TP HCM nghiên cứu lập Ban chỉ đạo giải quyết các tồn đọng về dự án treo
Chiều 25/11, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cùng tổ ĐBQH đơn vị số 6 đã có buổi làm việc với UBND quận Bình Tân về tình hình, kết quả phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết các kiến nghị, đề xuất của quận.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Minh Nhựt, Chủ tịch UBND quận Bình Tân thông tin, hiện quận có hai dự án treo trên 20 năm là Khu công nghiệp Vĩnh Lộc và Khu dân cư Vĩnh Lộc nhưng chưa có giải pháp xử lý dứt điểm. Cử tri đã nhiều lần đề đạt ý kiến trong các lần tiếp xúc cử tri.
Chủ tịch UBND quận Bình Tân cho biết đã nhiều lần làm việc với chủ đầu tư nhưng không tìm được sự đồng thuận giữa hai bên. Từ đó, ông Nhựt đề xuất giao cho quận quy hoạch lại để đảm bảo quyền lợi của người dân.
Về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân cho rằng phương án đền bù của hai dự án trên đã có từ năm 1999, đề nghị UBND TP HCM xin ý kiến Chính phủ cho giải pháp đối với dự án kéo dài hơn 20 năm nhưng chưa hoàn thành; lấy đó làm cơ sở cho các quận, huyện khác tại TP có dự án nào tương đồng thì định hướng làm theo.
Ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, những vướng mắc về hai dự án trên sẽ khó có thể giải quyết nếu không có sự vào cuộc của cả quận Bình Tân lẫn các sở, ngành, UBND TP HCM. Theo ông, đây là vấn đề không nên kéo dài.
Cựu Bí thư Thành ủy TP HCM gợi mở hướng hoạt động của tổ công tác này là 2 năm đầu chỉ cần thống kê hiện trạng các dự án treo. Trên cơ sở đó tìm vấn đề của từng trường hợp, phân loại rõ dự án nào cần thẩm quyền giải quyết của địa phương, của TP hay của Trung ương để tìm đúng nơi giải quyết dứt điểm.
Ghi nhận các ý kiến của phía quận và ĐBQH, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi yêu cầu quận Bình Tân kết hợp với Sở Nội vụ TP bàn về mô hình này. Sau đó, Văn phòng UBND TP cùng Sở Nội vụ có kế hoạch để thành lập tổ công tác giải quyết các vấn đề tồn đọng của những dự án treo.
Ban chỉ đạo sẽ tập trung trong 2-3 tháng để rà soát các nhóm vấn đề; 2-3 tháng lên kế hoạch giải quyết từng vấn đề và hướng giải quyết các dự án treo. Từ đó, nâng lên thành ban chỉ đạo của TP chỉ đạo các vấn đề tồn đọng về dự án treo.
Ông Mãi yêu cầu Văn phòng UBND TP xây dựng kế hoạch rà soát xử lý các dự án treo trên địa bàn TP và chỉ đạo quận, huyện lập tổ công tác như quận Bình Tân để rà soát các nhóm vấn đề, có giải pháp giải quyết. Ban chỉ đạo TP sẽ giúp các địa phương thống nhất với cấp ủy, ủy ban của các quận, huyện để giải quyết các dự án treo.
TP HCM còn 357 dự án treo
Trong báo cáo gửi Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và UBND TP HCM, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết, trong giai đoạn 2016-2022, toàn thành phố có 1.532 dự án có sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất bao gồm các dự án bất động sản, đô thị, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội của khu vực tư nhân và các dự án đầu tư công.
Trong đó, có 451 dự án đã hoàn thành, chỉ chiếm 29,4%, 703 dự án đang triển khai, chiếm 45,9% và có đến 357 dự án, chiếm 24,7% quá 03 năm đăng ký kế hoạch sử dụng đất vẫn chưa triển khai thực hiện (dự án treo).
Hiệp hội cho biết, phần lớn là các dự án đầu tư công do phụ thuộc vào việc cân đối nguồn vốn ngân sách, tài chính của chủ đầu tư nên chưa thực hiện được hoặc chỉ thực hiện một phần công tác giải phóng mặt bằng (da beo). Trong đó chủ yếu do vướng mắc về phương án giá bồi thường, mặc dù hàng năm thành phố đều ban hành quyết định hệ số điều chỉnh giá đất cao hơn từ 4 - 35 lần giá đất trong bảng giá đất để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Các dự án treo này đã làm ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của thành phố và quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân có đất bị thu hồi.
Trong số 703 dự án thuộc diện đang triển khai (không thuộc trường hợp bị thu hồi dự án) thì đang có khoảng 143 dự án bị vướng mắc pháp lý nên chưa thực hiện được hoặc chỉ thực hiện được một phần dự án hoặc phải tạm dừng dự án.
Bên cạnh đó, TP HCM còn có khoảng 64 dự án bất động sản, đô thị, nhà ở thương mại, nhà ở tái định cư sử dụng đất có nguồn gốc đất công thuộc các trường hợp do sắp xếp lại, xử lý tài sản công hoặc do di dời nhà xưởng ô nhiễm hoặc do cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước mà chưa hoàn tất các thủ tục theo quy định.
Các dự án này thuộc diện phải rà soát lại về pháp lý nên đã bị dừng triển khai thực hiện, dừng thi công; dừng các thủ tục xác định tiền sử dụng đất hoặc tiền sử dụng đất bổ sung; dừng thủ tục cấp Giấy chứng nhận (sổ hồng) cho chủ đầu tư, người mua nhà; không được huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai. Vì vậy, các chủ đầu tư và người mua nhà tại dự án này rất khó khăn.
Ngoài ra, còn có một số dự án bất động sản, đô thị, nhà ở thương mại từ năm 2015 trở về trước bị dở dang, không thể triển khai thực hiện hoàn thành dự án chủ yếu là do vướng bồi thường giải phóng mặt bằng.
HoREA cho rằng, nguyên nhân chính là do chủ đầu tư dự án yếu kém năng lực, nhất là năng lực tài chính. Các dự án “dở dang, da beo” này đã làm nhếch nhác bộ mặt đô thị, không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của khách hàng, nhà đầu tư và người dân có đất bị thu hồi, gây “bức xúc” trong xã hội cần sớm được giải quyết, nhất là tại các dự án khu đô thị, nhà ở thương mại thực hiện mô hình chủ đầu tư chính và các chủ đầu tư dự án thành phần.
Trên thực tế, rất ít dự án thực hiện thành công theo mô hình chủ đầu tư chính và các chủ đầu tư dự án thành phần. Bởi lẽ, phần lớn các chủ đầu tư thành phần yếu kém năng lực về tài chính dẫn đến không thực hiện được công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, bị dở dang trên dưới 20 năm nay. Chẳng hạn dự án Khu dân cư Bình Trưng Đông - Cát Lái, dự án khu dân cư Bắc Rạch Chiếc,…
Do vướng mắc pháp lý nên thị trường bất động sản phát triển chưa minh bạch, công bằng, chưa an toàn, lành mạnh, chưa ổn định, bền vững, thể hiện qua mô hình thị trường bất động sản như hình kim tự tháp bị lộn ngược đầu, do tỷ lệ nhà ở cao cấp chiếm đến khoảng 80%, còn lại là nhà ở trung cấp, không còn loại nhà ở giá vừa túi tiền và rất thiếu nhà ở xã hội.