyết định bồi thường, tỷ lệ bàn giao mặt bằng sắp chạm ngưỡng 80%. Ngay trong những tháng còn lại của năm 2021, tuyến metro số 2 sẽ có đủ mặt bằng để tiến hành thi công.
Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên)
Nhiều dự án cũng được triển khai ngay trong giai đoạn 2021-2025 đó chính là: tuyến metro số 5 – giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền – cầu Sài Gòn) dài 8,9 km; tuyến metro 3a – giai đoạn 1 (Bến Thành – Bến xe miền Tây) dài 9,7 km; tuyến BRT số 1 dài 23 km; tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – Cảng hàng không quốc tế Long Thành dài 11,8 km.
Với dự án dự án phát triển giao thông xanh Tp. Hồ Chí Minh (BRT) thì theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông của thành phố thì dự án sẽ bắt đầu khởi công một số gói thầu ngay trong thời điểm cuối năm 2021.
Thành phố Hồ Chính Minh đã phê duyệt điều chỉnh dự án này vào hồi cuối tháng 11/2021, tổng thời gian thực hiện được điều chỉnh đến năm 2023.
Hiện dự án vẫn đang trong quá trình điều chỉnh chủ trương đầu tư cùng với việc gia hạn Hiệp định vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) cho dự án đến ngày 31/12/2023.
Được biết, dự án BRT có tổng mức đầu tư khoảng 121,257 triệu USD vốn vay IDA (Hiệp hội Phát triển quốc tế) của WB và gần 423 tỷ đồng là vốn đối ứng.
Bên cạnh những dự án trọng điểm trên, hiện tại thành phố cũng đang tiến hành nâng cấp 4 tuyến quốc lộ cửa ngõ 1, 13, 22 và 50 cũng trong giai đoạn 2021-2025.
Động thái này là nhằm khai thông các tuyến đường vốn chứa nhiều nhược điểm, như chịu áp lực rất lớn từ dòng xe ra vào thành phố, lòng đường hẹp, không có giải phân cách phân làn cho các phương tiện và chấm dứt tình trạng ùn tắc, va chạm giao thông nguy hiểm...
H.S
Xem thêm: Tp.HCM sẽ nâng cấp hàng loạt tuyến quốc lộ cửa ngõ với tổng kinh phí 18.000 tỷ đồng